Vì sao Trung thu xưa, người lớn không được phép tham dự các cuộc vui của trẻ con?

Trần Đức Anh Thứ ba, ngày 21/09/2021 10:17 AM (GMT+7)
Trên các trang báo xưa, người ta thấy xuất hiện thông báo của chính quyền thuộc địa về việc người lớn không được dự vào các cuộc vui chơi của trẻ em ở ngoài phố trong dịp Tết Trung thu.
Bình luận 0

Trong thông báo "Người lớn không được dự vào các cuộc vui chơi của trẻ con ở ngoài phố trong dịp Tết Trung thu?" đăng trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1933, in rõ chỉ thị của chính quyền thuộc địa: "Hà Nội - Quan Chánh Đốc lý thành phố Hà Nội nhắc lại để công chúng biết rằng: người lớn không được phép dự vào các cuôc vui chơi của trẻ con ở ngoài đường trong dịp tết Trung thu".

Vì sao Trung thu xưa, người lớn không được phép tham dự các cuộc vui của trẻ con? - Ảnh 1.

Môt hàng bán đèn lồng và đồ chơi Trung thu của Hà Nội xưa. Ảnh: TL.

Tại sao lại có quy định lạ lùng này?

Lục tìm trên các trang báo xưa, lại bắt gặp một thông báo nữa về việc người lớn không được ra đường vào dịp Tết Trung thu, nhưng thông báo này đã dần hé lộ về lý do của chỉ đạo "oái oăm" này:

"Tết Trung thu năm nay, những người lớn vẫn không được rước sư tử ngoài đường. Tết Trung thu năm nay, theo lệnh của sở Đốc lý, những người lớn cũng như năm ngoái, không được rước sư tử ngoài đường. Ai không tuân lệnh sẽ phải phạt nặng". Trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1934 đã có thông báo như vậy. Vậy có thể lý giải được nguyên nhân lệnh cấm người lớn tham dự vào cuộc vui của trẻ em đêm Trung thu, có thể bắt nguồn từ những hệ lụy của phong trào rước sư tử.

Điều này càng được khẳng định qua lời kể của các nhân chứng sống thời bấy giờ, là các nhà văn nổi tiếng. Trong hồi ký của họ, tết Trung thu xưa được ghi chép lại một cách chi tiết, sinh động, mang đầy hơi thở của thời đại.

Nguyễn Công Hoan là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, với những tác phẩm kinh điển như: Người ngựa, ngựa người (1931), Kép Tư bền (1935), Bước đường cùng (1938), Tinh thần thể dục (1939),…

Vì sao Trung thu xưa, người lớn không được phép tham dự các cuộc vui của trẻ con? - Ảnh 2.

Thông báo của chính quyền thuộc địa về việc người lớn không được phép tham dự vào cuộc vui chơi của trẻ em dịp Tết Trung thu. Ảnh: TL.

Do sống ở phố Hàng Bông nên nhà văn Nguyễn Công Hoan rất thông thuộc những hoạt động diễn ra ở xung quanh nơi ông sống, ở đây là khắp khu vực phố cổ Hà Thành xưa. Trung thu những năm 20-30 của thế kỷ trước được tái hiện sinh động qua những ghi chép của ông. 

Ngoài những ghi chép về không khí quang cảnh, đồ chơi Trung thu, Nguyễn Công Hoan còn nhấn mạnh đến một hoạt động văn hóa trong dịp Trung thu đó là múa sư tử và mùa rồng.

"Múa sư tử và múa rồng thì là trò chơi của người lớn. Các đầu sư tử lớn, rồng rất nhiều khúc, múa nhiều điệu rất khéo. Nhưng một dạo, từng tụi du côn nhân rước sư tử, rước rồng để tranh nhau giải, mà đánh nhau rất hăng. 

Rồi tụi du côn ở ngõ Sầm Công (phố Đào Duy Từ ngày nay) thù nhau với tụi du côn ở ngõ Tạm Thương chẳng hạn, họ chờ đến Tết Trung thu, đi múa sư tử, thì đánh nhau. Trong xe bò chở trống và thanh la, họ để sẵn xà beng, các khí giới. Nhiều cuộc đánh nhau thành án mạng. Vì thế, Tây cấm người lớn múa sư tử. Tết Trung thu chỉ cho trẻ con chơi, Tết ấy trở thành Tết trẻ con", trích "Nguyễn Công Hoan - Nhớ và ghi về Hà Nội".

Cũng sống ở Hà Nội nhưng trẻ hơn Nguyễn Công Hoan mười mấy tuổi, nhà văn Tô Hoài lại được cảm nhận không khí Trung thu ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, dưới đôi mắt ngây thơ của một cậu bé. Trong trí nhớ của cậu bé Nguyễn Sen khi ấy, ngoài những thứ đồ chơi lạ mắt, có những hình ảnh mà ông mãi ghi nhớ về đêm Trung thu.

Vì sao Trung thu xưa, người lớn không được phép tham dự các cuộc vui của trẻ con? - Ảnh 3.

Không khí Trung thu đầu thế kỷ XX. Ảnh: TL.

"Đoàn người múa sư tử, nhịp chân hoa lên đi về phía phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Hội sư tử kéo về đây đông nhất… Đội sư tử là những tay anh chị từ dưới bãi, những tay chơi có hạng của các đội Ba Đen, đội Phó Lừ sừng sỏ nức tiếng bãi sông Hồng. Vào thời ấy dưới bãi chưa có phố, không có nhà lợp ngói, tường gạch, mà chỉ lơ thơ chiếc lều tạm bợ, không mấy khi thấy người, cả buổi trưa, những con bói cá đứng gật gù canh chừng mặt nước, chốc lại lao xuống, bay biến đi. 

Đứng trên đê nhìn ra bãi sông, chỉ thấy dòng nước đỏ rực hai bên bờ bãi xanh mờ những bụi lau chen bãi dâu, bãi ngô. Rồi mỗi mùa lũ, nước sông lên ngập các bãi Nghĩa Dũng, Phúc Xá vào tận lưng đê bến Nứa, tất cả mọi thứ, cái lều, con lợn, gồng gánh trôi băng chỉ còn sống sót người ôm bọc quần áo thoát lên đê. Người làm cu li, làm phu, người thất cơ lỡ vận bỏ làng lên tỉnh kiếm ăn chui rúc nương náu ở bãi".

Đó là thành phần chính của những đội múa sư tử đầu thế kỷ XX, những người dân ngụ cư, dân nghèo bến bãi. Đến đêm Trung thu họ lại khoác trên mình những sắc phục lộng lẫy, để hóa rồng, hóa sư.

Không phải chỉ đến múa ở phố Hàng Đào mà các đội múa từ lúc bước sang bên kia vỉa hè. Trong ánh điện đèn quanh cột Đồng Hồ, người đổ ra xem. Mỗi sư tử, người đội đầu người cầm đuôi, người múa hòn ngọc nhử mồi. Những đội nhỏ xuống phố Hàng Buồm, khi người cầm ngọc hoa trên chiếc côn lên, ấy là hiệu cho sư tử múa mừng. 

Vì sao Trung thu xưa, người lớn không được phép tham dự các cuộc vui của trẻ con? - Ảnh 4.

Nụ cười của một cậu bé bên quầy hàng đồ trang trí Trung Thu. Ảnh: TL.

Nhà hàng được sư tử dừng lại, mở toang cửa, bắc ghế ngồi xem. Người múa ngọc uốn mình đi một đường côn, đầu sư tử rượt theo liệng một vòng kéo theo người hai tay nắm đuôi, phất phất. Thế là đã nới được người rộng ra cho cánh khiêng trống, đánh trống vào. Sư tử vờn cao đầu chào gia chủ trong tiếng trống múa. 

Tiếng chũm chọe đinh tai… tùng tùng xòe… tùng xòe… xòe… chiếc côn ngọc lại vi vút quăng. Sư tử đuổi đớp ngọc, hòn ngọc và đầu sư tử quần nhau vừa mười vòng thì được một đợt. Hơn chục người trong đội hoa quyền xuống tấn, múa bái tổ ngước vào cửa hàng. Chủ hiệu bước ra phong bao tiền rơi tọt vào trong mõm, rồi… tùng xòe… xòe… chiếc côn ngọc lại giơ lên, múa tiếp.

Những đội tép nhàng nhàng chỉ lấy giải quanh quanh các nhà treo tiền thưởng cò con. Vào đến giải mấy nhà chỗ hiệu Hanh Hiên, vài năm nay chỉ còn có hai đội Phó Lừ và Năm Đen. Đội nào lớ quớ kéo vào đã bị chặn đầu phố. Người cầm gậy gác vừa rút con dao mổ lợn ra vừa ghé đầu rỉ tai hỏi tí tiết rồi nói: "Cút ngay!". Thế là chịu thua, chỉ xin đàn anh cho đứng đánh trống, múa vòng ngoài góp vui".

Cha đẻ của "Dế mèn phiêu lưu ký" vẫn nhớ chi tiết diễn biến của một đêm Trung thu kinh hoàng, với cuộc "đọ sức" căng thẳng giữa hai đội rước Ba Đen và Phó Lừ.

"Người đội Ba Đen đứng lên vai, đầu sư tử nghiêng ra đớp giải ngoài lan can. Vừa lúc ấy, đội Phó Lừ đã giật giải bên kia rồi lại nhoài người đưa đầu sư tử sang huýnh ngang giật bọc giải nhất. Đội Ba Đen còn đương chới với. Đội Ba Đen bị cướp thình lình, đám người loạng choạng mất đà, ngã rúi xuống. 

Tiếng reo à à như vỡ chợ. Giải đã định, được xướng danh từ lúc vừa múa xong. Không ai rõ tại sao lại có chuyện cướp giải. Nhà chủ đã vào ngồi trong hiên nhìn ra xem, cũng không biết thế nào. Cái ức ấy đội Ba Đen đã để đến năm nay rửa hận. Đội Ba Đen lên phố Hàng Đào từ chập tối. Mỗi người giắt lưng môt con dao găm. 

Vì sao Trung thu xưa, người lớn không được phép tham dự các cuộc vui của trẻ con? - Ảnh 5.

Vì sao Trung thu xưa, người lớn không được phép tham dự các cuộc vui của trẻ con? - Ảnh 6.

Những hình ảnh gợi nhớ về Trung thu xưa ở Hà Nội. Ảnh: TL.

Đợi đến lúc lên nhận giải mà cánh Phó Lừ còn chơi đòn ngầm thì cả đội sẵn sàng một phen. Mà năm nay chúng nó có tử tế chăng nữa, những con dao này cũng phải dây máu, vì còn phải hỏi tội đòi cái tiền thưởng giải nhất năm ngoái. Người xem rước sư tử các phố đã dồn đến. Nhiều nơi đã kháo nhau đêm nay ở giải Hàng Đào có trận đòn thù khiếp lắm đây".

Qua những trang báo xưa, qua lời kể của nhân vật đương thời, chúng ta có thể hiểu, tại sao chính quyền thuộc địa lại cấm người lớn không được tham dự vào các cuộc vui chơi của trẻ con ở ngoài phố trong dịp Tết Trung thu. Đơn giản bởi vì, họ không thể kiểm soát được những bất ổn về an ninh trật tự trong cuộc vui ấy.

Nhưng không thể cứ không quản lý được là cấm. Và hiển nhiên, qua bao biến thiên lịch sử, những đội rước sư tử vẫn còn nhảy múa trong Tết Trung thu. Trong đêm trăng rằm, vẫn có những con người giàu nghèo sướng khổ ta không hay biết, khoác lên mình đầu râu da vẩy, để ước mơ hóa sư hóa rồng làm vui cho mình và thiên hạ, dù chỉ là trong một đêm trăng.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem