Biệt tài của dê đực là rất giỏi về "chuyện ấy" cùng dê cái để bảo tồn nòi giống. Trong đàn, nếu thấy có kẻ dê đi lẻ bên ngoài là chính hắn! Không phải hắn muốn “làm nổi” đâu, mà chừng như để chiêm ngưỡng nhan sắc “dê cái”, bởi hầu như vóc dáng các nàng dê đều rất hấp dẫn: mông rộng, đùi mập, vú to, còn lông mi thì rất mượt mà óng ả.
Cặp dê (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Mỗi sáng, chủ nuôi vừa mở cửa chuồng, dê đực liền tranh thủ chen ra trước, đứng ở cửa đón chờ một ý trung nhân vừa mắt nhất để mây mưa mở hàng. “Điểm tâm” xong có khi sư phụ còn “tráng miệng” thêm một vài em nữa! Do vậy, những chàng dê đực, kể cả dê xồm (già) sau khi đã ngõa nguê “rửa mắt”, đều rất sốt sắng trong việc làm tình, không hề biết mỏi mệt, nên về mặt này dê được người đời tặng cho biệt danh là “sư phụ”. Sư phụ rất khoái “cỏ non”. Do “Ăn cỏ non mát nướu” nên hễ gặp mấy em mới “chum chúm chủm cau” chàng ta liền mở cờ trong bụng!
Đặc biệt, dường như các sư phụ dê không có thói tranh ăn, giành dê cái; và ngộ dê cái cũng không hề biết ghen, nên chẳng bao giờ xảy ra chuyện dê đánh ghen đổ máu, ỏm tỏi như chó.
Dê "sư phụ" (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Những ai có cái tánh “già không bỏ, nhỏ không tha” cũng được người đời tặng cho biệt danh là “dê”, hàm ý khinh ngạo. Nói chung, "thói dê" là bản tính ham chinh phục người khác giới, nhứt là phái nam: “Thế gian ba sự khôn chừa, Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ”, cho nên con trai gặp con gái vừa đương tơ mà trổ mòi dê là sự thường tình.
Từ những đặc điểm “có một không hai” ấy người ta không thể không liên tưởng kiểu “ăn gì bổ nấy” nên ai cũng thích ăn thịt dê. Vì cung không đủ cầu thành thử mấy anh hàng thịt bèn chế ra thịt dê giả để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng bằng… chó! Do con chó khi đã hạ thịt rất giống con dê, chỉ khác là không có sừng nên buộc họ phải cụ thể bằng cái đầu dê thật trên kệ thịt để xí gạt người mua.
Khi chuyện “Treo đầu dê bán thịt chó” đổ bể, khách hàng, nhất là những người theo đạo mà giáo lý khuyên kiêng ăn thịt chó, họ không thể không giận ghét, bèn hè nhau tẩy chay, từ ấy các kệ bán thịt dê, cho dù là dê thật cũng không ai buồn ngó tới, thành ra nghề bán thịt dê phải “dẹp tiệm”. Vì lẽ đó cho đến nay hầu hết các chợ chỉ có kệ bán thịt heo, thịt bò…, chứ tuyệt nhiên không thấy có kệ bán thịt dê, thành thử người nội trợ muốn bổ sung món thịt dê cho bữa cơm gia đình chẳng biết mua ở đâu, trong khi các trại nuôi dê đang rất cần thị trường tiêu thụ.
Phải là con dê màu trắng mới được chọn làm vật tế. (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Nếu ngựa biết kéo xe thì về mặt này dê không thua kém, sướng hơn là khác. Điển cố dương xa nhắc tích vua Tấn Võ Đế có rất nhiều cung phi, bà nào cũng muốn được cùng vua thường xuyên ân sủng để hy vọng sẽ sinh được một chàng quý tử đặng nối ngôi, vô cùng vinh hiển; còn vua thì do bà nào cũng sắc nước hương trời, cũng quyến rủ, nên để “công bằng”, vua nghĩ ra một diệu kế: ban đêm ngồi trên xe cho đàn dê tự ý kéo đi khắp trong cung. Xe dê ngừng ở nơi nào thì đêm ấy nhà vua sẽ đắm đuối tại nơi đó. Biết vậy nên các bà lấy nhánh dâu cắm từ ngoài cửa dẫn dài vô cung và dùng nước muối rắc, để cho dê mê ăn lá dâu và ghiền vị măn mẳn của nước muối mà te te kéo xe vua thẳng vào cung mình.
Do không bị che mắt như ngựa nên dê “thấy hết” chuyện ngự lạc, do đó không thể không bắt chước, đồng thời cũng biết tự bổ sung cho mình những thức món thuộc họ đậu để nhằm “phục hồi sinh lực đàn ông”, trong đó lá so đũa là “số một La Mã”. Nhờ thế nên về chuyện ấy, dê thuộc bậc thầy. Chính vì vậy người ta rất quý thịt dê, nhứt là bộ phận sinh dục của nó. Còn gì khoái khẩu cho bằng thưởng thức món “vú dê nướng chao”! Và cũng không có gì thú cho bằng khi ăn lẫu dê mà được nhai mấy khúc “ngầu pín” giòn giòn béo béo!
Nhậu mồi dê thì phải uống “rượu huyết dê” (pha tiết dê với rượu cao độ) mới phê. Mấy ông anh cao thủ có lời khuyên nhắn những ai chưa vợ, hoặc hôm ấy vợ đi khỏi thì không nên uống “rượu ngọc dương” (rượu ngâm bộ sinh dục dê đực, chủ yếu là dái dê và dâm dương hoắc).
Rượu ngọc dương
Điều đáng ghi nhận là con vật này, ngay từ đời thượng cổ đã được người xưa chọn làm một trong ba con vật hy sinh dùng trong việc cúng tế, gọi tam sinh (heo, bò, dê)?
Được chọn làm “con vật cúng tế”, ắt phải có tiêu chuẩn như thế nào chứ phải đâu dê nào cũng dê! Thật vậy, tự ngàn xưa tổ tiên ta vốn không ưa bọn giặc xâm lược. Do đó để nêu cao ý chí quật cường, và trong tinh thần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngay trong việc tế lễ, tổ tiên ta dặn dạy phải chọn những con thuần sắc, chẳng hạn như dê thì phải là "dê cỏ", tuy nhỏ con nhưng đó là dê Việt chứ không phải dê ngoại quốc, bởi đó chính là hình ảnh gợi nhớ bọn giặc xâm lược tham tàn, chúng đã nhẫn tâm đè đầu cưỡi cổ nhân dân hàng trăm, hàng ngàn năm.
Tổ tiên ta đã tỏ ra rất thâm sâu trong việc giáo dục lớp lớp cháu con phải hết sức cảnh giác bọn mặt người dạ thú ấy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.