“Có cái chết hóa thành bất tử”!

Thứ bảy, ngày 15/02/2014 06:32 AM (GMT+7)
Xin mượn câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu để nói về “người hùng áo phao” Trần Hữu Hiệp (ở xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa). Anh Hiệp vừa được truy phong danh hiệu liệt sĩ, bởi hành động dũng cảm cứu người và nhường sự sống của mình cho người khác.
Bình luận 0
Mãi mãi tuổi 20...

Trong cái lạnh tê tái những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, chúng tôi tìm về nhà anh Trần Hữu Hiệp. Con đường quanh co dẫn về ngôi nhà của bố mẹ Hiệp như càng hun hút hơn trong buổi chiều muộn. Đón phóng viên, mẹ liệt sĩ Hiệp - bà Nguyễn Thị Thìn (56 tuổi) bần thần rót nước mời khách. Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, bố mẹ liệt sĩ Hiệp dành riêng cho anh một gian để làm nơi đặt bàn thờ và treo kín những tấm huân chương, bằng khen, bằng Tổ quốc ghi công… của anh.

Bà Nguyễn Thị Thìn - mẹ liệt sĩ Trần Hữu Hiệp bên bàn thờ con trai.
Bà Nguyễn Thị Thìn - mẹ liệt sĩ Trần Hữu Hiệp bên bàn thờ con trai.

Ngồi nghe ông Trần Hữu Trọng (bố của Hiệp) kể về những kỷ niệm của con trai mình, bà Thìn không cầm được những giọt lệ cứ lăn dài trên gương mặt đen xạm, khắc khổ. Ngước mắt về phía bàn thờ anh, ông Trọng bảo:

“Em nó là con út trong nhà đấy! Từ ngày Hiệp ra đi, anh của Điệp phải xin nghỉ việc ở công ty để về giúp tôi làm việc nhà và chăm sóc bà ấy. Cứ mỗi lần thắp hương cho con, bà ấy lại khóc. Nhiều hôm, tôi phải bảo rằng, bà đừng khóc nữa mà quỵ mất. Là cha, là mẹ thì ai chẳng thương, chẳng đau khi con không còn. Nhưng nếu bà cứ khóc mãi như vậy rồi kiệt sức, quỵ xuống, thì càng khiến hương hồn con không thanh thản nơi chín suối đâu”.

Theo những người trong gia đình, liệt sĩ Hiệp sinh năm 1988, là con trai út trong nhà. Nhà có 3 anh em trai, thì người anh cả là Trần Văn Đạt phải nhường phần học hành cho hai đứa em là Điệp và Hiệp, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Trong suốt quá trình học tập của Hiệp, bố mẹ và người thân trong nhà chưa bao giờ nghe thầy, cô giáo hay bạn bè phàn nàn về Hiệp một lời.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Hiệp thi vào Trường Cao đẳng Hóa chất ở tỉnh Phú Thọ. Suốt thời gian học ở ngôi trường ấy, Hiệp chủ động đi làm thêm lấy tiền ăn học để đỡ đần bố mẹ, không dám sắm đồ cho bản thân nhiều.

“Tôi còn nhớ ngày em nó ra trường trở về quê, ngoài bộ đồ mặc trên người, tôi thấy chỉ mang về duy nhất một bộ quần áo và ít sách vở. Khi tôi hỏi đồ đạc ở đâu, thì em nó bảo, toàn bộ chăn màn và đồ còn dùng được đã để lại cho các em sinh viên khóa sau sử dụng”- bà Thìn ngậm ngùi kể.

Theo lời ông Trọng và bà Thìn, đến lúc Hiệp quyết định đi miền Nam tìm việc, bố mẹ cũng chẳng lấy đâu ra tiền cho con. Mãi về sau gia đình mới biết là Hiệp vào TP.Hồ Chí Minh và xin làm bưng bê, rửa bát thuê cho quán phở, để kiếm tiền nuôi thân. “Đến khi xin được việc vào công ty, tôi biết em nó chịu khó làm lụng lắm. Có lẽ trong tâm nó, lối sống hiền lành, sẵn sàng giúp đỡ người khác, nên trước khi mất khoảng vài tháng, tích cóp mãi được gần 30 triệu đồng, đang định gửi về cho bố mẹ trả nợ nhưng có một người bạn cần tiền, nên em nó cũng cho vay luôn" - bà Thìn nghẹn giọng.

Tối 2.8.2013, vụ tai nạn chìm ca nô H29-BP trên vùng biển Cần Giờ, TP.HCM làm 9 người thiệt mạng đã gây chấn động dư luận. Một trong số người thiệt mạng là anh Trần Hữu Hiệp. Điều nhân nghĩa mà Hiệp để lại cho đời và khiến nhiều người khâm phục là trong cơn nguy biến, anh đã hành động dũng cảm giúp nhiều người không biết bơi bám vào thành ca nô để chờ cứu hộ. Đặc biệt, vào thời khắc cam go ấy, Hiệp đã cởi áo phao của mình cho một phụ nữ, chấp nhận quên mạng sống của mình để cứu người khác...Thời điểm gặp nạn, Hiệp đang là công nhân của Công ty Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam.

Sau ngày Hiệp ra đi mãi mãi ở cái tuổi 25 ấy, ghi nhận sự hy sinh quả cảm của anh, ngay lập tức T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tìm hiểu cặn kẽ và truy tặng kịp thời “Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm” cho anh, đồng thời phát động thanh niên cả nước học tập tấm gương Trần Hữu Hiệp.

Đến ngày 10.8.2013 (tức chỉ 1 tuần sau khi xảy ra vụ việc), Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng “Huân chương Dũng cảm” cho anh Trần Hữu Hiệp; rồi Bộ Giao thông -Vận tải trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam” cho anh…Tất thảy những điều ấy thể hiện sự công nhận của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, xã hội đối với con người có lòng dũng cảm phi thường, nghĩa cử cao đẹp.

Tấm gương sáng mãi

Trò chuyện với chúng tôi về liệt sĩ Trần Hữu Hiệp, ông Lê Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Thạch Long nói rằng Hiệp sinh ra trong một gia đình có gia cảnh khó khăn, bố mẹ lại ốm yếu quanh năm nên đã phải bươn chải tự lập từ nhỏ. Trải qua nhiều khó khăn thăng trầm trong công việc, mãi đến năm 2011, Hiệp mới xin được vào làm việc tại Công ty Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam. Tuy mới chỉ làm chưa đầy 2 năm, nhưng Hiệp đã trở thành trụ cột trong gia đình, giúp đỡ mẹ đi chữa trị bệnh thoái hóa cột sống. Sự hy của Hiệp là tấm gương ngời sáng về tinh thần quả cảm, nhường sự sống cho người khác trong cơn hoạn nạn.

Ngày 25.1 vừa qua, ngành Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình đã tổ chức công bố quyết định công nhận liệt sĩ và truy tặng bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trần Hữu Hiệp.

Lục trong ký ức của mình về những năm tháng khi Hiệp còn sống ở quê hương, ông Thủy rớm nước mắt, kể: “Thạch Long là vùng đất chiêm trũng, nên mỗi mùa tháng 7-8, mưa bão liên miên, lũ tràn về nhấn chìm cả cánh đồng, những ngôi nhà ven sông.

Trong một lần bão lũ, khi đi qua cánh đồng gần nhà, Hiệp cũng đã từng cứu nhiều học sinh thoát khỏi đuối nước khi các em đi học về. Thế nhưng, những việc làm ấy Hiệp không nói với ai, kể cả bố mẹ và người thân. Mãi đến khi Hiệp đi rồi, thì bạn bè, thầy cô giáo cũ của Hiệp mới kể lại những điều Hiệp đã từng làm. Chắc hẳn để có hành động cứu người dũng cảm ở biển Cần Giờ, tính cách đó đã được Hiệp rèn luyện ngay từ khi sống trên mảnh đất quê hương Thạch Long này.

“Kể từ sau khi Hiệp hy sinh, chính quyền địa phương đã cắt cử đoàn viên thanh niên trong xã thường xuyên đến gia đình thăm hỏi, giúp đỡ, động viên gia đình anh Hiệp vượt qua nỗi đau. Đồng thời chính quyền xã đã tuyên truyền học sinh, thanh niên trong xã học tập theo tấm gương liệt sĩ Trần Hữu Hiệp” - ông Thủy nói.

Hồng Đức (Hồng Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem