Ông nông dân vùng biên Long An nuôi “thú cưng của chị Hằng” vươn lên hộ giàu

Trần Đáng Thứ ba, ngày 06/09/2022 19:23 PM (GMT+7)
Đang trồng vườn cây ăn trái, ông Sáu Minh (Nguyễn Ngọc Minh, xã Bình Thạnh, Mộc Hóa, Long An) hứng chí mua thỏ giống về gầy đàn nuôi thỏ. Cứ mỗi tháng, ông Sáu Minh “cầm chắc” 20 triệu đồng.
Bình luận 0

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Hóa Phạm Quốc Việt khoe, mô hình nuôi thỏ của ông Sáu Minh cho hiệu quả kinh tế rất tốt. Ông Sáu Minh có nhiều mối lái thu mua thỏ.

Ông nông dân vùng biên nuôi “thú cưng của chị Hằng” tuần hoàn khép kín thu lời ai thấy cũng mê - Ảnh 1.

Ông Sáu Minh (Nguyễn Ngọc Minh, xã Bình Thạnh, Mộc Hóa, Long An) tự học nuôi thỏ chủ yếu trên Internet. Ảnh: Trần Đáng

Nuôi thỏ chỉ cần chịu khó

Mặc dù mới khởi nghiệp nuôi thỏ khoảng 2 năm nay, nhưng nhìn chuồng trại thỏ của ông Sáu Minh, có thể đánh giá lão nông vùng biên này nghiên cứu rất kỹ kỹ thuật làm chuồng trại trước khi nuôi thỏ.

Theo đó, chuồng trại nuôi thỏ của ông Sáu Minh được làm ở nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, khá yên tĩnh, rất thuận tiện trong việc quản lý và chăm sóc thỏ.

Ngoài ra, ông Sáu Minh thiết kế kiểu chuồng lồng sắt một tầng chạy dài thẳng tắp. Chuồng được lắp hệ thống uống nước tự động cho thỏ. Bên cạnh đó, do thỏ là loài ưa sạch, nên ông Sáu Minh cho lắp hệ thống băng chuyền để thu dọn phân thỏ thường xuyên. Hỏi ra mới biết, ông Sáu Minh làm chuồng trại nuôi thỏ chủ yếu qua… Internet.

Theo ông Sáu Minh, nuôi thỏ không khó, thậm chí là dễ. Cái chính là nông dân nuôi thỏ phải chịu siêng, chịu khó. Do thỏ thường bị 2 nhóm bệnh là ghẻ và cầu trùng nên việc siêng năng chăm sóc sẽ giúp thỏ hạn chế mắc 2 loại bệnh này dẫn đến hao hụt đầu con.

Ông nông dân vùng biên nuôi “thú cưng của chị Hằng” tuần hoàn khép kín thu lời ai thấy cũng mê - Ảnh 2.

Theo ông Sáu Minh (Nguyễn Ngọc Minh, xã Bình Thạnh, Mộc Hóa, Long An), nuôi thỏ muốn thành công chỉ cần chịu khó. Ảnh: Trần Đáng

Cái hay của ông Sáu Minh là nuôi thỏ tuần hoàn. Sẵn có vườn cây ăn trái, ông tận dụng trái hư hay dạt bỏ cho thỏ ăn, tận dụng rau, cỏ trong vườn tăng cường chất xanh cho thỏ. Ngược lại, phân thỏ thu hoạch hằng ngày, ông Sáu Minh đem bón cho cây để tăng cường phân hữu cơ cho đất.

Tất nhiên, ông Sáu Minh không quên cho thỏ ăn thức ăn công nghiệp để cung cấp thêm dưỡng chất cho thỏ sinh sản.

Với cách nuôi thỏ này, chuồng trại của ông Sáu Minh ngày càng phình to. Từ chỗ chỉ có 10 con thỏ giống ban đầu, giờ trại nuôi thỏ của ông Sáu Minh có hơn 1.000 con thỏ. Trong đó, có 200 thỏ mẹ.

Động lực để nông dân vùng biên nuôi thỏ

Ông Sáu Minh chia sẻ, thỏ là loài vật sinh sản nhanh nhất trong các loài. Chu kỳ sinh sản của thỏ mẹ là 30 ngày/lần.

"Cứ sau 3 ngày sinh, thỏ mẹ lại được cho phối giống. 30 ngày sau thỏ mẹ lại sinh con", ông Sáu Minh cho biết.

Ông nông dân vùng biên nuôi “thú cưng của chị Hằng” tuần hoàn khép kín thu lời ai thấy cũng mê - Ảnh 4.

Ông Sáu Minh (Nguyễn Ngọc Minh, xã Bình Thạnh, Mộc Hóa, Long An) tự làm thức ăn để nuôi thỏ. Ảnh: Trần Đáng

Thỏ mẹ sinh sản 6-8 con/lứa. Thỏ con được 1 tháng tuổi là tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng 2-2,5kg là xuất bán.

Bình quân mỗi tháng, trang trại của ông Sáu Minh cho xuất chuồng 100-200 con thỏ thịt. Với giá thỏ thịt 70.000-75.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Sáu Minh có lời khoảng 20 triệu đồng/tháng.

"Nuôi thỏ không lo đầu ra, rất dễ bán. Đến đợt bán thỏ thịt là thương lái vào trại tôi mua", ông Sáu Minh thổ lộ.

Hiện, trại nuôi thỏ của ông Sáu Minh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động tại địa phương.

Ông Sáu Minh bộc bạch, với hiệu quả kinh tế cao, bền vững thời gian tới, ông sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại nuôi thỏ để đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập.

Ông cũng cho biết mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ cho những ai có ý định khởi nghiệp với loài vật nuôi này.

Ông nông dân vùng biên nuôi “thú cưng của chị Hằng” tuần hoàn khép kín thu lời ai thấy cũng mê - Ảnh 5.

Trại nuôi thỏ của ông Sáu Minh (Nguyễn Ngọc Minh, xã Bình Thạnh, Mộc Hóa, Long An). Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Sáu Minh, mặc dù thỏ là vật nuôi khá mới mẻ ở vùng biên giới này, nhưng với nguồn thức ăn khá dồi dào, dễ kiếm, dễ trồng và sẵn có quanh năm, như rau, cỏ, lá cây, củ, quả..., lại thêm giá thỏ thịt khá cao, khá ổn định trong năm, nghề nuôi thỏ rất thích hợp cho nông dân vùng biên khởi nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem