Sắp chốt mùa đại hội cổ đông, khối doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn chưa xuất hiện điểm sáng. Cổ đông vẫn khóc ròng vì tỷ lệ cổ tức thấp và giá cổ phiếu rớt thê thảm.
Tất cả đều tốt, trừ cổ phiếu
Địa ốc Hoàng Quân (mã HOSE: HQC) trong nhiều năm, luôn là tâm điểm của các kỳ đại hội cổ đông vì những con số báo cáo rất “đẹp” nhưng lợi nhuận thường xuyên èo uột khiến cổ đông ngán ngẩm. Năm 2013, HQC chia cổ tức ở mức 3% tiền mặt. Cổ đông thở dài, lãnh đạo doanh nghiệp trình phương án tăng vốn điều lệ “khủng” trong năm 2014 cùng doanh thu thuần 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng và mức cổ tức đầy hứa hẹn 7%.
Không như lời hứa, đến cuối năm 2014, HQC thông báo cho cổ đông việc trả cổ tức vẫn là 3% bằng tiền mặt. Tức là mỗi cổ phiếu, cổ đông được nhận vỏn vẹn 300 đồng. Bấy giờ, Chủ tịch HĐQT HQC Trần Quốc Tuấn lại đặt mục tiêu hoành tráng cho năm 2015 là doanh thu dự kiến 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận 320 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần năm 2014. Đi kèm với đó là mức cổ tức hứa hẹn mới: 8%. “Nếu không đạt mức lợi nhuận và cổ tức cam kết, tôi sẽ từ chức”-chủ tịch Tuấn “nói cứng” trước cổ đông.
Đến hẹn, cổ đông lại hăm hở nườm nượp đi đại hội, đạt đến con số hơn 76% tổng số cổ đông. HQC lại trình báo cáo rất đẹp, trong đó lợi nhuận tăng hơn gấp 4 lần năm trước. Cổ đông dự họp thay vì nhận quà như mọi năm, được nhận thêm phong bì 500 nghìn đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp phấn khởi thông báo chia cổ tức ở mức 8%. Tuy nhiên, cổ đông lại thở dài, vì lần chia cổ tức này không có tiền mặt mà được quy đổi bằng cổ phiếu.
Cổ đông rầu rĩ vì dù mức cổ tức cao nhưng giá cổ phiếu HQC đã rớt thê thảm và “găm” ở mức 5.700 đồng/cổ phiếu, lùi sâu về mốc dưới mệnh giá. Mức này, chỉ còn chưa đến phân nửa thời điểm chủ tịch Trần Quốc Tuấn bán 2 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2011.
Cổ đông quan ngại giá cổ phiếu quá “bèo bọt” và yêu cầu giải thích. Ông Tuấn trần tình do tác động của thị trường. Trong năm, tất cả hoạt động đều tốt nhưng chỉ có giá cổ phiếu là chưa thể vực dậy được. “Chúng tôi luôn khao khát cổ phiếu HQC trở lại mệnh giá 10.000 đồng nhưng vẫn mắc nợ cổ đông vì chưa thực hiện được. Hy vọng đến tháng 3.2017 có thể hoàn thành nhiệm vụ này”- ông Tuấn nói.
Như để khẳng định lời hứa, vị chủ tịch thông báo đích thân mình sẽ mua vào lượng lớn cổ phiếu HQC trong thời gian tới. Bất chấp các động thái từ lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông vẫn hiện hữu mối lo về kế hoạch tăng vốn và kinh doanh trong thời gian tới.
Vẫn là… chờ đợi và hy vọng
“Mua cổ phiếu Phát Đạt bây giờ là khôn ngoan, bảo đảm lời lớn. Giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh trong thời gian tới”- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đạt của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) nói với nhà đầu tư lẫn báo chí giữa năm 2015, khi doanh nghiệp ở giữa tâm điểm với món nợ 3.600 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á. Bất chấp sự lạc quan của chủ tịch Đạt, giá cổ phiếu PDR vẫn thuộc vào loại “ế đau ế đớn” trên thị trường chứng khoán.
Một loạt giao dịch lớn ngay sau đó liên tiếp xuất hiện. Tuy nhiên, cũng không mấy cải thiện “sức khỏe” của doanh nghiệp. Đơn giản, lãnh đạo doanh nghiệp có vẻ như tạo thanh khoản ảo. Hàng triệu cổ phiếu được giao dịch, nhưng bên bán là “con”, bên mua là “cha” hoặc ngược lại. Như kiểu tiền được bỏ từ túi này sang túi kia.
Kỳ đại hội cổ đông 2014, Phát Đạt không chia cổ tức. Đến năm 2015, tỷ lệ cổ tức được chia là 5% bằng cổ phiếu. Nhà đầu tư ngán ngẩm vì hai năm liền không nhận được tiền mặt trong khi cổ phiếu rớt giá. Đến năm 2016, cổ đông đã được chia cổ tức năm 2015 là 5%, bằng tiền, tương đương dành 100,9 tỷ đồng. Gương mặt chủ tịch Đạt có phần giãn ra đôi chút, ông đã cười tươi hơn.
Một loạt con số báo cáo hoành tráng được đệ trình. Nhưng cổ đông vẫn không an tâm, chất vấn HĐQT nguyên nhân vì sao giá cổ phiếu PDR đã có thời điểm tăng trên 20.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó đã giảm lại, hiện chỉ ở mức dưới 15.000 đồng/cổ phiếu. Ông Đạt cho rằng giá cổ phiếu giảm vì ảnh hưởng từ vụ lùm xùm của ngân hàng Đông Á. Đến thời điểm hiện nay thì đã có rất nhiều ngân hàng mong muốn hợp tác đầu tư với PDR. Năm 2016, sẽ có cơ hội cho cổ phiếu tăng trưởng. Điều này được dự báo dựa trên những kỳ vọng về kết quả kinh doanh và tình hình tài chính lành mạnh. “Cổ phiếu sẽ tăng được trên mức 20.000 đồng/cổ phiếu”-ông Đạt lại “tự” dự báo.
Có lẽ, ông chủ Phát Đạt có cơ sở tự tin vì đầu năm 2016 doanh nghiệp đã có cú bắt tay với “ông lớn” An Gia và Quỹ Creed Nhật Bản cho ra mắt dự án khủng 500 triệu USD. Đó cũng là cơ sở để cả lãnh đạo lẫn cổ đông hy vọng. Tuy nhiên, với những khoản nợ lớn và lượng tồn kho bất động sản luôn dẫn đầu thị trường tại TP.HCM, nhiều cổ đông cho biết vẫn chưa thể kỳ vọng vào một cú “thoát xác” ngoạn mục của doanh nghiệp trong tương lai gần. Sức khỏe của Phát Đạt và lợi nhuận cho cổ đông vẫn còn phải chờ đợi và hy vọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.