Cơ cực xóm kẹo kéo giữa Sài Gòn hoa lệ

Chủ nhật, ngày 04/11/2012 13:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong hẻm nhỏ lầy lội lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng cao cấp, chừng ấy con người của xóm kẹo kéo là chừng ấy hoàn cảnh, chừng ấy mảnh đời mà không bút mực nào có thể diễn tả hết.
Bình luận 0

Vào những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, bước vào nghề kẹo kéo không ai không biết và nể phục bốn cái tên: Sơn “xiếc”, Địa, Hải, Long, không chỉ vì họ là những người khởi xướng nên nghề kẹo kéo ở TP.HCM mà còn bởi cái tâm làm nghề của họ. Không ít kẻ đầu trộm đuôi cướp về đầu quân bán kẹo kéo cho họ đã trở thành người lương thiện và có cuộc sống chân chính.

Thời thế đổi thay, bộ tứ ấy giờ đây cũng rệu rã. Kẻ đổi nghề, người bôn ba, người còn lại cũng rơi vào hoàn cảnh “bỏ không được mà không bỏ cũng không xong.”

Ông “bầu” sa cơ

img
Chân dung ông “bầu” kẹo kéo

Xóm kẹo kéo nằm lọt thỏm trong con hẻm lầy lội 604/15E đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, giữa dự án Sunrise City (đường Nguyễn Hữu Thọ) và khu dân cư Trung Sơn với những tòa nhà cao tầng, biệt thự… cạnh rạch Ông Lớn. Cảnh hai bên càng hiện đại, sạch sẽ và kiên cố bao nhiêu càng làm nổi bật cái nhếch nhác, tạm bợ của xóm kẹo kéo nói riêng và người dân nơi đây nói chung.

Nhà của ông “bầu” kẹo kéo Trần Vương Long là căn lều khá nhất trong ba căn lều của xóm kẹo kéo, dựng theo kiểu nhà sàn, bốn phía đóng tôn, rộng chừng 10m2. Đồ vật đáng giá nhất trong căn nhà có lẽ là chiếc tivi đời cũ với cái đầu đĩa bạc thếch và trầy trụa. Một tủ quần áo, một chiếc bàn xếp chất đầy sách vở của cô con gái út và bày la liệt kẹo cao su. Tôi tự hỏi không biết họ xoay xở như thế nào để vợ chồng con cái có thể ngả mình được vào buổi đêm.

Mười mấy năm theo nghề kẹo kéo, ông Trần Vương Long đã nhận và đào tạo không biết bao nhiêu chàng trai nghèo đam mê ca hát nhưng không có điều kiện học hành. Người thì đến với ông vài tháng học nghề rồi ra riêng, người thì làm một hai năm để kiếm chút vốn, người thì gắn bó lâu năm như Điền, Thiện, Bi với đủ chuyện vui buồn, sướng khổ. Chừng ấy con người là chừng ấy hoàn cảnh, chừng ấy mảnh đời mà không bút mực nào có thể diễn tả hết.

Khác với hình dung của tôi, “bầu” Long có gương mặt hiền từ, ánh mắt lúc nào cũng khắc khổ như ẩn chứa quá nhiều thăng trầm của cuộc sống mà một con người đã lăn lộn, từng trải, từ thượng vàng đến hạ cám.

Cách nói chuyện và suy nghĩ của người đàn ông 48 tuổi này gợi cho người đối diện cảm giác ông là người đầy trách nhiệm và nhiều nỗi lo, bởi ông không chỉ bận tâm cho cuộc sống của gia đình mình mà còn lo nghĩ cho cuộc sống của những người lao động nghèo.

Dường như, nghề kẹo kéo vận vào ông như một cái nghiệp chứ nếu bản thân ông được giữ một trách nhiệm nào đó có lẽ đời sống của người lao động sẽ được chăm chút hơn.

Trong câu chuyện với tôi, ông luôn tự hào khoe về truyền thống cách mạng của gia đình để rồi sau đó, ông luôn tự trách mình đã không đạt được thành công như bố mẹ kỳ vọng mà phải lăn lộn mưu sinh ở đất Sài Gòn.

Mỗi khi về lại Cần Thơ thăm người mẹ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, ông chẳng bao giờ dám kể với mẹ rằng ông sống ở thành phố và kiếm cơm bằng nghề kẹo kéo. “Đây là nghề chân chính, tôi không tủi nhục nhưng tôi sợ mẹ tôi lo lắng và thêm bệnh”, ông chia sẻ.

Trần Vương Long đặt chân lên TP.HCM từ năm 25 tuổi và bôn ba khắp nơi làm đủ nghề để kiếm sống, từ bốc xếp, làm hồ, mua bán cây giống. Cuộc sống khấm khá dần, ông mở trại làm cây giống ở tỉnh Bình Thuận, niềm vui chưa được bao lâu thì trại cây giải thể, ông lại về TP.HCM cùng vợ buôn bán rau củ quả tại bến Chương Dương.

Năm 2000, đại lộ Đông Tây khởi công, căn nhà của vợ chồng ông ở bến Chương Dương thuộc diện giải tỏa. Cầm số tiền đền bù trên tay, ông lúng túng không biết làm gì. Nghe người bạn giới thiệu, ông sang quận 7 mua một mảnh đất ven sông và dựng tạm vài phòng trọ cho dân lao động thuê để kiếm đồng ra đồng vào trang trải chi phí sinh hoạt và chuyện học hành cho con.

Cũng chính cuộc sống nơi dãy trọ này đã đẩy đưa ông gặp anh Hải kẹo kéo. Thấy ông có hoàn cảnh cơ cực, phải gồng gánh nuôi con ăn học, anh Hải đã không ngần ngại truyền nghề và còn nhường luôn Điền, đệ tử ruột của anh lại cho ông.

Học được một năm thì ông mạnh dạn vét số tiền đền bù còn lại sắm sửa đồ nghề và bắt đầu thu nhận đệ tử. Mỗi bộ đồ nghề gồm một chiếc xe máy cũ, tuy cà tàng nhưng máy móc phải ngon lành, rồi thùng, loa, đĩa, âm-pli chỉnh âm cùng một vài thứ lặt vặt khác. Tưởng đơn giản vậy nhưng mỗi bộ đồ nghề cũng ngốn mất của ông từ 15 đến 20 triệu đồng.

Hỏi sao lúc ấy ông lại chọn nghề kẹo kéo? Ông cười buồn bảo, khi nhà bị giải tỏa, mất thế buôn bán, ông cảm thấy lúng túng, không biết làm gì để kiếm sống. Thấy nghề kẹo kéo hay hay, nghĩ rằng sẽ kiếm sống đắp đổi qua ngày được nên quyết định làm chứ ông không nuôi mộng làm giàu, kiếm chác từ việc bóc lột sức lao động của người khác.

Tùy sức và khả năng của từng người mà có bữa bán nhiều bán ít, ông không bao giờ bắt ép hay ra quy định mỗi bữa phải được bao nhiêu. “Trung bình mỗi bữa, tôi có khoảng 500 ngàn đồng từ việc đi bán của các đệ tử, lo chi phí ăn uống cho gia đình và các đệ tử cũng gần hết phân nửa, rồi tiền điện, nước mỗi tháng, thuốc thang cho anh em mỗi khi ốm đau, chuyện học hành của con cái. Những tháng mưa, anh em không đi bán được, mình cũng phải lo cơm nước đàng hoàng chớ đâu bỏ anh em được”, ông bộc bạch.

Bám trụ với nghề

img
 
img
“Bếp ăn” ngoài trời, những căn lều lụp xụp nơi xóm kẹo

Mười mấy năm theo nghề kẹo kéo, ông đã nhận và đào tạo không biết bao nhiêu chàng trai nghèo đam mê ca hát nhưng không có điều kiện học hành. Người thì đến với ông vài tháng học nghề rồi ra riêng, người thì làm một hai năm để kiếm chút vốn, người thì gắn bó lâu năm như Điền, Thiện, Bi với đủ chuyện vui buồn, sướng khổ.

Chừng ấy con người là chừng ấy hoàn cảnh, chừng ấy mảnh đời mà không bút mực nào có thể diễn tả hết. Từng mảnh đời cơ cực ấy cộng sinh trong một môi trường sống buồn vui lẫn lộn, mà nếu không có tình thương, lòng bao dung và định hướng của ông Long, hẳn họ đã không thể vượt qua được. Không ít lần biết đệ tử qua mặt mình với đủ trò, đổ không đủ xăng, lấy thêm kẹo bên ngoài để bán, ông đều nhắm mắt cho qua, bởi theo ông, “nó cũng có cái khó của nó”.

Cá biệt có cậu bé quê ở Phú Yên theo ông từ năm 14 tuổi, làm nghề được 2 năm thì “cuỗm” luôn cái xe của ông đem về quê. Nó bị công an bắt ngay sau đó. Ông tiền vay bạc hỏi, cùng Điền ra tận Phú Yên chuộc xe và bảo lãnh cho nó về với gia đình. Biết nó giờ đây đã ổn định cuộc sống, nghề nghiệp đàng hoàng, ông không khỏi vui mừng trong lòng.

Chính cách làm nghề tận tâm, yêu thương “đệ tử” như con cái trong nhà nên có khá nhiều “lính” của các bầu kẹo kéo khác biết tiếng, xin “gia nhập” đội quân kẹo kéo của ông nhưng ông đều từ chối, bởi theo ông: “Làm thế là cướp mất chén cơm của người ta”. Đó cũng chính là lý do khiến Điền đã đôi lần nghĩ đến việc ra làm riêng cũng đành gác lại bởi: “Tình thầy trò mười mấy năm gắn bó, cực khổ vất vả có nhau, giờ chú đang gặp khó khăn, mình ra riêng coi không được”. Mỗi khi nói về ông, Điền, Thiện, Bi đều dành cho ông niềm kính trọng rất đặc biệt, hơn cả tình cha con.

Rồi những Nghĩa, Trường… cùng nhiều cái tên mà ông không thể nào nhớ hết, dù ở TP.HCM hay ở tỉnh, còn hoặc không còn trụ với nghề kẹo kéo, thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông. Người có điều kiện hơn thì dịp Tết lại về thăm. Những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy đã động viên và an ủi ông, giúp ông bám nghề đến hôm nay.

Tôi rời xóm kẹo kéo lúc xế trưa, trời lại lất phất mưa. Điền đã lủi đi đâu mất. Sát nhà ông Long, một chiếc ghe máy chở đầy dừa và chuối đang từ từ cập bến. Tiếng người í ới gọi nhau ra giở trái cây lên bờ. Tôi những tưởng mình đang ở một miền quê nào đó. Nhưng đấy không còn là miền quê yên ả như người ta vẫn nghĩ mà đầy nặng về nỗi lo miếng cơm manh áo.

Ông bảo có những lúc thấy nản quá muốn “giải nghệ” để tìm một việc khác, nhưng mỗi khi nghĩ đến đó ông lại thấy không yên lòng. Ba anh em Điền, Thiện, Bi sẽ ra sao? Những lúc ông túng quẫn, họ cũng đã sẵn lòng giúp đỡ, giờ làm thế chẳng khác nào đẩy người ta vào đường cùng. “Một thân một mình thì không sao, còn vợ con chúng nó nữa. Thôi thì, ngày nào anh em tụi nó còn muốn làm nghề thì tôi vẫn làm”.

Theo nghề từng ấy năm, căn nhà nhỏ của ông ở quận 4 để dành cho thuê lấy tiền nuôi con ăn học cũng bay theo những lần chuộc xe kẹo kéo. Đó cũng là điều khiến ông buồn tủi và cắn rứt nhất. Hỏi bây giờ ông mong ước điều gì nhất? Ông cười buồn bảo có đến ba mơ ước. Một là mong nhà nước có chính sách gì đó hỗ trợ người lao động nghèo, đặc biệt là những người buôn gánh bán bưng để họ có thể ổn định cuộc sống. Hai là con cái học hành tới nơi tới chốn, có cuộc sống đỡ vất vả hơn ông. Ba là mảnh đất nơi ông ở không còn thuộc diện quy hoạch treo nữa để có thể dựng cái nhà đàng hoàng hơn cho mấy anh em ở.

Tạm kết

Kế bên lều của ông Long là hai chiếc lều của vợ chồng Thiện, Bi với đứa con lên hai. Hai căn lều này cũng được dựng theo kiểu nhà sàn nhưng bốn phía che bằng bạt nhựa, nên trong lều lúc nào cũng lờ nhờ tối. Lều trống huơ trống hoác, chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo.

Bếp núc, rổ rá và chén dĩa đều để ở ngoài trời. Trong 3 đệ tử của ông thì chỉ duy nhất có Điền là chưa có gia đình. Tôi nghĩ không phải như Điền vẫn tự ti “ai thèm thương em chị ơi”, mà bởi cái cảnh nghèo ấy đã khiến Điền ít nhiều ngại nghĩ đến chuyện vợ con.

Tôi rời xóm kẹo kéo lúc xế trưa, trời lại lất phất mưa. Điền đã lủi đi đâu mất. Sát nhà ông Long, một chiếc ghe máy chở đầy dừa và chuối đang từ từ cập bến. Tiếng người í ới gọi nhau ra giở trái cây lên bờ. Tôi những tưởng mình đang ở một miền quê nào đó. Nhưng đấy không còn là miền quê yên ả như người ta vẫn nghĩ mà đầy nặng về nỗi lo miếng cơm manh áo.

Viết đến đây, tôi cứ nuôi trong lòng mình tia hy vọng, một ngày nào đó, những con người lao khổ, phải bôn ba nơi này có được một mái nhà vững chãi, một công việc chỉ phụ thuộc vào bản thân họ để con cái họ được học hành đến nơi đến chốn và có được cuộc sống đỡ vất vả hơn cuộc sống của cha mẹ nó bây giờ. Liệu hy vọng ấy có xa xôi quá chăng?

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem