Có 350.000ha đất nông nghiệp nhưng sau 2 năm tìm kiếm, Long An vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 10/09/2022 08:54 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Long An thừa nhận một thực tế hơn 2 năm chưa tìm được sản phẩm đặc trưng, đặc sắc để khi nói tới là người tiêu dùng nhận biết đây là sản phẩm của Long An.
Bình luận 0
Đến năm 2025, Long An phải có 1-2 sản phẩm đặc trưng của tỉnh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, chỉ đạo ngành nông nghiệp đến năm 2025 phải có 1-2 sản phẩm đặc trung của tỉnh. Ảnh: Quốc Hải

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đưa ra tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT Long An và Công ty TNHH Tập đoàn An Nông về sản xuất nông sản an toàn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả chiều ngày 9/9.

Đến năm 2025, Long An phải có 1-2 sản phẩm đặc trưng của tỉnh

Theo ông Nguyễn Văn Út, hơn 2 năm qua, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương và Sở NNPTNT tỉnh tham gia chủ trì tìm kiếm sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, mang đặc trưng của địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra.

Đây là một vấn đề trăn trở của tỉnh bởi Long An có diện tích nông nghiệp lớn trên 350.000ha với rất nhiều sản phẩm nông sản khác nhau.

"Long An sản phẩm gì cũng có, thanh long, bưởi… Tuy nhiên, sản phẩm nào cũng na ná, tương tự như các sản phẩm của các địa phương khác, không có sản phẩm đặc trưng, đặc sắc để khi nói tới là người tiêu dùng nhận biết là sản phẩm của Long An", ông Út nói. Ông nhấn mạnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở ban ngành cùng các đơn vị tham gia lễ ký kết này tới năm 2025 phải xác định được ít nhất 1-2 sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Đến năm 2025, Long An phải có 1-2 sản phẩm đặc trưng của tỉnh - Ảnh 2.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Quốc Hải

"Không chỉ vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cũng phải nhanh chóng đốc thúc xây dựng vùng trồng và kế hoạch quảng bá các sản phẩm đặc trưng này, để sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng nhận biết mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính", ông Út nói thêm.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng việc ký kết giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT và Tập đoàn An Nông nằm trong chiến lược sản xuất nông nghiệp an toàn của Chính phủ và Bộ NNPTNT.

"Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng chương trình tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học, được các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực. Thời gian tới cần tuyên truyền, phổ biến sử dụng thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ nhiều hơn nữa, để hàng nông sản vượt qua rào cản an toàn thực phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới", ông Trung nói.

Đến năm 2025, Long An phải có 1-2 sản phẩm đặc trưng của tỉnh - Ảnh 3.

Ký kết hợp tác 3 bên để phát triển nông nghiệp sạch, an toàn tại tỉnh Long An. Ảnh: Quốc Hải

Cụ thể, theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã ký kết với 35 doanh nghiệp, mở trên 47.000 lớp tập huấn sử dụng thuốc BVTV, phân bón an toàn, hiệu quả, tiết kiệm và 120 mô hình đã và đang thực hiện trong thời gian tới.

"Chúng tôi mong muốn chương trình này sẽ tạo dựng được cơ chế và hợp tác một cách có hiệu quả nhất. Không chỉ được thể hiện trong bản ký kết mà phải người thật việc thật. Chúng ta thực hiện một cách bài bản cụ thể và cần có sự chung tay của các đơn vị ký kết hôm nay cũng như sự tham gia của chính quyền địa phương. Những mô hình tốt sẽ được nhân rộng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh sạch, bền vững mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân nói chung và nông dân Long An nói riêng", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Trang bị cho nông dân Long An kiến thức sử dụng thuốc BVTV, phân bón tiết kiệm

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An thông tin, việc ký kết bản thỏa thuận hợp tác 3 bên (Cục Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT Long An và Công ty TNHH Tập đoàn An Nông) sẽ giúp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; xây dựng, mở rộng quy mô, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, giúp người nông dân hiểu và sử dụng thuốc BVTV, phân bón tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

"Thông qua chương trình hợp tác 3 bên lần này, chúng tôi đặt mục tiêu hỗ trợ nâng cao nhận thức, trang bị cho nông dân Long An những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đầu vào. 

Trong đó có việc sử dụng sản phẩm thuốc BVTV đúng cách, có trách nhiệm, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân", ông Thiện khẳng định.

Đặc biệt, từ chương trình hợp tác này, các đơn vị kỳ vọng sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản của tỉnh Long An nói riêng và vị thế nông sản Việt Nam nói chung.

Ông Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn An Nông, cho biết, thấu hiểu những khó khăn của ngành nông nghiệp, người nông dân trong việc xây dựng đầu ra cho nông sản, An Nông quyết tâm triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao nhận thức, trang bị cho nông dân những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đầu vào.

"Chúng tôi coi đây là một phần trách nhiệm, gắn bó và chia sẻ cùng với tỉnh Long An thực hiện nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Tập đoàn An Nông cam kết sẽ thực hiện đúng các nội dung của thoả thuận hợp tác ngày hôm nay", ông Hải nhấn mạnh.

Tại lễ ký kết, ông Hoàng Hải cũng cho biết thêm về kế hoạch tham gia vào ngành chế biến nông sản sâu sau thu hoạch tại tình Long An.

"Chúng tôi đang đàm phán để mua lại bằng sáng chế nước ép thanh long dùng công nghệ enzym không sử dụng nước để đưa vào sản xuất nước ép thanh long. Từ đó sẽ giúp giảm thiểu được tình trạng được mùa mất giá, tận dụng được các phụ phế phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ", ông Hoàng Hải thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem