CLIP: Cận cảnh loài sâu lạ tàn phá ngô ở Ninh Bình
Hơn nửa tháng trở lại đây, bà Phạm Thị Chiêm ở xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) đã tìm đi khắp nơi mua thuốc trừ sâu mang về phun mong cứu được 4 sào ngô của gia đình nhưng đến giờ mọi nỗ lực cố gắng đều không có kết quả.
"Tôi mua đủ loại thuốc về phun đến 4 lần nhưng càng phun sâu càng phát triển mạnh, chúng tàn phá ngày đêm khiến ruộng ngô ngày càng tan hoang hơn", bà Chiêm ngậm ngùi.
Bà Phạm Thị Chiêm bên ruộng ngô của gia đình bị loài sâu lạ tàn phá gần như xóa sổ.
Theo bà Chiêm, như mọi năm trồng ngô, gia đình bà rất ít khi dùng đến thuốc trừ sâu, thậm chí có năm không phải phun lần nào nhưng cây trồng vẫn cho năng suất cao. Song, đến năm nay, ngay từ lúc trồng đến khi ngô lên được 3 - 4 lá là loài sâu lạ tấn công ồ ạt, có nhiều diện tích sâu phá mạnh ngô chết trắng đất.
"Loài sâu này có hình thù rất lạ và cách chúng đục phá ngô cũng rất ma quái khiến nông dân chúng tôi rất hoang mang và lo lắng", bà Chiêm chia sẻ.
Loài sâu lạ ăn, phá ngô ở Ninh Bình có đầu hình chữ Y ngược, đốt gần đuôi có 4 chấm hình vuông đậm, các đốt còn lại có 4 chấm hình thang nhạt hơn rất giống với đặc điểm của loài sâu keo mùa thu đã phát hiện trên thế giới.
Cùng xã với gia đình bà Chiêm, hộ bà Nguyễn Thị Ngần cũng đang bất lực trước sự tấn công dữ dội của loài sâu lạ này. "Từ khi phát hiện sâu lạ phá ngô đến giờ đã gần 1 tháng, chúng tôi đã dùng đủ mọi cách để diệt trừ nhưng đều vô vọng, toàn bộ diện tích ngô của tôi sắp bị xóa sổ hoàn toàn rồi", bà Ngần nói.
Các cây ngô non bị sâu lạ đục phá hàng loạt
Bà Ngần cho biết, qua đặc điểm nhận dạng thì loài sâu này có đầu hình chữ Y ngược, đốt gần đuôi có 4 chấm hình vuông đậm, các đốt còn lại có 4 chấm hình thang nhạt hơn rất giống với đặc điểm của loài sâu keo mùa thu trên thế giới mà báo chí, truyền hình nhắc đến trong thời gian gần đây trên thế giới.
"Nếu đây đúng là sâu keo mùa thu thì rất nguy hiểm nên rất mong các cơ quan chuyên môn Trung ương và địa phương sớm vào cuộc để khống chế, tìm cách diệt sâu giúp dân", bà Ngần kiến nghị.
Sâu lạ tập trung tấn công vào các ngọn ngô non.
Bên cạnh TP.Tam Điệp, nhiều nông dân trồng ngô ở xã Sơn Lai, huyện Nho Quan (Ninh Bình) cũng đang đứng trước nguy cơ "trắng tay" vì loại sâu này tàn phá. Anh Nguyễn Văn Thức, một nông dân ở đây cho biết, đến thời điểm này hầu như 100% các ruộng ngô trên địa bàn xã đều bị sâu lạ đục phá, có nhiều ruộng đã bị xóa sổ nhưng phía chính quyền vẫn chưa có động thái gì giúp dân khiến cho bà con rất lo lắng.
"Vụ ngô này là vụ chính trong năm, nếu mất mùa, trâu, bò, gà... của bà con trong xã sẽ thiếu ăn trầm trọng, nông dân sẽ bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng về kinh tế", anh Thức cho hay.
Anh Phạm Khắc Tuấn (TP.Tam Điệp) bất lực nhìn sâu lạ tàn phá diện tích ngô của gia đình.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Phạm Đình Cư - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp cho hay: Hiện nay, theo thống kê sơ bộ toàn xã có khoảng trên 10ha ngô bị sâu lạ phá hoại. Điều đáng nói là bà con và các cán bộ nông nghiệp, BVTV của địa phương đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể khống chế và diệt được loại sâu mới này.
"Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục cho cán bộ thống kê các diện tích ngô bị thiệt hại và đề xuất phương án diệt trừ, hỗ trợ lên trên để giúp bà con vơi bớt thiệt hại, sớm ổn định lại sản xuất", ông Cư khẳng định.
Bà Ngần cắt ngô bị sâu lạ phá bỏ cho bò ăn.
Mới đây, Cục BVTV đã có văn bản gửi Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố cảnh báo về nguy cơ xâm nhiễm của một loài sâu hại mới rất nguy hiểm có tên Sâu keo mùa thu vào nước ta.
Sâu keo mùa thu (tên Tiếng Anh là Fall armyworm, viết tắt là FAW) là một loài có nguồn gốc ở Châu Mỹ. Tuy nhiên với đặc thù sâu trưởng thành (bướm) di chuyển rất nhanh và rộng, cộng với hoạt động xuất nhập khẩu nông sản quốc tế ngày càng tăng mạnh, loài sâu này đã không ngừng lây lan ra nhiều khu vực trên thế giới và là loài sâu hại có khả năng lây lan xuyên biên giới các quốc gia hết sức nguy hiểm.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), sâu keo mùa thu đang xâm nhập rất nhanh và rộng dần theo hướng từ phía tây sang khu vực phía đông trên toàn cầu. Điều này có thể gây nên mối đe dọa về sự tàn phá phá nghiêm trọng đối với các vùng sản xuất ngô và lúa của các nước châu Á Thái Bình Dương trong thời gian tới nếu các quốc gia, các tổ chức quốc tế không có những biện pháp ngăn chặn quyết liệt và kịp thời. Đặc biệt, Châu Á lại là khu vực đang có tới 80% đất nông nghiệp được nông dân canh tác nhỏ, khó kiểm soát dịch hại, đây cũng là nơi có tới 200 triệu ha ngô và lúa được trồng mỗi năm, sản xuất ra hơn 90% sản lượng gạo toàn cầu.
Từ cuối năm 2018, Tổ chức FAO cũng đã đưa ra đề xuất một chương trình hành động 5 năm để giúp nông dân sản xuất nhỏ, các tổ chức đại diện của nông dân cũng như các tổ chức cộng đồng, Chính phủ các quốc gia nhanh chóng đối phó với những thách thức về sự phá hoại của FAW.
Tại Châu Phi, FAO đã triển khai chương trình hỗ trợ các quốc gia giảm thiểu thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra với hơn 30 dự án trên “lục địa đen”. FAO cũng đã phát triển hệ thống cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn, phát hiện sớm nguy cơ và sự lây lan của loài sâu keo mùa thu thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm trang bị cho các vùng sản xuất nông nghiệp lớn tại các nước Châu Phi.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.