CLB Viettel phải làm gì để xứng đáng với phiên hiệu Thể Công huyền thoại
CLB Viettel phải làm gì để xứng đáng với phiên hiệu Thể Công huyền thoại
Trần Oánh
Thứ năm, ngày 23/11/2023 19:10 PM (GMT+7)
Không có đội bóng nào là bất bại cả, chính tinh thần thi đấu máu lửa, thắng không kiêu bại không nản của những người lính đá bóng khi xưa đã tạo nên huyền thoại Thể Công.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đặc biệt là các fan của đội bóng Viettel rất vui mừng trước quyết định trao lại cái tên Thể Công cho đội bóng Viettel của Bộ Quốc phòng. Họ gọi sự kiện này là sự trở lại của 1 tượng đài, hay "huyền thoại trở lại". Mặc dù Đoàn Thể Công còn có cả đội bóng chuyền, bóng rổ, rồi sau này cả bóng bàn, nhưng Đội bóng đá Thể Công mới thực sự là những người xây dựng nên huyền thoại trong thể thao Việt Nam, xây dựng nên tượng đài Thể Công trong nền bóng đá Việt Nam.
Không phải bỗng dưng thời điểm này Bộ Quốc Phòng quyết định trao lại cái tên huyền thoại này cho đội bóng. Rõ ràng động thái này thể hiện sự tin tưởng, đánh giá cao nỗ lực, chất lượng chuyên môn, đặc biệt là tinh thần thi đấu của đội bóng Viettel.
Nhìn lại lịch sử, Sự yếu kém trong cách quản lý, kết quả thi đấu tồi tệ đã khiến hình ảnh đội bóng đá giàu truyền thống nhất Việt Nam bị phai mờ một cách tệ hại. Không ít lần các cổ động viên Thể Công đã có những phản ứng dự dội trên khán đài về thái độ thi đấu của các cầu thủ đội bóng lính, họ đã quay lưng lại với đội bóng. Đó chính là lý do phiên hiệu này bị thu hồi vào năm 2009.
Có 1 câu chuyện đáng tiếc, phần nào đóng góp vào việc xóa sổ cái tên Thể Công trên bản đồ bóng đá Việt Nam năm ấy. Khi đó, Thể Công quyết định tập trung đầu tư cho một lứa cầu thủ trẻ tài năng, đó là lứa 1987. Toàn bộ lứa này được tập huấn 1 năm ở Bulgarie và Đức. Dĩ nhiên, điều kiện tài chính của đội bóng giúp các cầu thủ trẻ Thể Công có được chế độ tập luyện, ăn ở rất tốt. Các cầu thủ cũng không còn hưởng lương theo cấp bậc mà được ký hợp đồng chuyên nghiệp với mức đãi ngộ tương xứng. Thời gian được tập huấn cùng các thầy nước ngoài ở châu Âu đã cho lứa này của Thể Công rất nhiều kinh nghiệm, giúp họ phát triển nhiều hơn. Từ lối chơi, phong cách đều học hỏi được rất nhiều.
Sau 1 năm tập luyện tại Bulgaria và Đức, lứa cầu thủ 1987 trở về nước và được đôn lên đội 1 Thể Công với mục tiêu trước mắt là đưa đội bóng trở lại V.League. Và ở mùa giải 2007, tất cả đã không phải thất vọng. Thể Công vô địch giải hạng Nhất, Trịnh Quang Vinh giành danh hiệu "Vua phá lưới", Quốc Long, Ngọc Duy cũng đều chơi ấn tượng. Thậm chí HLV Nguyễn Thanh Hải, người đưa lứa 1987 sang châu Âu, còn khẳng định tiềm năng của các học trò vẫn chưa được phát huy tối đa.
Tuy nhiên HLV Galhidi, xuất thân là một hậu vệ cánh, HLV trưởng của Thể Công khi đó lại chủ động xây dựng lối đá phòng ngự phản công, chứ không phải tấn công như cách các cầu thủ trẻ được đào tạo và đấu tập ở châu Âu. Việc phải đá trái sở trường khiến các cầu thủ không phát huy được khả năng. Việc này phần nào đã tác động đến kết quả thi đấu của đội bóng.
Đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều những câu chuyện nói lên rằng, ở thời điểm đó, Thể Công không thiếu tiền, không thiếu những cầu thủ tài năng, chính năng lực lãnh đạo, sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong cách lãnh đạo, vận hành đội bóng đã góp phần xóa sổ Thể Công. Chắc chắn đây sẽ là bài học cho các thế hệ lãnh đạo đội bóng mang tên Thể Công sau này.
Vậy Thể Công – Viettel phải làm gì để xứng đáng với cái tên huyền thoại?
Kể cả khi không còn được mang tên Thể Công, các fan hâm mộ của CLB Viettel vẫn hô vang tên Thể Công trên khán đài để cổ động cho đội bóng của họ. Trong tâm thức của người hâm mộ, cái tên huyền thoại đó vẫn luôn tồn tại, dù nó không còn là phiên hiệu của đội bóng áo lính. Điều đó nói lên sức sống mãnh liệt của danh hiệu Thể Công. Thực ra cái làm nên "thương hiệu" Thể Công, cái làm cho mọi người thương yêu Thể Công khi xưa không chỉ là các thành tích của đội bóng này, bởi vì không có đội bóng nào là bất bại cả. Nhưng cái làm cho mọi người trân trọng ở huyền thoại Thể Công đó chính là tinh thần thi đấu. Họ đã từng thi đấu như những người lính với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Để xứng đáng với cái tên huyền thoại này, cái mà lãnh đạo cũng như các cầu thủ Thể Công – Viettel phải thực hiện bằng được, đó là họ phải có tinh thần thi đấu máu lửa, là thái độ thi đấu "thắng không kiêu, bại không nản", là "chiến đấu" như những người lính thực thụ trong mọi trận đấu của mình, dù thắng hay thua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.