Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội) giải đáp: Khoản 3, Khoản 4, Điều 3 Nghị định số: 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 04 năm 2009 của Chính phủ “Về quản lý, sử dụng pháo” giải thích:
Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ.
Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.
Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số: 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 04 năm 2009 của Chính phủ, không chỉ pháo nổ mà ngay cả pháo hoa, thuốc pháo hoa thì việc sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép cũng bị nghiêm cấm. (Trừ các loại pháo hoa được sử dụng quy định tại Điều 5 của Nghị định này như: Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép; pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa; pháo hoa lễ hội bằng giấy…)
Việc xử lý hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”. Theo đó: điểm b, Khoản 2 điều luật trên quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép; điểm d, Khoản 4 quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.