Chuyện về người nông dân xứ Tuyên từ đôi tay trắng, ở tận cùng khổ đau, vươn lên thành tỷ phú

Lê Thọ Bình Thứ ba, ngày 14/11/2023 11:01 AM (GMT+7)
Đã có lúc, người đàn ông ấy tưởng chừng khụy ngã trước những đau đớn nhất của cuộc đời, khi lần lượt mẹ, rồi con gái đã vĩnh viễn ra đi vì bạo bệnh, gia đình rơi cảnh khánh kiệt nợ nần.
Bình luận 0

Về Thái Hải - ngôi làng "cổ tích" của người Tày, khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị - Ảnh 1.

Nhiều người khác, nếu không bản lĩnh, nghị lực có lẽ đã buông xuôi tất cả. Còn nỗi đau nào lớn hơn thế nữa! Còn riêng anh, đã kiên cường đứng dậy, chọn con đường về quê làm ruộng, làm vườn… Người đàn ông ấy - Trịnh Văn Lực (sinh năm 1972, ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), từ chỗ "âm" tài sản, giờ đã trở thành tỷ phú, được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Anh Lực đưa chúng tôi lên thăm trang trại của mình vào một sáng đầu tháng 10/2023. Từ nhà riêng của anh lên tới khu đồi thoai thoải – nơi có trên 500 cây bưởi trĩu quả đang vào mùa thu hoạch - chừng 2km. Đến cổng trang trại thì thấy một nhóm công nhân đang cho những quả bưởi xanh căng tròn vào những cái bao tải to. "Hôm nay sẽ có 6 chuyến xe tải đưa bưởi đi TP.Hải Phòng, Hải Dương và một số tỉnh vùng duyên hải. Sắp đến rằm rồi" - một chị công nhân nói với tôi, tay vẫn không ngừng cho những quả bưởi vào bao tải. Hai thanh niên lực lưỡng xếp những bao tải này chất thành đống chờ xe tới đem đi.

Chúng tôi đi theo anh Lực - ông chủ của trang trại này, lên sườn đồi, dưới tán của rừng bưởi cây nào cũng xum xuê quả. Mùi hương bưởi ngào ngạt trong tiết trời mát lạnh của tháng mười thật dễ chịu. Anh Lực với tay ngắt hai trái đặt lên chiếc bàn nhỏ được anh công nhân vác từ dưới nhà lên. Anh bổ thoăn thoắt… Từng múi bưởi hồng mọng nước được đặt vào chiếc khay. Vị ngọt có chút chua nhè nhẹ thấm vào từng chân răng. Thú thực tôi chưa bao giờ được thưởng thức một vị ngọt, ngon dịu đến thế!

Chuyện về người nông dân xứ Tuyên từ đôi tay trắng, ở tận cùng khổ đau, vươn lên thành tỷ phú - Ảnh 2.

Nụ cười mãn nguyện của anh Trịnh Văn Lực. Ảnh: Nguyễn Chương.

Tuổi thơ cơ cực

Trong những lúc tuyệt vọng nhất của cuộc sống, anh Lực bỗng nhớ ở mái nhà thân yêu của mình vẫn còn đó người vợ tần tảo của anh, đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn và người cha già yếu rất cần nơi nương tựa. "Tôi quyết tâm điều trị bệnh tật của mình. Bằng sự kiên trì, nỗ lực, sự chăm sóc, thương yêu của cha, vợ con, họ hàng… tôi dần dần khỏe trở lại "và con tim cũng đã vui trở lại".

Ngồi giữa rừng bưởi thơm man mác ở Xuân Vân chúng tôi đã được anh Lực kể cho nghe cái cách anh - từ hai bàn tay trắng, trở thành tỷ phú như thế nào. Để có được những gì của ngày hôm nay anh Lực đã trải qua một chặng đường gian nan, đẫm mồ hôi, nước mắt; có những thời khắc đau đớn đến tận cùng tưởng chừng như không sống nổi.

