Việt Nam - hình hài một chữ S
Clip xuất hiện trên mạng ngày 9.1. Điều đáng ngạc nhiên là đoạn clip rất hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức này lại không phải do sinh viên của ngành lịch sử thực hiện mà do sinh viên khoa Đồ hoạ của ĐH Công nghệ Sài Gòn làm. Để có được 10 phút này, sinh viên Dương Tố Đào đã mất 3 tháng dày công tìm hiểu khá nhiều tư liệu.
|
Lịch sử Việt Nam được tái hiện sinh động bằng hình thức đồ họa trực quan (chụp từ clip). |
Clip được mở đầu với câu hỏi: "Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Việt Nam lại có hình chữ S như bây giờ? Chúng ta đã trải qua những gì để giữ được chữ S đó?". Bằng giọng đọc truyền cảm và những hình ảnh đồ hoạ ngộ nghĩnh, clip đi ngược dòng lịch sử để tìm câu trả lời. Những mốc niên biểu lần lượt được nhắc lại: Buổi sơ khai, diện tích đất nước nhỏ hẹp chỉ là một phần của miền Bắc, rồi qua các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần - hậu Lê, thời kỳ Trịnh Nguyễn… rồi đến thời Pháp thuộc-chống Nhật-chống Mỹ… sự sáp nhập lãnh thổ để hoàn thiện lãnh thổ một chữ S.
>> Xem clip đang gây sốt "Việt Nam, hình hài một chữ S"
Em Nguyễn Thị Hà - học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: "Thú thực được học lịch sử Việt Nam từ lớp 4 đến giờ nhưng em chưa bao giờ có được một khái niệm hoàn chỉnh về lịch sử. Mỗi năm học một ít, học năm sau quên kiến thức năm trước. Sau khi xem clip này em mới hiểu được một cách hệ thống".
Nhiều học sinh cho rằng, nếu mỗi bài giảng lịch sử đều dễ hiểu, nhẹ nhàng, sinh động như vậy thì hẳn môn lịch sử sẽ không còn là môn "khó tính" trong thời khoá biểu.
Gợi mở hướng đi mới
GS Phan Huy Lê - Viện trưởng Viện Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, hiện nay rất nhiều học sinh coi nhẹ môn lịch sử. Vì vậy, chỉ nói ý tưởng của việc lấy lịch sử làm nền cho một đồ án của ngành thiết kế đồ hoạ cũng đủ để đánh giá về ý thức trân trọng lịch sử của những người làm nên clip này. Cũng theo GS Lê, hiện sách giáo khoa môn sử còn yếu kém về nội dung và phương pháp dạy cũng chậm thay đổi. Nhiều giáo viên dạy sử chưa chú ý tìm kiếm những cách làm mới cho giờ dạy hấp dẫn hơn. "Clip này đã gợi mở một cách làm hay cho việc dạy sử trong trường học"- ông nói.
"Nhìn clip chúng tôi rất thích nhưng do điều kiện cơ sở vật chất nhiều trường, đặc biệt là vùng nông thôn chưa thể đáp ứng được cách làm đó. Chính vì vậy, những clip sống động về lịch sử như trên vẫn chỉ là mơ ước đối với học sinh và giáo viên vùng nông thôn".
Cô Nguyễn Thanh Vân - giáo viên sử ở Việt Yên, Bắc Giang
Thầy Phạm Thanh Toán - Giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì khá ngạc nhiên và thích thú với những hình ảnh đồ hoạ ngộ nghĩnh và kiến thức lịch sử được trình bày sống động trong clip này. Thầy Toán cho rằng: "Vì chỉ gói trọn trong 10 phút nên clip mới ghi lại được những mốc lớn nhất của 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nếu mỗi phân đoạn lịch sử được chia nhỏ, kèm theo các clip và hình ảnh tư liệu thì việc đưa vào giảng dạy sẽ khiến nhiều học sinh thích thú".
Thực tế, Bộ GDĐT đã tổ chức nhiều hội thảo, bàn cãi xung quanh vấn đề dạy sử trong trường học để thay đổi cách dạy và học lịch sử nhưng không hiệu quả. Nhìn nhận từ clip này, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng cần thay đổi cả một hệ thống về giảng dạy môn sử, trong đó có tài liệu giảng dạy. "Hiện nay, các trường vẫn khuyến khích giáo viên sáng tạo, đổi mới cách dạy, tuy nhiên sự đồng bộ là chưa có..." - ông Lan nói.
Tùng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.