Vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũiđang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau khi chị Phạm Thị Diễm H. (quê Long An) tử vong vì phẫu thuật nâng mũi, còn nhiều câu hỏi cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Như Dân Việt đã thông tin, chị Phạm Thị Diễm H đã tử vong đêm 16/3 sau hơn 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi.
Theo thông tin ban đầu, ngày 14/1/2022 chị Phạm Thị Diễm H thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi.
Chị H thực hiện phẫu thuật nâng mũi tại ngõ 147A phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội. Nhưng người thực hiện thủ thuật nâng mũi là anh Nguyễn Sỹ G. – không phải là chủ nhà, mà chỉ mượn địa điểm để phẫu thuật thẩm mỹ. Sau đó, chị H hôn mê phải đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi có những dấu hiệu vi phạm quy định trong hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Phẫu thuật thẩm mỹ là một chuyên ngành phẫu thuật liên quan đến việc phục hồi, tái thiết hoặc thay đổi cơ thể con người. Đó có thể là phẫu thuật tạo hình bao gồm phẫu thuật sọ não, phẫu thuật tay, phẫu thuật vi phẫu và điều trị bỏng.
Loại thứ hai là phẫu thuật thẩm mỹ: trong khi phẫu thuật tạo hình nhằm mục đích tái cấu trúc một bộ phận của cơ thể hoặc cải thiện chức năng của nó, phẫu thuật thẩm mỹ nhằm mục đích cải thiện vẻ ngoài.
Hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ thường được thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ được cấp giấy phép theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, có hai hình thức hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ.
Thứ nhất là các cơ sở chăm sóc sắc đẹp do UBND quận, huyện cấp giấy phép kinh doanh và quản lý hoạt động. Những cơ sở này không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu.
Thứ hai là Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép và quản lý trực tiếp. Các Phòng khám này chỉ được làm các tiểu phẫu cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, má lúm đồng tiền, … Những phẫu thuật thẩm mỹ gây mê đều bắt buộc phải làm ở bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ.
Từ vụ cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi, phẫu thuật thẩm mỹ trái phép bị xử phạt ra sao?
Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thời gian qua, đã xuất hiện nhiều địa điểm không được cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ nhưng vẫn tiếp nhận tư vấn, thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Ở góc độ pháp lý, cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tới 50 triệu đồng.
Theo luật sư Lực, khoản 6, Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo khoản 7, Điều 39, Nghị định 117.
"Trường hợp người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh để xảy ra tai biến trong khám, chữa bệnh có thể căn cứ xử lý theo Điều 76 Luật Khám chữa bệnh" - luật sư Lực cho biết thêm.
Luật sư Lực cũng nhận định rằng, trong vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi tại Hà Nội, cơ quan chức năng sẽ làm rõ cơ sở tại ngõ 147A phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội có được cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay không.
Người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi là Nguyễn Sỹ G. có đầy đủ giấy phép hành nghề, có thực hiện đúng các quy định pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh, hoạt động chuyên khoa thẩm mỹ hay không.
Vụ việc cô gái 22 tuổi quê Long An thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi đã xảy ra hậu quả tử vong, nên hiện nay cơ quan Công an đã tiếp nhận vụ việc để xác minh làm rõ.
Theo quy định pháp luật, nếu cơ sở thẩm mỹ hay người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ gây hậu quả chết người hoặc tổn thương về sức khỏe khách hàng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 315 Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Dựa vào vụ việc cụ thể có thể bị tăng nặng hình phạt lên tới 15 năm tù giam. Ngoài ra, nười phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của dân sự 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.