Một con sâu nhỏ đánh đu theo chiếc sợi mạng nhện mỏng tang từ trên tán lá bưởi đậu xuống quả bưởi đang nằm trên bàn. Anh nhẹ nhàng nhúm chú sâu con đặt lên lòng bàn tay, đưa lên ngang mặt, ngắm nhìn, rồi nói nhỏ như đủ để chú sâu nghe: "Bố tôi người Vĩnh Phúc, mẹ người Nam Định. Họ đều là công nhân, gặp nhau ở Nông trường Tuyên Bình, lấy nhau và sinh được 4 người con. Năm 1972 bố mẹ sinh ra tôi. Rồi lần lượt sau tôi có thêm 3 cô em gái nữa. Cuộc sống của một gia đình công nhân nông trường đông con là vô cùng khó khăn. Hơn 10 tuổi tôi đã phải đi mót sắn, hái măng rừng, thậm chí đào củ mài để giúp bố mẹ có cái ăn. Lên lớp 5, tôi theo bố lên rừng trồng ngô, trồng lúa nương, khi mà công việc của nông trường không đem lại thu nhập đủ sống cho gia đình, dù đã phải hết sức tằn tiện. Cứ thế, sáng theo bố lên nương, chiều về đi học".

"Khi mà các em tôi lần lượt ra đời thì cuộc mưu sinh càng đè nặng lên bố mẹ tôi" - anh Lực ngừng lại hồi lâu, búng con sâu xuống gốc cây bưởi. Anh nhẹ nhàng bóc từng múi bưởi đưa cho từng người chúng tôi và giục: "Ăn đi rồi còn quảng bá cho bưởi của tôi chứ!".

Chuyện về người nông dân xứ Tuyên từ đôi tay trắng, ở tận cùng khổ đau, vươn lên thành tỷ phú - Ảnh 5.

Anh Trịnh Văn Lực bên vườn bưởi đẹp như tranh của gia đình mình. Ảnh: Nguyễn Chương.

Dù đã cố gắng hết sức, nhưng cái mong muốn của bố mẹ anh "không học thì sau này chỉ có đi nhặt phân thôi con ạ" cũng đành phải gác lại. Đang học kỳ 1 năm lớp 8, Trịnh Văn Lực đau đớn gạt nước mắt, quyết định… bỏ học đi làm để kiếm tiền giúp bố mẹ, cho các em có cơ hội theo học.

"Này, cuộc đời đôi khi kỳ lạ thật!" - anh Lực nhìn thẳng vào tôi. Im lặng một lát, anh ngồi thẳng người lại, rồi chậm rãi: "Có những lúc kết thúc cái này, tưởng như là vô vọng, thì cái hy vọng khác lại tới. Tôi bỏ học, mặc dù tiếc lắm, đau lắm, nhưng thấy ở quê có mấy anh đi xe máy Mô kích (xe Simson S51 của CHDC Đức thời bấy giờ - TG) và xe Min Khờ (Minsk), tôi liền quyết định đi học sửa chữa xe máy" - anh Lực kể.

Lực ra phố thị Tuyên Quang học nghề, rồi xuống Hà Nội tu nghiệp "nâng cao tay nghề" thêm mấy tháng, về xã mở cửa hàng sửa chữa xe máy- xe đạp. Công việc tưởng "ngon ăn", ai dè dăm ba tháng mới có một anh đưa Mô kích tới… bơm vá lốp. Thế là tan! Quay trở lại cái nghề làm nương, kèm theo "một đống nợ" tiền ăn, học nghề sửa xe.

"Nhưng cuộc sống đâu có dừng lại được. Năm 1997 tôi lấy vợ. Vợ tôi là cô gái hàng xóm nhà nghèo như nhà tôi, học hành cũng chả được đến nơi đến chốn"- anh ngừng lại một lúc, bóc một múi bưởi, nhìn tôi: "Quả là môn đăng hộ đối đúng không?".

Giáp Tết Mậu Dần (1998) vợ chồng anh Lực sinh cháu đầu lòng. Một bé gái kháu khỉnh. "Nữ mà mang mệnh Thổ (Đất thành trì) là người vô cùng cứng cỏi, mạnh mẽ và luôn tràn đầy sự tự tin. Nữ tuổi Dần là những người trung thực và rất cẩn trọng trong việc giữ gìn chữ tín. Tuy nhiên, lại là người không may mắn trong cuộc sống"- giọng anh Lực nghẹn lại.

Bất chợt một cơn gió lốc nhẹ thổi qua, những chiếc lá khô bay xào xạc theo làn gió. Trời như dần tối lại, báo hiệu một cơn giông rất có thể kéo tới. "Có cháu nhỏ, nuôi lợn năm đó lại thất bại, tôi mở lại cửa hàng sửa chữa xe máy - xe đạp cho vợ trông. Tôi làm rẫy, có khách thì vợ gọi. Dần dà cuộc sống của tôi cũng khá lên. Sửa chữa xe cũng lên tay. Tôi bắt đầu "độ" cả xe máy. Cuộc sống tuy không dư dật gì nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc, cho con gái học hành đến nơi đến chốn"- anh Lực nhớ lại.

Tận cùng của khổ đau

Từ đôi tay trắng, ở tận cùng khổ đau, vươn lên thành tỷ phú - Ảnh 5.

Anh Trịnh Văn Lực (giữa) trò chuyện với nhà báo Lê Thọ Bình- Phó TBT Tạp chí điện tử Viettimes- tác giả bài viết (bên trái) và nhà báo Nguyễn Văn Hoài- Phó TBT Báo NTNN/điện tử Dân Việt trong vườn bưởi đang mang lại cho anh thu nhập cao. Ảnh: Nguyễn Chương

"500 cây bưởi ở khu đồi này, cộng với 120 cây nữa ở nhà ngoài kia, thì năm nay dự kiến thu hoạch được khoảng 45-50 tấn. Giá như hiện nay đang rơi vào khoảng 18.000 đồng/kg, riêng tiền thu hoạch bưởi như vậy là khá ổn. Đó là chưa kể mỗi tháng xuất chuồng 150-200 con lợn thịt nữa".

Anh Trịnh Văn Lực

Cuộc sống của gia đình anh Lực tưởng sẽ bình yên. Nhưng không! Sóng gió bây giờ mới thực sự nổi lên. Năm 13 tuổi thì cô con gái đầu lòng mắc căn bệnh ung thư xương.

"Ban đầu cháu thấy đau chân. Tôi đưa con ra Bệnh viện đa khoa thành phố khám. Rồi đưa đi Bạch Mai và cuối cùng là Viện K Hà Nội. Trời đất như đổ sụp xuống chân, tôi khuỵu xuống khi nghe bác sĩ thông báo cháu bị ung thư, xương chân có dấu hiệu hoại tử. Cháu mệnh thổ, vô cùng cứng cỏi, nhưng con càng cứng cỏi thì phận làm cha mẹ như chúng tôi càng đau đớn. Đất cát, vườn tược lâu nay tích cóp được bán hết, vay mượn anh em, bạn bè, bắt đầu một cuộc hành trình vô cùng gian nan giành giật cuộc sống cho con trước "lưỡi hái tử thần"- anh Lực nhớ lại.

Nhưng rồi "cuộc chiến" vô vọng ấy của gia tộc họ Trịnh đã thất bại. Cô con gái "mệnh Thổ, là người vô cùng cứng cỏi, mạnh mẽ và luôn tràn đầy sự tự tin…, là những người trung thực và rất cẩn trọng trong việc giữ gìn chữ tín trong cuộc sống" (như anh Lực bảo) đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay người cha.

"Chưa hết đâu, trong lúc tôi ôm cháu ở bệnh viện K, trong những tháng ngày cuối cùng giành giật sự sống của con gái với tử thần, thì nhà báo tin xuống mẹ tôi ho khan, ra máu. Tôi đưa con cho người nhà trông, về quê đưa mẹ xuống Hà Nội khám. Bạch Mai, rồi Viện K, cuối cùng là Bệnh viện Phổi Trung ương. "Ung thư phổi giai đoạn cuối"- tôi gần như ngất xỉu khi bác sĩ kết luận"- anh kể lại những ngày "tối đen như mực" của cuộc đời mình như thế.

Lần lượt mẹ ra đi, con ra đi. "Mất mẹ, mất con, gia tài khánh kiệt, nợ nần chồng chất. Đúng là nợ một "mả tiền- "được" hai "mả người" - anh Lực nói.

"Tìm một con đường, tìm một lối đi

Ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi

Lạc loài niềm tin, sống không ngày mai

Sống quen không ai cần ai…".

Giọng chị nông dân đang hái bưởi phía chân đồi vang lên thánh thót lời ca khúc "Và con tim đã vui trở lại" của nhạc sĩ Đức Huy.

Từ đôi tay trắng, ở tận cùng khổ đau, vươn lên thành tỷ phú - Ảnh 7.

Anh Trịnh Văn Lực trong vườn bưởi da xanh của gia đình. Ảnh: P.V

"Lạc loài niềm tin, sống không ngày mai…"- anh Lực lẩm bẩm. Anh ngồi trầm ngâm hồi lâu, mắt nhìn ra xa xăm, nói như chỉ đủ cho mình nghe: "Đúng là cuộc đời tôi có lúc "lạc loài niềm tin, sống không ngày mai" thật. Sau khi chôn cất mẹ, rồi con gái, tôi gần như suy sụp hẳn. Bệnh tật phát sinh. Đau lưng, đau ngực, đau khắp người. Mẹ, rồi con, chẳng nhẽ giờ đến lượt mình? Tôi thực sự hoang mang. Bước ra khỏi phòng khám, đứng trên tầng 2 Bệnh viện Bạch Mai, nhìn xuống sân như thấy bóng dáng cô con gái đang đứng đó chờ tôi. Còn khi bước ra khỏi phòng chụp phim ở Bệnh viện Phổi Trung ương, đi qua căn phòng, nơi mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng, tôi như lại thấy mẹ đang chờ ở đó. Đau đớn, hoang mang đến cùng cực. Có lúc tôi ước ao giá như tối tới nằm ngủ và không bao giờ tỉnh lại" - anh Lực nhớ lại những ngày đen tối nhất của cuộc đời mình.

