Clip "kiểm tra trinh tiết" độc hại, bất hợp pháp trên TikTok

Thứ bảy, ngày 10/09/2022 07:05 AM (GMT+7)
Những câu chuyện khó hiểu về trinh tiết phụ nữ xuất hiện từ thời xa xưa tiếp tục bị thổi phồng trong các clip triệu view trên TikTok.
Bình luận 0

Trong khi nhiều người tin rằng hủ tục chứng minh sự trinh tiết đã dần trở thành dĩ vãng, mạng xã hội, đặc biệt trên TikTok, lại ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại của các clip "kiểm tra trinh tiết", theo Independent.

Một số đoạn video với hashtag liên quan đến kiểm tra trinh tiết "virginity testing" hiện thu hút hơn 10 triệu lượt xem.

Các chuyên gia cảnh báo sự phổ biến của những clip này sẽ tạo thành xu hướng độc hại, gây hiểu lầm nghiêm trọng về các khái niệm trinh tiết, sự trong trắng cho giới trẻ, người dùng chủ yếu của TikTok.

Kiểm tra trinh tiết là bất hợp pháp

Nhiều quốc gia phương Tây đã rất nỗ lực ngăn chặn sự phổ biến của hủ tục kiểm tra trinh tiết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan của Liên Hợp Quốc vốn lên án hành vi này là vi phạm nhân quyền. Còn chính phủ Anh đang trong quá trình biến nó trở thành bất hợp pháp ở Anh và xứ Wales.

Nhưng với sự gia tăng đột ngột của clip trực tuyến, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ cập kiến thức đúng đắn cho số đông công chúng.

Clip "kiểm tra trinh tiết" độc hại, bất hợp pháp trên TikTok - Ảnh 1.

Các nhà hoạt động biểu tình chống lại những cuộc kiểm tra trinh tiết ở New Delhi. Ảnh: AFP.

Các bài kiểm tra trinh tiết thường liên quan đến việc kiểm tra trực quan hoặc thực thể đối với màng trinh của phụ nữ, mặc dù có sự nhất trí giữa các chuyên gia y tế rằng không có bằng chứng sinh học nào cho thấy đây là một thẩm định hợp pháp.

Tuy nhiên, một số clip đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng còn cho một hủ tục khác được thực hiện bởi các thành viên của cộng đồng Roma ở Tây Âu, cụ thể là tại Pháp và Tây Ban Nha.

Cách kiểm tra này tập trung vào sự tồn tại của "honra", được nhà nhân chủng học Paloma Gay-y Blasco mô tả là một "đặc điểm vật lý hữu hình mà người ta cho rằng nằm bên trong âm đạo của phụ nữ".

Giải thích về nghi lễ này, giảng viên đến từ Đại học St Andrews cho biết cộng đồng Roma ở Tây Ban Nha tin rằng bên trong cơ thể của phụ nữ còn trinh có một quả "uva" (quả nho), tức "một hạt cứng màu trắng hoặc hơi xám có kích thước bằng hạt đậu xanh nhỏ để chứa honra (chất dịch màu vàng)".

Không có cơ sở khoa học

Kiểm tra sự trinh trắng của cô dâu được xem là hoạt động chủ đạo trong đám cưới của người Roma.

"Ajuntoaora" là người phụ nữ chuyên kiểm tra xem một cô gái có phải là trinh nữ hay không bằng cách xem xét honra.

"Cô ấy vẫn nguyên vẹn giống như lúc mới được sinh ra", ajuntoaora sẽ tuyên bố như vậy nếu kiểm tra và cho rằng cô dâu vẫn còn trinh. Một người phụ nữ lớn tuổi khác sẽ được mời đến để xác nhận lại điều này trước khi lễ cưới diễn ra.

Tuy nhiên, sự tồn tại của honra đã bị các bác sĩ bác bỏ rộng rãi. Do đó, bài kiểm tra trinh tiết dựa trên một phần không có thực là hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Clip "kiểm tra trinh tiết" độc hại, bất hợp pháp trên TikTok - Ảnh 2.

WHO đã gọi các cuộc kiểm tra trinh tiết là "vi phạm nhân quyền". Ảnh minh họa: The Guardian.

Nhà báo và tác giả của cuốn sách Losing It: Sex Education for the 21st Century Smith Galer nói rằng các video về nghi lễ của người Roma xuất hiện trên TikTok đang lan truyền một phong tục cổ hủ và những thông tin lệch lạc.

"Cái gọi là bài kiểm tra đó hoàn toàn không liên quan gì đến lịch sử quan hệ tình dục của bất kỳ ai. Không có cuộc kiểm tra thể chất nào có thể xác định được những thứ như trinh tiết hay sự trong trắng của một con người", Galer khẳng định.

Còn nhà nhân chủng học Gay-y Blasco nói rằng việc nhấn mạnh vào việc kiểm tra trinh tiết cho thấy tiêu chuẩn đạo đức kép với phụ nữ.

"Mặc dù có cơ sở cho việc quan hệ tình dục là thú vị và ham muốn tình dục là không thể thiếu đối với cả nam và nữ, nhưng quy chuẩn đạo đức lại đặt ra áp lực kiểm soát rất lớn với nữ giới, thậm chí liên kết hôn nhân với sự mất trinh của phụ nữ", bà nói.

WHO đã gọi các cuộc kiểm tra trinh tiết là "vi phạm nhân quyền", điều này liên quan đến "hậu quả trước mắt và lâu dài, gây bất lợi cho sức khỏe thể chất và tâm lý đối với các cô gái".

Theo Lê Vy (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem