Clip "chị Hằng từ trên cao bay xuống": Hệ lụy từ cách biểu đạt đối với trẻ thơ là rất lớn!

Khánh Yến Thứ sáu, ngày 09/09/2022 17:44 PM (GMT+7)
"Bất cứ một sự sáng tạo nào đối với các giá trị truyền thống đã ổn định đều cần phải được cân nhắc thật kỹ càng", nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Mới đây, một clip ghi lại sự xuất hiện của chị Hằng tại một trường mầm non ở TP.HCM gây tranh cãi khi khiến người xem hoảng hốt và sợ hãi. Theo đó, thay vì chị Hằng xuất hiện trong cánh gà sân khấu đi ra hay từ dưới hội trường đi lên thì chị Hằng này lại trong tư thế bay. Điều đáng nói ở đây là chị Hằng không phải người thật mà lại là hình nộm với mái tóc đen, váy trắng và gương mặt đáng sợ bay từ trên cao xuống. 

Một phụ huynh tại trường là chủ nhân của clip "chị Hằng từ trên cao bay xuống" cho biết, thực tế hình nộm này là mở màn cho sự xuất hiện của chị Hằng Nga thật ở trên sân khấu. Tuy vậy, clip vẫn gặp phải những ý kiến trái chiều từ công chúng.

Clip "chị Hằng từ trên cao bay xuống": Hệ lụy từ cách biểu đạt đối với trẻ thơ là rất lớn! - Ảnh 1.

"Chị Hằng bản demo" trong clip ngắn khiến cư dân mạng "tá hỏa". (Ảnh: Cắt từ clip)

Chia sẻ với PV Dân Việt về sự việc, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang cho rằng: "Có rất nhiều cách thức để tái hiện lại câu chuyện chị Hằng sống động và gần gũi như cách truyền thống chúng ta hay làm (tái hiện lại sự tích chị Hằng, chú Cuội), hoặc hiện đại hơn là video 3D kỹ thuật số. Cách làm đó sẽ nhân văn và phù hợp với trẻ em hơn là hình thức "chị Hằng" trong clip kia. 

Nhìn qua clip "chị Hằng bay xuống" tưởng là cách làm giống phim ảnh kiếm hiệp, nhưng về mặt giáo dục thì để lại nhiều hệ luỵ không tốt cho trẻ em. Hệ luỵ dễ thấy đầu tiên là trẻ em có thể sẽ học cách làm đó tại nhà, cũng treo người lên, cũng đóng vai chị Hằng giống hình ảnh trong clip. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro tính mạng hay nhận thức của các em. Hệ luỵ tiếp theo là sự phản cảm về văn hoá, khiến một ngày lễ giàu dấu ấn huyền thoại, cổ tích của các em trở nên hiện thực hoá một cách cơ học, phản cảm!".

Clip "chị Hằng từ trên cao bay xuống": Hệ lụy từ cách biểu đạt đối với trẻ thơ là rất lớn! - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo ông Ngô Hương Giang, hệ luỵ từ "cách biểu đạt" này lên các em thiếu nhi là rất lớn: "Chúng ta cần nhớ rằng, Tết Trung thu là Tết của ước mơ trẻ nhỏ, là sự huyền thoại hoá về giáo dục nhân văn. Cũng bởi vậy, cần giữ nguyên các giá trị truyền thống trong Tết Trung thu như rước đèn kéo quân, phá mâm ngũ quả chờ thời khắc trăng tròn hay chơi các trò chơi dân gian. 

Đồng ý là xã hội hiện đại thì cách biểu đạt Tết cổ truyền cũng cần sáng tạo. Song sáng tạo vẫn phải giữ nguyên hồn cốt của giá trị nhân văn truyền thống mới có thể giúp giá trị văn hoá ấy sống bền vững với thời gian. "Sự vui vẻ" phải đặt đúng nơi, đúng hoàn cảnh. Với trẻ em thì niềm vui đêm Trung thu cần những điều kỳ diệu, huyền ảo và trong sáng chứ không phải là "sự hiện thực hoá thô kệch" và có phần "ma mị" trong quan niệm của người lớn. Huyền ảo và ma mị là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn!".

Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang bày tỏ sự quan ngại khi những ý tưởng mang tính "độc hại" như clip đang lan truyền trên mạng xã hội được lan truyền: "Giáo dục cổ tích, giáo dục huyền thoại thông qua các ngày lễ của trẻ em không chỉ đơn thuần là hội hè mà còn là sự vun đắp các giá trị tinh thần, kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Để từ đó ký ức về những gì đẹp nhất, nhân văn nhất của thế giới trẻ thơ sẽ được các em mang theo trong trí tưởng tượng. Vì vậy bất cứ một sự sáng tạo nào đối với các giá trị truyền thống đã ổn định đều cần phải được cân nhắc thật kỹ càng!".

Clip "chị Hằng từ trên cao bay xuống": Hệ lụy từ cách biểu đạt đối với trẻ thơ là rất lớn! - Ảnh 3.

PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển. (Ảnh: NT)

Trong khi đó, PGS. TS Lê Quý Đức – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho biết, ông cổ vũ sự sáng tạo trong việc biểu đạt các nhân vật mang tính truyền thống, tuy nhiên, cần đặt trong từng sự việc và hành động cụ thể: "Thế giới của trẻ thơ mang đầy những mơ ước, khát vọng, ở đó trí tưởng tượng của các em được phép bay bổng, với nhiều hình tượng nhân vật không có thực. Việc các nhà trường hoặc đơn vị tổ chức có sự đầu tư về ý tưởng nhằm gây ấn tượng, niềm vui cho các em là điều tích cực. 

Tuy nhiên, trong bất kỳ môi trường nào, cũng cần lựa chọn hình thức biểu đạt phù hợp, nhằm tạo ra hiệu quả cho ý tưởng đó, để chúng không trở nên phản cảm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem