Cố chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Người giúp bóng đá Việt Nam “thoát đáy”

Huỳnh Hà Thứ sáu, ngày 17/06/2022 17:10 PM (GMT+7)
Ông Lê Hùng Dũng – người có rất nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam giai đoạn 2005-2018, vừa qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Cùng nhìn lại những đóng góp của cố chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng qua bài viết của nhà báo Huỳnh Hà.
Bình luận 0

Những ngày tháng 6 - tháng nhớ về nghề báo, chợt nhận tin buồn về một nhân vật một thời gắn bó (đặc biệt giai đoạn 2008-2015).

Rất thích phỏng vấn chú, và thích được chú nhắn tin góp ý bài viết bởi sự trải đời, sắc sảo, tính phản biện mạnh mẽ.

Chú là nhân vật đặc biệt, trong một giai đoạn đặc biệt, của bóng đá Việt Nam. Giai đoạn mà chú như một trụ đồng giữa còng nước siết, góp phần đưa bóng đá Việt qua nhiều cơn khốn khó, tìm thấy ánh sáng và dần khởi sắc, và (tạm) tỏa sáng như hiện nay.

Rất nhiều bài viết, đủ thể loại về chú của thời từ yahoo qua gmail. Nay đăng bài này, với những cột mốc chính trong sự nghiệp, để nhớ một con người Nam bộ rất "khí - Dũng"...

Chiếc ghế chủ tịch VFF chưa bao giờ dễ đoán như thời điểm đầu năm 2014 khi chỉ có một ứng viên duy nhất là ông Lê Hùng Dũng. Nhưng cũng lần đầu sau 8 năm (tương đương 2 nhiệm kỳ V-VI), một ứng viên lại nhận được nhiều hi vọng từ không ít người hâm mộ, giới chuyên môn như ông Lê Hùng Dũng. Tính cách, vị thế khiến ông Dũng thời điểm ấy được hi vọng sẽ là người cầm ngọn cờ đầu, tập trung nhân – vật lực để giúp bóng đá Việt Nam thoát đáy trước khi… thủng đáy.

Cố chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Người giúp bóng đá Việt Nam “thoát đáy” - Ảnh 2.

Cố chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Mạnh mẽ, quyết liệt

Một trong những cái thiếu của không ít lãnh đạo VFF giai đoạn trước đó là tính cách mạnh mẽ, quyết liệt trong xử lý công việc. Nói một cách khác, ai hô hào (trước ống kính máy quay) cũng giỏi nhưng khi đụng chuyện thì luôn chọn phương pháp "dĩ hòa vi quý" hoặc phương châm "im lặng là vàng".

Nguyên nhân không quá khó để có thể đoán định: Giữ chắc cái ghế mình đang ngồi bởi "quyền" đi liền với "lợi". Càng "dính" sâu vào mối quan hệ nhì nhằng với các CLB, các mối quan hệ phức tạp ngoài công việc thì không ít quan chức bóng đá càng "nhũn" và rất khó xử lý mạnh tay khi có sự cố.

Ông Lê Hùng Dũng rất khác. Ông Dũng chính là lãnh đạo bóng đá hiếm hoi có những phát biểu rất thẳng thắn các vấn đề gai góc của bóng đá Việt Nam, từ vấn đề V.League, trọng tài, đội tuyển quốc gia, vấn đề nhân sự như HLV, cầu thủ trên đội tuyển… Không khó hiểu khi mạnh mẽ, gai góc là tính cách của con người ông từ những ngày tuổi thơ khốn khó, cho đến quá trình lập nghiệp trải qua nhiều thử thách và nhiều vị trí thuộc hàng đỉnh ở các công ty đỉnh như SJC, Eximbank. Trước khi chính thức đảm nhiệm vai trò chủ tịch VFF, ông Dũng không ngại phát biểu: "Tôi cũng xác định nhiệm kỳ này có khi tôi phải "chịu đòn"" hàm ý việc có thể ông sẽ bị cho "ăn đá" từ nhiều phía, hay "bóng đá Việt Nam đang xuống, ghế chủ tịch VFF chẳng thơm tho gì".

Sẵn tính cách, tình yêu bóng đá và vị thế xã hội (thông qua những thành công trong kinh doanh), ông Dũng không ngại đụng chạm khi tham gia bóng đá. Đấy chính là điều người hâm mộ chờ đợi ở một người lãnh đạo con tàu bóng đá Việt Nam đã chạm đáy sau những thất bại đáng hổ thẹn của ĐTQG Việt Nam (không vượt qua vòng bảng AFF Cup 2012) lẫn U23 Việt Nam (không vượt qua vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 2013).

Thay ông Nguyễn Trọng Hỷ làm quyền chủ tịch VFF từ tháng 12/2013, ông Dũng để lại không ít những dấu ấn đúng chất tính cách của mình: Quyết định chuyển tiền thưởng của tuyển U23 Việt Nam cho ĐT nữ Việt Nam tại SEA Games 2013, kêu gọi tài trợ (khoảng 12 tỷ đồng) cho ĐT nữ Việt Nam trong hai năm 2014, 2015, sát cánh ủng hộ bầu Đức chăm lo lứa U19, khởi động lại trung tâm đào tạo trẻ…

Đặc biệt nhất là việc ông Dũng mạnh tay trong công tác trọng tài. Ngày từ đầu mùa giải 2014, ông đã chỉ đạo "cất kho" 6 trọng tài, đồng thời tuyên bố treo thưởng cho trọng tài nào dám tố cáo tiêu cực trong mùa giải mới. Khi mùa giải bắt đầu, hàng loạt trọng tài "không được mời hợp tác" (treo còi), nhiều cầu thủ nhận án phạt nguội được người hâm mộ đánh giá cao. Tiếp đó, ông là người quyết định mời ông Tanabe Koji làm trưởng giải V.League 2014. Không khó để nhận thấy dấu ấn của ông Dũng trong các quyết định này.

Đây là những vấn đề hết sức gai góc của bóng đá Việt Nam. Khi bầu Kiên còn tại ngoại, vấn đề trọng tài được ông "dồn" ráo riết, kịch liệt yêu cầu VFF phải ra tay chấn chỉnh nhưng tất cả chỉ thay "bình" chứ không thay được "rượu": Giải tán Hội đồng trọng tài, thay bằng Ban trọng tài còn lời ca thán trọng tài vẫn đầy khắp các sân. Nhưng dưới thời ông Dũng, hàng loạt trọng tài "không được tiếp tục mời làm nhiệm vụ" bởi những sai lầm trong các trận đấu.

VFF và VPF xích lại gần nhau hơn cũng từ những hành động như trên. Bởi đã rất nhiều lần, VPF đề nghị VFF chỉ đạo làm mạnh tay với các vấn đề trọng tài, bạo lực sân cỏ,… nhưng đều chưa nhận được phản hồi thỏa đáng, đến mức VPF từng muốn "xin" đưa Ban kỷ luật và Ban trọng tài dưới sự điều hành của VPF nhưng không thành. Hậu quả kéo theo là hình ảnh các giải đấu ngày càng xuống, mất giá trong mắt các nhà tài trợ. Hành động mạnh tay chấn chỉnh của ông Dũng chính là hành động cụ thể nhất trong giai đoạn "chạm đáy", qua đó xây dựng lại niềm tin cho người hâm mộ, nhà tài trợ với bóng đá Việt Nam.

Giàu cảm xúc

Có một điều khá thú vị ở ông chủ nhà băng Eximbank này là bên cạnh tính cách mạnh mẽ, quyết liệt ông còn là người giàu cảm xúc và không ngại bày tỏ cảm xúc của mình. Nhiều người người theo mảng bóng đá ít nhất chứng kiến 3 lần ông Dũng… khóc: Sau thất bại của ĐT Việt Nam ở Tiger Cup 1998, sau khi ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008 (tiền thân là Tiger Cup) và khi nhận chức chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) năm 2008.

Khai mạc giải bóng đá quốc tế U19 2014 trên sân Thống Nhất, ông Dũng cũng khiến không ít người ngạc nhiên khi… la lên sau khi có bài phát biểu khai mạc. Kết thúc trận đấu, ông tâm sự: "Đứng trước bầu không khí cuồng nhiệt như vậy, tôi không giấu được cảm xúc hưng phấn, xúc động của mình. Hình ảnh sân Thống Nhất lâu rồi mới chật cứng khán giả đển ủng hộ, lại là ủng hộ đội tuyển trẻ khiến tôi cảm kích".

Trên khán đài ở giải quốc tế U19 2014, trong hàng ghế quan chức, không khó để thấy ông Dũng cùng bầu Đức là hai nhân vật liên tục đứng lên, ngồi xuống theo từng đường bóng của các cầu thủ U19 Việt Nam. Có lẽ, như ông nói, bóng đá tình yêu của ông từ thời ông còn cùng bạn đồng trang lứa chạy theo quả bóng bằng rơm rạ trên các sân bóng làng ở An Giang…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem