Một lúc sau em chở về lỉnh kỉnh nào bia, nước ngọt, kẹo, bánh… cho người mẹ tật nguyền ở nhà bán lấy tiền kiếm sống.
Quán bán hàng của mẹ con Ngọc là túp lều xơ xác, ẩm thấp nằm dưới chân cầu Xương Giang. Chị Nguyễn Thị Tiếp, mẹ của Ngọc lật đật rót nước mời chúng tôi.
|
Nguyễn Thanh Ngọc và những chuyến hàng cho mẹ bán mưu sinh |
Câu chuyện về cuộc đời mẹ con chị cứ chìm nổi theo những dòng nước mắt tưởng như không ngừng tuôn từ đôi mắt đã hằn những nếp nhăn của người mẹ đau khổ…
Quê chị Tiếp ở Ninh Bình nhưng vốn là dân vạn đò, chị cùng với bố mẹ phiêu bạt theo những dòng sông rồi định cư ở Bắc Giang. Chị may mắn xin được vào làm tại Xí nghiệp đóng tàu sông Thương và quen một người đàn ông gần xí nghiệp.
Lấy chồng đầu năm 1995, cuối năm chị chuẩn bị cho việc sinh em bé nhưng do bị sản giật, cháu bé cũng không giữ được mà bản thân chị bị liệt nửa người bên trái. Tay chân co quắp và hầu như không thể cử động được.
Người chồng chán nản, ít quan tâm chị. Để níu giữ cái hạnh phúc gia đình mong manh, chị chấp nhận đau đớn, quyết tâm sinh con một lần nữa. Thế nhưng, khi Ngọc ra đời, người cha vẫn chẳng thèm đoái hoài, thậm chí còn đuổi người vợ tật nguyền cùng đứa con của mình, bỏ đi kết hôn với người khác.
Mẹ con chị Tiếp đành sống nhờ chiếc quán cóc dựng tạm dưới chân cầu Xương Giang (TP Bắc Giang) suốt từ đó đến nay.
Người đàn bà tật nguyền và đứa bé gái gắng gượng sống qua ngày. Rồi cũng như bao đứa trẻ khác, Ngọc phải đến trường học. Chị Tiếp loay hoay với đủ thứ tiền lo học cho con.
Thu nhập từ cái quán nhỏ của chị bao gồm cả tiền bán nước, trông xe đạp cũng chỉ được khoảng hơn 20 nghìn đồng/ngày cộng với khoản tiền trợ cấp 180 nghìn đồng/tháng của địa phương chỉ đủ hai mẹ con rau cháo qua ngày. Bữa nào được thêm vài miếng thịt đã là rất thịnh soạn với hai mẹ con.
Bà ngoại của Ngọc năm nay 80 tuổi, không thể làm việc được cũng về ở chung trong căn nhà ấy. Năm học lớp 2, Ngọc được một người bác tốt bụng tặng cho một chiếc xe đạp và em trở thành lao động chính trong nhà, tự mình đạp xe đến chợ Thương lấy hàng về cho mẹ bán.
Những chai bia nặng quá không chở được cả két, Ngọc lấy 10 chai một lần bỏ trong chiếc giỏ xe chở về nhà, đằng sau cồng kềnh nào bim bim, thuốc lá, kẹo, bánh…
Vất vả nhưng Ngọc rất nghị lực và lạc quan, đó là nhận xét của cô Cao Quỳnh Hương, giáo viên chủ nhiệm của Ngọc tại Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Bắc Giang). Trong 4 năm học thì 2 năm Ngọc đạt danh hiệu học sinh giỏi, 2 năm là học sinh tiên tiến.
Còn chị Tiếp kể, Ngọc chưa bao giờ được sở hữu một bộ sách giáo khoa mới, chỉ đi xin lại của các anh, chị trong xóm. Vở thì chủ yếu là được nhà trường hoặc các đoàn thể tặng. Hỏi về ước mơ của mình, Ngọc hồn nhiên: “Em ước sau này sẽ trở thành bác sĩ, chữa được bệnh cho mọi người và nhất là chữa bệnh được cho mẹ”.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.