Chuyện về nghề "ăn cơm mặt đất, làm việc... trên trời"

Thứ bảy, ngày 10/12/2016 13:45 PM (GMT+7)
Đồ nghề của họ chỉ là chiếc nài vải, con dao xếp nhỏ và đôi tay trần đầy vết chai cứng. Hàng ngày, họ treo mình lơ lửng trên những ngọn cau cao vút nên thường được gọi là những người “ăn cơm mặt đất, làm việc... trên trời”.
Bình luận 0

Thành ngữ có câu “nhà có phúc sinh con biết lội, nhà có tội sinh con ham trèo”, nhắc lại vậy để thấy, người xưa rất cảnh giác với việc leo trèo đến như thế nào. Leo trèo, nhất là trèo lên những loại cây ít mắt, ít cành như cau, ai cũng biết là khó và nguy hiểm.

Tháng 7 hàng năm - mùa cau tươi vừa tròn hột, ấy cũng là lúc đội quân leo cau ở huyện Hoài Nhơn. Bình Định vào mùa bận rộn.

img

Hàng ngày, những người hái cau luôn lơ lửng trên cây để mưu sinh.

Một ngày của thợ leo cau

Những ngày nhiều việc để làm nhất của những người theo nghề hái cau bắt đầu từ cuối tháng 6 đến hết tháng 9 âm lịch hàng năm. Sau khi vụ mùa kết thúc, để giữ mối làm ăn lâu dài, thợ hái cau chuyên nghiệp rong ruổi khắp nơi, từ trong huyện lên đến các huyện lân cận, đôi khi còn ra cả Quảng Ngãi để tìm hàng cung cấp cho các đại lý.

Theo chân anh Nguyễn Văn Thưởng (42 tuổi, ở thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) chúng tôi đến vườn cau của cụ Lê Thị Đãi (ở thôn Thuận Thượng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Thuận Thượng chưa phải là nơi trồng nhiều cau lấy trái nhưng lại có khá nhiều  nhà trồng cau làm cảnh và hiện những hàng cau cảnh ở Thuận Thượng đang độ “tròn hột”. 

Trên chiếc xe máy cà tàng, phía sau gắn 2 chiếc giỏ sắt, anh Thưởng chạy đến nơi đã hẹn đúng giờ y boong. Vừa chuẩn bị đồ nghề, anh Thưởng vừa cười: Mình giữ thói quen chính xác. Cau đang tròn hột, nói mà không tới hái đúng hẹn có khi người ta để cho người khác mất. 

img

Hàng ngày, những người hái cau luôn lơ lửng trên cây để mưu sinh.

Chiếc nài anh Thưởng dùng, làm bằng dây dù dẹp, bản rộng; còn dao là con dao xếp nhỏ dùng để cắt yếm, rất bén. Cả hai đều tinh tươm. Anh Thưởng cho biết: Hai món này tuy đơn giản nhưng vô cùng thiết thân với thợ leo cau. Nài bằng dù bền chắc nhưng không kiểm tra không được, phải an toàn. Dao cũng vậy, dao xếp như mọi người dùng thôi, nhưng lúc nào cũng phải bén, sạch sẽ.

Theo anh Thưởng, đừng nghĩ chỉ biết hoặc giỏi leo trèo là đủ. Thật ra bấy nhiêu chỉ mới đủ để gọi là bước chân vào nghề. Mưu sinh trên lưng chừng trời, hụt tay, sút chân là hiểm nguy đến tính mạng. Bởi thế, phải cẩn thận với những hiểm nguy bất chợt thường xuyên rình rập như: rắn, rết, ong, kiến… Những giống này người leo cây nào cũng kỵ, người leo cau còn kỵ gấp mấy lần. Cho nên thợ có kinh nghiệm, trước khi lên cây, bao giờ cũng cẩn thận quan sát, kiểm tra; vừa leo lên vừa đánh động để xua chúng đi chỗ khác.

Hơn 10 năm mưu sinh trên những ngọn cau mỏng manh, chót vót, với anh Thưởng, mỗi khi đứng trước một cái cây là anh đã nhắm hướng leo ra sao để cắt nhanh nhất. Ra đến vườn, chốt lại giá, săm soi cây xong, anh cẩn thận tròng chiếc nài vào đôi chân, rồi nhanh như sóc, từng nhịp một vắt vẻo trèo lên cao. 

Cây cau cao hơn 10 m được anh “chinh phục” chưa đầy 1 phút. Trên cao, anh Thưởng thuần thục với từng động tác một, nào cắt yếm, rồi tước buồng. Mọi việc diễn ra nhanh và gọn, mặc cho cây cau chao qua, nghiêng lại liên hồi, ngay cả khi trời đứng gió. 

Nhiều thợ leo cau cho biết, leo cau hái cau khó cũng vì thế. Đường kính thân cây cau nhỏ là một điểm khó. Khi lên cao, thân cây mảnh, chỉ cần người leo khẽ vươn người tới thôi là nó đã chao rồi… Vừa giữ mình chắc chắn, vừa vươn tay cắt yếm, tước buồng, lúc chưa thạo nghề, đứng cả tim! 

Hái buồng cau xong, một tay giữ buồng, tay còn lại móc vào thân cau, rồi mượn độ trơn của đôi giày vải ở chân, tì vào thân cau, anh Thưởng tụt nhanh xuống gốc. Chứng kiến cách thợ leo cau lên cao, người chưa quen sẽ lo một phần; nhưng khi nhìn cách họ xuống, chắc chắn sẽ thót cả tim. Nhưng rồi cứ thế, cứ thế… hết cây cau này sang cây khác, hết vườn cau này sang vườn cau khác… cũng bằng cái cách gọn ghẽ, chắc chắn như thế, anh Thưởng lần lượt trèo lên, tuột xuống an toàn. 

Hôm đó là một ngày vui của anh Thưởng, dù mãi đến chập choạng tối anh mới về đến nhà. Mỉm cười, anh Thưởng phân trần, thành thạo nghề rồi nhưng chân tay cũng phỏng rộp, ê ẩm khắp cả người. “Ngó vậy chớ sáng mai có mối, mình vẫn phải guồng đều. Miễn có nhiều cau là vui cái đã” - anh nói.

img

Anh Nguyễn Văn Thưởng đang cẩn thận cột lại buồng cau vừa mới hái lên xe, chuẩn bị chuyển hàng đến một đại lý ở thị trấn Bồng Sơn bán.

Kiếm sống được nhưng nguy hiểm

Năm nay, giá cau đang từ 4.000 đồng/kg tăng vọt lên tới 8.000 đồng/kg. Có bao nhiêu đại lý mua hết bấy nhiêu, cân cau đến đâu tiền trả đến đó. Bình quân, một thợ leo cau có thể kiếm mỗi ngày từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng. 

Ông Huỳnh Thanh Hùng (ở xã Hoài Tân) - một trong những đại lý chuyên thu mua cau ở Hoài Nhơn - cho biết: “Gia đình tôi làm đại lý mua bán nông lâm sản như cau, dừa khô, mây, đót, cọng dừa… đến nay đã xấp xỉ gần 20 năm. Tôi quen biết gần như đầy đủ tất cả các thợ leo cau. Nghề này kiếm sống được nhưng nhiều hiểm nguy. Cứ vài năm là có 4 - 5 người phải giải nghệ. Phần vì tuổi cao sức yếu; cũng có nhiều người tuy còn trẻ nhưng độ dẻo dai không đủ nên đành nghỉ. Cũng có người đành bỏ nghề vì bị tai nạn nghề nghiệp. Đó là còn sống đấy, chứ như cách đây ít lâu, ở thôn An Dinh, xã Hoài Thanh, khi leo đến quá nửa cây cau, bất ngờ chiếc nài bị đứt đôi, anh thợ leo cau rơi xuống đất, tử vong tại chỗ. Nguyên nhân là chiếc nài đã mòn, mục từ lâu, nhưng thợ chủ quan không thay!”. 

Anh Ba, một thợ leo cau kỳ cựu, góp chuyện: Nhiều khi leo lên đến gần ngọn, cây rung nhiều, ong ở đâu tự nhiên kéo đến cả bầy, đốt thôi là đốt. Mấy đứa có kinh nghiệm thì dù mệt cũng ráng chịu đau, giấu kỹ cái mặt, nín thở đưa lưng cho nó đốt. Ngó vậy chớ giữa trời, nó đốt mấy phát rồi bay đi, mình thì leo tiếp. Chớ lúc đó mà tụt vội xuống, y như rằng bầy ong sẽ đuổi theo, có nước nhảy xuống ao mà né, may ra mới thoát. 

img

Cau có hai giống phổ biến - giống tròn gọi là cau sung, giống dài đầu nhọn gọi là cau vú bò.

Khi chuẩn bị trầu cau cho đám cưới, đám hỏi, người ta thích buồng cau to, càng nhiều trái càng tốt. Buồng cau trên trăm trái hiếm thấy, rất đắt tiền. Người ta chuộng buồng cau trăm trái do ước mong con cháu được trăm năm hạnh phúc.

Chút tình giữa những người thợ

Sau nhiều năm chững lại, năm nay, cau có dấu hiệu tăng giá và hút hàng với số lượng lớn. Đó là lý do khiến nhiều người đến với nghề leo cau, thậm chí một số thợ kỳ cựu vốn đã nghỉ được mấy năm cũng bươn bả mang nài, mài lại dao rong ruổi tìm cau. 

Những thợ leo cau kỳ cựu cỡ như anh Thưởng, ai cũng có một số vườn cau làm mối ruột, đặc biệt là các nhà vườn ở các xã phía Nam huyện Hoài Nhơn, nơi có những vườn cau đã nhiều năm tuổi. Từ cuối tháng 6 đến giờ, ngày nào anh Thưởng cũng đi hái cau từ rất sớm. Lượng cau có chừng, mình không tranh thủ thì nhóm khác đến mua mất - ấy là anh Thưởng giải thích vậy. 

“Trước đây, khi chưa nhiều người theo nghề, mỗi ngày thợ leo cau chỉ trèo hái một buổi, còn một buổi nghỉ dưỡng. Vậy mà vẫn mua được hơn tạ cau mỗi ngày. Nay phải đi thật xa mới có cau để mua. Nếu may mắn và khéo ăn nói, mỗi ngày cũng chỉ mua được hơn nửa tạ cau; ngày kém được vài chục ký, đủ tiền xăng và tiền ăn trưa dọc đường” - một thợ leo cau cho biết.

"Mình leo cau nhiều năm, riết rồi với một số vườn không chỉ gần như thành người thân của chủ nhà, mà còn quen cả với từng cây cau, cao to, mập ốm, tật ở chỗ nào, khu nào hay có kiến, có ong… Ngẫm lại cũng thấy vui vui! "Anh Nguyễn Văn Thưởng, một thợ leo cau cho biết.

Chia sẻ nỗi vất vả và những hiểm nguy của nghề, anh Thưởng giãi bày: “Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và nhất là không sợ độ cao; đặc biệt là có kinh nghiệm nhận dạng cau non, cau già ngay từ dưới gốc, để khỏi tốn sức leo lên. Ngoài ra, thợ leo cau phải luôn luôn cẩn thận. Mình leo cau nhiều năm, riết rồi với một số vườn không chỉ gần như thành người thân của chủ nhà, mà còn quen cả với từng cây cau, cao to, mập ốm, tật ở chỗ nào, khu nào hay có kiến, có ong… Ngẫm lại cũng thấy vui vui!”.

Ngồi cùng nhóm thợ leo cau, tôi hình dung nỗi nhọc nhằn của họ từ những vết chai sần ở bàn tay họ. Nghề trèo cau là nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro nên dù có đôi chút cạnh tranh trong việc tìm mối hàng, thợ leo cau đều nhắc nhau phải cẩn thận, giữ an toàn. 

Diệp Bảo Sương (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem