“Ông hoàng” lưu vong
Trong số những người con của Gadhafi, Saadi là người tỏ ra bàng quan nhất khi gia đình rơi vào cơn hấp hối do chính chế độ Gadhafi tạo ra. Thay vì sát cánh bên cha chống lại phe nổi dậy như những người anh em của mình, Saadi chọn cho mình một lối sống hưởng thụ, ích kỷ và có phần hèn nhát, đi ngược lại với quyết tâm của dòng tộc.
|
Saadi Gadhafi - con trai thứ 3 của cựu lãnh đạo Libya Gadhafi. |
Khi số phận của cha và những người anh em chưa rõ ràng, ngày 13.9 vừa qua, Saadi đã tìm đường sang đất nước láng giềng Niger xin tị nạn. Tại đây, thay vì bị quản thúc như tin đồn, tờ Telegraph của Anh tìm hiểu được từ thủ đô Niamey của Niger, Saadi đang sống như một tay chơi chính hiệu trong một ngôi nhà sang trọng chứ không phải là một tù nhân.
Sau khi được đưa đến thủ đô Niamey bằng một chiếc máy bay vận tải quân sự Hercules C-130, Saadi đã được dẫn đến Villa Verde, một nhà khách sang trọng của Chính phủ Niger nằm gần dinh tổng thống. Toà nhà này giờ đây đã trở thành nơi ẩn náu an toàn cho người con trai Saadi của ông Gadhafi.
Ngay khi đến Niamey, Saadi đã được “hội ngộ” với một loạt tướng lĩnh hàng đầu của chính quyền Gadhafi. Trong số đó có Tướng Ali Sharif al-Rifi - cựu Tư lệnh Không quân Libya và ông Mansour Dao - chỉ huy tối cao về an ninh của ông Gadhafi. Những tướng lĩnh này cũng đang được ở tạm tại khu nhà Villa du Conseil de líEntente gần đó. Đây cũng là một khu nhà rộng, thoáng, đẹp và tiện nghi với tường cao bao vây xung quanh.
Theo phóng viên Telegraph, họ đã nhìn thấy những binh lính được trang bị đầy đủ, mặc quân phục chiến đấu đang canh gác xung quanh nơi ở của Saadi và các tướng lĩnh của Gadhafi. Thay vì bị “quản thúc”, Saadi được đi lại tự do và có người bảo vệ, ngoài ra, cậu ấm nhà Gadhafi này cũng không tiếc tiền khi mua sắm những thứ xa xỉ phục vụ nhu cầu cá nhân. Thành tích ăn chơi này của Saadi từng được “ghi nhận” trước đó, khi chỉ trong 12 tháng, Saadi đã “ném” 170 triệu bảng Anh vào các máy bay riêng, trang sức, xe hơi, quần áo và phụ nữ…
Để có được lối sống xa hoa này, ngoài tài sản kiếm được nhờ vào nghiệp cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, Saadi cũng đã phải dựa nhiều vào “thành quả” của gia tộc Gadhafi sau 42 năm “cắt xén” ngân sách nhà nước.
Theo trang mạng InvestmentWatch, tài sản của gia đình Gadhafi lên tới 128 tỷ USD và chính người cha của Saadi mới là “người giàu nhất thế giới”. Trong khi đó, mạng Weekly Blitz cũng dẫn lời nhiều nhà phân tích nói tài sản của Gadhafi “cha” vào khoảng 75-80 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 60 tỷ USD của gia đình Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.
Mạng WikiLeaks tiết lộ rằng các tài khoản bí mật của Libya ở một số ngân hàng Mỹ có tổng giá trị lên tới 32 tỷ USD và ở các ngân hàng châu Âu vào khoảng 7 tỷ USD. Theo các bức điện tín mật của sứ quán Mỹ ở Tripoli mà WikiLeaks “moi” được, Cơ quan Đầu tư Libya (LIA - một công cụ đầu tư của gia đình Gadhafi và các cộng sự thân cận) hiện đang nắm giữ tới 32 tỷ USD và gửi tại nhiều ngân hàng Mỹ, “mỗi ngân hàng quản lý 330-500 triệu USD”.
Trong một cuộc gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại Libya, Gene Cretz, Chủ tịch LIA Mohamed Layas nói hầu hết trong số tiền tỷ nói trên “được gửi ngân hàng và sẽ mang lại lãi suất dài hạn”. Trong số những khoản tiền trên, Gadhafi cha không quên chia cho các Gadhafi con, song hình thức sử dụng của các người con này thì… không ai giống ai.
“Thiên đường lưu vong”
Niger là một quốc gia đang phát triển ở Tây Phi. Nhiều khu vực không thuộc khu vực sa mạc của nước này vẫn đang bị đe dọa bởi hạn hán kéo dài và nạn sa mạc hóa. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp tự cung tự cấp, chỉ ở miền Nam màu mỡ mới sản xuất được một ít nông sản xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu đặc biệt khác của Niger là quặng thô uranium.
Tuy vậy, Niger vẫn còn là một quốc gia kém phát triển bởi vị trí sâu trong lục địa, địa hình sa mạc, giáo dục chưa hoàn chỉnh và tài nguyên của đất nước, cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa hoàn chỉnh, và sự xuống cấp của môi trường…
So với những nước có quan hệ mật thiết với Gadhafi lúc còn đương quyền, lợi thế của Niger không có gì đặc biệt. Nhưng vì sao, thân tín của ông Gadhafi vẫn chọn Niger là điểm đến lưu vong?
Thật không ngoa khi gọi Niger là “thiên đường lưu vong”, bởi trước khi đặt chân sang Niger, thân tộc của ông Gadhafi đã tính hết độ an toàn cho họ đến từng centimét.
Mounkaila Saidou, một người đàn ông tương đối giàu có có cửa hàng kinh doanh tại một khu chợ ở thủ đô Niamey của Niger cho biết, ông là một trong những người đón chào những người của ông Gadhafi bởi vì ông biết ơn những khoản đầu tư của chính quyền Gadhafi.
Người đàn ông này giãi bày: "Chúng tôi có tất cả những thứ này là nhờ vào ông Gadhafi. Ông ấy đã giúp chúng tôi xây giếng, hệ thống tưới tiêu. Nếu không có ông ấy, chúng tôi đã chẳng làm được gì. Trong suốt 3 năm qua, ông ấy đã chỉ trả tất cả các chi phí cho chúng tôi. Ông ấy đã làm cho chúng tôi nhiều hơn chính chính phủ của chúng tôi hay người nước ngoài. Vì thế, tại sao các quan chức của ông ấy lại không được đến đây khi đất nước của họ gặp nguy hiểm”.
Ngày 16.9, Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya cử một phái đoàn tới Niger trong một nỗ lực nhằm lấy lại vàng và tiền mặt - số tài sản được cho là đã bị đội quân trung thành của Gadhafi mang theo khi chạy sang Niger tị nạn. Được biết trước đó, 10 chiếc xe thùng chở tiền, vàng của Libya đã vào biên giới Niger.
Có thể nói, hầu hết cơ sở hạ tầng ở thủ đô Niamey được xây dựng lên nhờ vào sự hào phóng của ông Gadhafi. Ngay cả toà nhà nơi Quốc hội Niger thường xuyên tiến hành hội họp cũng là một “món quà” của chính quyền Gadhafi. Gadhafi có một danh sách quà tặng dài và nổi tiếng ở thủ đô Niamey, ngoài tòa nhà Quốc hội còn có nhà thờ Hồi giáo lớn và một con đường nhựa dọc bờ biển... Đó là lý do dễ hiểu, vì sao Niger vẫn trải thảm chào đón nồng nhiệt gia tộc Gadhafi lưu vong, bất chấp sức ép từ bên ngoài, bởi dấu ấn của Gadhafi quá lớn trong lòng Niger.
Chính phủ Niger đã tuyên bố sẽ không từ chối nếu ông Gadhafi sang tị nạn, hoặc ngăn chặn ông này đi vào lãnh thổ nước mình. Ngoại trưởng Niger Mohamed Bazoum cho rằng, Niger không chủ động mời ông Gadhafi, nhưng nếu Gadhafi tự đến, Niger vẫn mở rộng cửa. Tuy nhiên, ông này cũng phát đi lời cảnh báo với những quan chức trung thành với ông Gadhafi đã xâm nhập vào nước mình rằng: “Khi chiến tranh kết thúc, nhiều người sẽ phải ra đi, chắc chắn là như vậy”.
Tuy nhiên, trên thực tế thì chính quyền Niamey cũng chỉ kiểm soát được một phần nhỏ ở khu vực sa mạc phía bắc giáp với Libya, nơi các nhóm phiến quân và các tay súng có liên hệ với al - Qaeda ẩn náu. Nhiều nguồn tin cho rằng, chính quyền của ông Gadhafi có quan hệ mật thiết với bộ tộc Tuareg tại Niger, và một số thành viên của bộ tộc này đã tới Libya để chiến đấu cho Gadhafi.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.