"Và con tim đã vui trở lại"

Cơn giông dường như đang tan dần, trời càng về trưa càng ửng nắng dần lên. Bài hát của cô gái hái bưởi tới đoạn cao trào (điệp khúc) thì cả anh Lực và chúng tôi đều đồng thanh nhè nhẹ:

"Và con tim đã vui trở lại

Tình yêu đến cho tôi ngày mai

Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời".

Trong những lúc tuyệt vọng nhất của cuộc sống, anh Lực bỗng nhớ ở mái nhà thân yêu của mình vẫn còn đó người vợ tần tảo của anh, đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn và người cha già yếu rất cần nơi nương tựa. "Không thể đầu hàng sớm như vậy được. Tôi quyết tâm điều trị bệnh tật của mình. Bằng sự kiên trì, nỗ lực, sự chăm sóc, thương yêu của cha, vợ con, họ hàng… tôi dần dần khỏe trở lại "và con tim cũng đã vui trở lại".

Trở lại với cuộc sống thường nhật "cơm, áo, gạo, tiền", Trịnh Văn Lực tiếp tục sửa xe, rồi vay anh em, bạn bè đầu tư nuôi lợn.

Câu chuyện của chúng tôi và anh Lực bị ngắt quảng bởi một cuộc điện thoại gọi đến. "Khách đặt hàng"- anh Lực phân trần sau cuộc trò chuyện chừng 15 phút. Anh với tay hái một quả bưởi to, gọt vỏ, tách ra từng múi và giục chúng tôi thưởng thức.

Chuyện về người nông dân xứ Tuyên từ đôi tay trắng, ở tận cùng khổ đau, vươn lên thành tỷ phú - Ảnh 9.

Phút trải lòng của anh Trịnh Văn Lực với nhà báo Lê Thọ Bình và nhà báo Nguyễn Văn Hoài. Ảnh: Nguyễn Chương.

Và rồi câu chuyện của chúng chuyển sang… những quả bưởi tròn…

"Sau mấy đợt xạ trị, con gái tôi được xuất viện về nhà. Đêm trước khi rời Hà Nội về quê, tôi được mấy anh bạn của một ông anh rủ đi hát karaoke trên đường Hoàng Quốc Việt cho khuây khỏa. Tôi chỉ ngồi nghe mà không hát, còn lòng dạ đâu mà hát cơ chứ. Tôi bóc một múi bưởi hồng ăn. Chao ôi, ngọt quá! Tại sao lại có loại bưởi ngon thế này. Tôi ra quầy lễ tân hỏi thì được biết đó là bười da xanh Bến Tre"- anh Lực nhớ lại.

Không ngờ múi bưởi đào đó đã đưa cuộc đời anh nông dân Trịnh Văn Lực rẽ sang một bước ngoặt mới. "Tôi nhớ là khi còn chữa trị cho con gái ở Bệnh viện K, có lần tôi sang chợ An Đào ngay sau Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để mua thuốc đắp chân cho cháu thì ở đây người ta bán rất nhiều loại cây giống. Tôi tức tốc phóng xe máy về Hà Nội, ra chợ An Đào gom hết các cửa hàng bán cây được 70 cây bưởi giống, để lại cho ông anh 20 cây, tôi đem 50 cây giống lên quả đồi này để trồng. Năm sau đó chúng đã đơm hoa, kết trái. Ăn rất ngon"- anh Lực kể.

Tiếng lành đồn xa… Người dân quê thấy anh Lực trồng bưởi không những dư thừa để ăn mà còn bán được khá nhiều, họ tìm đến anh để hỏi mua cây giống. Lực trở thành nhà cung cấp bưởi giống cho cả xã, rồi cả vùng và các tỉnh lân cận. Anh tìm tòi rồi móc nối với các đầu mối để mua cây giống bưởi da xanh Bến Tre về cung cấp cho bà con nông dân.

"Một lần chờ xe ở chợ An Đào để về quê, tình cờ tôi nghe được hai ông lão ở bến xe kháo nhau về chuyện ghép bưởi, rồi chăm bón, cắt tỉa cành ra sao để cây bưởi ra nhiều quả, trái bưởi to mà lại ngon. Tôi xin số điện thoại. Về nhà tôi mua 4 cân chè Thái Nguyên loại ngon, giắt lưng 500.000 đồng, phóng xe máy về Hưng Yên "tầm sư học đạo". Thực ra ban đầu tôi mua sách về đọc rồi làm theo hướng dẫn, nhưng năm lần bảy lượt đều thất bại. "Không thày đố mày làm nên" - Tôi nhớ đến lời các cụ dạy, thế nên mới "cắp sách" đi học. Về tới Văn Giang (Hưng Yên), theo chỉ dẫn tôi tìm tới một ông cụ được người dân mô tả là "đại sư phụ" của nghề ghép cây. Đứng cạnh vườn cây, chờ ông cụ ngủ trưa. 2 giờ chiều cửa nhà mở. Sau khi tôi lễ lạt, trình bày lý do, ông cụ không nói gì, lặng lẽ thông nõ điếu, châm lửa, rít một hơi thuốc lào phả khói nghi ngút, nâng cốc trà nóng hổi nhấp một ngụm: "Ra vườn tao bảo cho!". Ông cầm cái kéo, con dao đi trước, tôi theo sau. Cả buổi chiều hôm ấy ông cụ đã hướng dẫn cho tôi rất tỉ mỉ cách tỉa cành, cắt lá, ghép nhánh này vào cây kia… rồi chăm bón, nhân giống như thế nào…" - anh Lực chỉnh sửa lại ve áo, đổi lại tư thế ngồi theo đề nghị của cậu phóng viên ảnh để cậu làm vài kiểu.

Tưởng thế là ngon ăn. Về quê anh Lực bắt đầu trổ tài. "Thấy ông cụ làm ngon thế, dễ ợt, sao mình làm mãi vẫn không được: cành ghép hoặc là "lăn ra" chết, hoặc là còi cọc không ra hoa. Sau một thời gian luyện nghề nhưng vẫn thất bại, tôi quyết định quay trở lại Văn Giang thuyết phục "đại sư phụ" về xứ Tuyên truyền nghề cho "đệ tử". Cụ ở nhà tôi nửa tháng, hàng ngày "cơm bưng, nước rót" và tiền công 500.000 đồng/ngày" - anh Lực kể. "Dần dà gia đình tôi có đồng ra đồng vào, vợ chồng tôi trả hết nợ nần. Năm 2014 tôi làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo".

Năm 2015 Nhà nước có chính sách khuyến khích nông dân làm trang trại, ngân hàng cho các hộ vay tiền để mở rộng sản xuất, kinh doanh. "Tôi bắt đầu tích cóp được ít tiền, vay thêm vốn từ ngân hàng, thuê thêm đất đồi, mở rộng thung lũng, từng bước biến khu đồi hoang trọc và đầm lầy thành khu trang trại mà chúng ta đang đứng hôm nay đây"- anh Lực nói, không giấu được niềm tự hào.

Trời đã về trưa, những tia nắng bắt đầu chui qua tán là bưởi rọi xuống chiếc bàn nhỏ. Anh Lực đứng lên, đưa chúng tôi xuống sườn đồi, quay trở lại ngôi nhà ở cổng vào trang trại.

Những quả bưởi tươi roi rói trong những chiếc bao tải thưa được chất thành nhiều đống ở sân trước. Từng chiếc xe tải bắt đầu ùn ùn kéo đến. "500 cây bưởi ở khu đồi này, cộng với 120 cây nữa ở nhà ngoài kia, thì năm nay dự kiến thu hoạch được khoảng 45-50 tấn. Giá như hiện nay đang rơi vào khoảng 18.000 đồng/kg, riêng tiền thu hoạch bưởi như vậy là khá ổn. Đó là chưa kể mỗi tháng xuất chuồng 150-200 con lợn thịt nữa". Tính ra, mỗi năm doanh thu của tôi đạt 15 tỷ đồng, lãi cỡ 2 tỷ đồng - anh Lực tiết lộ.

Chia tay anh Lực và những nông dân khu trang trại, trên đường trở về Hà Nội, câu chuyện về cuộc đời anh nông dân Trịnh Văn Lực vẫn tiếp tục râm ran. Cậu lái xe mở lại ca khúc của nhạc sĩ Đức Huy:

"Và con tim đã vui trở lại

Tình yêu đến cho tôi ngày mai

Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem