Chuyện về người phụ nữ 33 năm chăm “người dưng” tâm thần

Chủ nhật, ngày 08/09/2013 15:29 PM (GMT+7)
Suốt 33 năm qua, tại vùng quê nghèo đất cát Quảng Nam có một người phụ nữ đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, ở vậy nuôi “người dưng” bị bại liệt, tâm thần.
Bình luận 0
Nói là “người dưng” nhưng với cô, người ấy là tất cả, như đứa con máu mủ ruột rà của mình. Cô là Đoàn Thị Thanh Bình (59 tuổi), trú tại tổ 14, thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình.

Về tổ 14, thôn 3, xã Bình Triều, hỏi đến cái tên Đoàn Thị Thanh Bình thì ai cũng trầm trồ khen ngợi: “Cô ấy là người đàn bà tốt bụng, dám hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình, ở vậy nuôi “người dưng” bại liệt, đần độn suốt 33 năm qua đấy”.
Chị Bình luôn vuốt ve, âu yếm Thúy mỗi khi Thúy bị cơn đau hành hạ
Chị Bình luôn vuốt ve, âu yếm Thúy mỗi khi Thúy bị cơn đau hành hạ
Theo con đường tỉnh lộ ĐT 616 qua các xã vùng đông huyện Thăng Bình (Quảng Nam), chúng tôi tìm đến căn nhà khá kiên cố mà Nhà nước hỗ trợ xây cho cô Bình. Chúng tôi đến đúng lúc cô Bình đang đút cháo cho chị Đoàn Thị Thanh Thúy (33 tuổi) ăn tối trong sự quằn quại của căn bệnh tâm thần “nửa tỉnh, nửa mê” trên chiếc xe lăn. Thấy có tiếng người vào, cô Bình từ trong nhà chạy ra cửa đón khách với vẻ lúng túng. Mời khách vào nhà, cô Bình xin phép được tiếp tục công việc đút cơm còn dang dở.

Đứa con nhặt được tại trạm xá xã

Dẫn chúng tôi vào nhà là người người hàng xóm với cô Bình, chị cho biết: “Ở cái xã ni không có ai như cô Bình đâu, 33 năm còng lưng nuôi đứa con khờ dại ni”. Một góc gian nhà, trên chiếc xe trong căn nhà nhỏ lợp tôn thấp bé, một người người phụ nữ trạc ba mươi đang ngồi một mình, quằn quại từng cơn co giật…

Anh Doãn Duy Trung, chi hội phó Chi hội từ thiện Nguyện Ước Xanh (Hội từ thiện tỉnh Quảng Nam), chua xót nói: “Cô Bình là người đàn bà giàu đức hy sinh. 33 năm qua, cô không đi bước nữa, ở vậy để chăm đứa con nuôi không gốc gác, bị tâm thần, bại liệt, trong khi cô lại bị bệnh tật. Cô là tấm gương cho nhiều bà con địa phương học hỏi”.

Sau khi làm tròn “bổn phận” với đứa con gái, cô Bình tay chân lấm lem lọ nghẹ ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Cô bắt đầu kể câu chuyện buồn về cuộc đời đầy bất hạnh của chị Thúy cũng như những trớ trêu của cuộc đời mình. Cô kể lại trong niềm vui, niềm phấn khởi pha lẫn những giọt nước mắt ngậm ngùi xót xa.

Cách đây 36 năm, cô đã từng có một gia đình hạnh phúc, êm ấm như bao người con gái khác. Sống mãi hơn 2 năm nhưng cô vẫn không thể nào sinh cho gia đình chồng một đứa con, chứ chưa dám nói là con trai. Chồng cô khi ấy cũng rất hiểu tâm lý, thường động viên tinh thần cô.

Có lần cô nói: “Nếu như anh lấy em mà không thể sinh được con cho anh thì anh có thể đi lấy người vợ khác để cha mẹ có cháu ẵm bồng ở tuổi xế chiều. Còn em sao cũng được”. Nhiều lúc thấy vợ chồng người ta hay chúng bạn có con để bồng bế, nô đùa, cô lại tủi và buồn. Rồi cũng may mắn thay, giữa năm 1980, vào buổi sáng, cô đi làm sớm và tình cờ nhặt được một cháu bé (là chị Thúy bây giờ) ở Trạm y tế xã Bình Triều.

Cô đem về nuôi trong niềm hân hoan của chồng. Cứ tưởng rằng, đây sẽ là niềm vui, niềm hy vọng của vợ chồng cô về nỗi khao khát có một đứa con. Nào ngờ, khi Thúy lên 2 tuổi thì vợ chồng chị mới phát hiện ra Thúy bị bại liệt toàn thân, đầu óc ngớ ngẩn.

Nhiều người hàng xóm với cô Bình cho biết có rất nhiều người đàn ông đến chạm ngỏ xin cưới cô về làm vợ, sau khi chồng cô bỏ đi. Nhưng cô chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình, quyết không lập gia đình, ở vậy để chăm đứa con nuôi tâm thần, bại liệt đang nằm liệt giường. Cơm nước, giặt giũ, vệ sinh… là những công việc thường nhật của cô.
Chị xem Thúy như là con ruột của mình
Chị xem Thúy như là con ruột của mình
“Khi ấy, chồng tôi luôn khuyên tôi bỏ bé Thúy đi hay gửi vào cô nhi viện nuôi. Vì thương con nên tôi không đành lòng. Sau một thời gian, chồng tôi chán nản rồi bỏ 2 mẹ con tôi để đi thêm bước nữa. Từ đó đến giờ, hằng ngày, từng miếng ăn, giấc ngủ của Thuý đều được tôi chăm nom cẩn thận. Nói là con nuôi nhưng tôi thương yêu rất mực không khác gì con ruột” – cô Bình vừa nói vừa gạt đôi dòng lệ .

33 năm ở vậy nuôi “người dưng”

Theo cô Bình kể, từ ngày chồng cô bỏ đi, cô phải làm rất nhiều công việc vất vả, sống nay đây mai đó, không cửa không nhà. Từ công nhân Công ty Sành sứ Thăng Bình, đến Nhà máy Gạch Duy Hoà (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), rồi làm thuê cho một lò gốm tại Hoà Vang (Đà Nẵng)... Cô đi làm ở đâu cũng phải cõng Thuý theo. Gần 10 năm làm “cu li” (nghề nặng nhọc) cô cũng tích góp được một số tiền để về quê mở một quán tạp hóa nhỏ nuôi con…

Nhưng thu nhập ít ỏi từ quán tạp hóa ven đường vẫn không thể trang trải cuộc sống khó khăn trăm bề, chưa kể đến việc chạy chữa căn bệnh u bướu của bản thân. Riêng đứa con gái tật nguyền của cô, năm nay đã 33 tuổi nhưng chỉ nhỉnh hơn 1 mét, không biết nói, biết cười, thường xuyên phải uống thuốc an thần, nghĩ đến đã thấy đau lòng.

Cô Bình đã nhiều lần đưa Thúy chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu! Cô trăn trở: “Nếu mai đây tui không còn sống nữa thì biết lấy ai mà thổi cơm, tắm rửa cho hắn. Tui còn sống là tôi còn sức để làm, nuôi và chữa trị cho hắn. Tui chỉ sợ ngày tôi mất đi không còn ai lo cho hắn!”.

Trên khuôn mặt hốc hác, hai hàng nước mắt khó nhọc chảy ra khi cô nói chuyện với chúng tôi về đứa con gái ngớ ngẩn bại liệt kia: “Tui thương hắn (chị Thúy) lắm nên quyết ở vậy để chăm sóc cho hắn. Nhiều lúc cực khổ quá muốn chết quách đi cho rồi nhưng nghĩ bỏ lại con khờ dại, tui không chết được. 33 năm qua, hắn chỉ nằm một chỗ như thế này, ăn uống, lau rửa, đến cả việc đại tiểu tiện cũng phải nhờ vào bàn tay tui. Nhiều đêm tui thức, lưng uể oải nhưng mà cũng không thể nằm”.

Chị Thu, nhà hàng xóm chia sẻ: “Cả một đời cô Bình phải khổ vì đứa con này nhiều lắm rồi. Sau khi chồng đi bước nữa, nhiều người đến ngỏ ý nhưng cô không chịu đi bước nữa. Nghĩ mà tội nghiệp cô lắm…”.

Ông Trần Văn Xuân (65 tuổi, hàng xóm chị Bình) cảm thương: “Hắn (chị Bình) rứa chứ nghị lực và giàu đức hy sinh lắm. Bản thân hắn cũng bị mắc căn bệnh u bướu và không biết ra đi lúc nào, nhưng khi nào cũng lo cho con Thúy mà không màng đến bản thân mình”.

Hiện mẹ con cô Bình cũng được xã hỗ trợ để có cơ ngơi làm ăn, xây nhà ở và đưa vào danh sách diện hộ nghèo đặc biệt của xã. Riêng mỗi tháng cô Bình nhận được 360.000 đồng/tháng trợ cấp. Trong các dịp lễ tết, xã vẫn luôn ưu tiên gia đình cô.

Năm nay, cô Bình đã xấp xỉ 60, bị mắc bệnh u bướu, nhưng vượt lên tất cả sự nghiệt ngã của bản thân, bằng nghị lực và tình thương của người mẹ, cô Bình vẫn sống và lao động một cách thầm lặng để hoàn thành tâm niệm cuối cùng là chữa trị căn bệnh thần kinh bẩm sinh cho con gái. Bà con chòm xóm ai cũng xót thương cho hoàn cảnh “mẹ góa con côi” của cô.

Rời căn nhà cô Bình, trong lòng chúng tôi tràn ngập cảm xúc xen niềm ưu tư. Xe lăn bánh nhưng chúng tôi vẫn cứ mải bị day dứt về hình ảnh chị Đoàn Thị Thanh Thúy bại liệt suốt 33 năm, cô Đoàn Thị Thanh Bình phải từ bỏ hạnh phúc của mình để ở vậy nuôi “người dưng” ngớ nga ngớ ngẩn...
Hà Kiều (Dòng Đời) (Hà Kiều (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem