Cô gái Đắk Lắk đẹp như hoa hậu trở thành nữ tiếp viên trưởng ở tuổi 21

Hạ Nhiên Thứ tư, ngày 19/08/2020 09:02 AM (GMT+7)
Trở thành nữ tiếp viên trưởng của một hãng bay có tiếng, Khánh Linh được nhiều người ngưỡng mộ.
Bình luận 0

img

Tống Khánh Linh - nữ tiếp viên trưởng ở tuổi 21 

Tống Khánh Linh (sinh năm 1998, quê Đắk Lắk) là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm thời gian gần đây khi trở thành tiếp viên trưởng của hãng Pacific Airlines ở tuổi 21. Con đường theo đuổi công việc tiếp viên hàng không của Khánh Linh có nhiều điều bất ngờ thú vị từ việc học tập, thi cử, rèn luyện kỹ năng làm việc trên bầu trời, cho đến những chiêm nghiệm về nghề vốn được cho là “sang chảnh” và giàu có này.

Khánh Linh từng được gia đình định hướng thi vào đại học rồi làm một công việc nhà nước ổn định. Cơ duyên nào khiến bạn tự lái mình theo con đường trở thành tiếp viên hàng không?

Mình với nghề giống như người yêu, định mệnh cho cả hai gặp nhau đúng người, đúng thời điểm nên cứ vậy mà tới thôi. Mình thích sự năng động, thoải mái, được làm đẹp mà nghề tiếp viên hàng không lại có hết những điều đó.

img

Cô nàng đạt thành tích đáng nể trong quá trình học làm tiếp viên hàng không

18 tuổi, Linh đã bắt đầu công việc trên bầu trời. Quá trình xin việc và thi tuyển để trở thành một tiếp viên hàng không có khác biệt nhiều so với những nghề khác?

Mình nhớ thời điểm có thư mời phỏng vấn, việc đầu tiên mình làm là lên Google tìm hiểu về hãng mình thi tuyển. Mình đọc tất cả những thông tin về hãng để hiểu được nơi mình sắp làm việc như thế nào.

Sau đó, mình vào các diễn đàn Facebook để tìm hiểu về khâu thi tuyển, lên YouTube xem Vlog hướng dẫn trả lời câu hỏi phỏng vấn sao cho thú vị… Mình thấy mạng xã hội cực kỳ hữu ích, muốn biết gì chỉ cần lên đó tìm là ra.

Trước ngày thi, mình chuẩn bị kỹ trang phục, hồ sơ theo yêu cầu của hãng. Và điều quan trọng nhất khi đi phỏng vấn là sự tự tin, tỉnh táo và chỉn chu. Giám khảo có ấn tượng rất tốt với những thí sinh tự tin bởi, tiếp viên hàng không là nghề giao tiếp nhiều nên mạnh dạn, tự tin là quan trọng nhất.

Trúng tuyển vào hãng rồi, bạn phải học những gì để trở thành một tiếp viên hàng không chuyên nghiệp?

Thời gian đào tạo cả lý thuyết và bay thực tập là khoảng 3 tháng. Mình học những môn chuyên ngành như an toàn bay, an ninh hàng không, sơ cứu y tế, chính sách và quy định công ty, an toàn sân đỗ, trang điểm, trang phục, tác phong làm việc. Riêng hãng mình thì hoàn toàn miễn phí phí đào tạo.

Mình thấy thời gian đào tạo cực kỳ căng thẳng, ngang ngửa với lúc ôn thi đại học. 100% kiến thức là tiếng Anh, lượng kiến thức nhiều và khó nên khi đi học phải cực kỳ tập trung. Môn nào cũng phải làm bài kiểm tra, trượt thì làm lại. Đến khi bay thực tập, mình cũng khá lạ lẫm, phải quan sát và học hỏi rất nhiều.

img

Đối với Khánh Linh, làm tiếp viên hàng không không hề khó như mọi người nghĩ

Theo Khánh Linh, theo đuổi một nghề được cho là “đắt giá” như tiếp viên hàng không thì khó khăn lớn nhất là gì?

Với mình, khó khăn lớn nhất trong đời làm tiếp viên hàng không là thời gian đào tạo cơ bản nên phải nỗ lực rất nhiều, ăn uống đầy đủ, duy trì sức khoẻ tốt để chịu được áp lực.

Còn thi để trở thành tiếp viên hàng không không khó. Nghề này không đòi hỏi nhiều nhưng cần sự phù hợp và vì nó khá “hot” nên tỉ lệ cạnh tranh cao chứ thực ra, tiếp viên hàng không chỉ là một nghề, đâu có nghề nào cao quý hơn nghề nào.

Đặc thù công việc tiếp viên hàng không cần có ngoại hình, chiều cao, ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và kỹ năng mềm nên cần sự phù hợp chứ không quá khó khăn như mọi người nghĩ.

Làm việc cũng khá lâu, Linh thấy điểm hài lòng nhất khi làm công việc này là gì? Phải chăng là mức lương khá hơn so với mặt bằng chung của xã hội?

Thật ra, nghề tiếp viên hàng không không quá sang chảnh đâu và mức lương cũng rất bình thường, chỉ nhỉnh hơn chút so với mặt bằng chung.

Riêng mình thấy nghề tiếp viên hàng không không hề cực khổ, kiểu rất thoải mái về đầu óc, không có deadline, không cần chạy doanh số… và môi trường làm việc thì rất linh hoạt, mỗi ngày bay với một tổ khác nhau, được đi nhiều nơi, không gò bó.

Cái mà mình thích nhất ở nghề là được đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Chưa kể, làm nghề này mình được học cách chăm sóc, làm đẹp cho bản thân…

img

Cô nàng yêu nghề vì thấy bản thân hợp với nghề

Vậy theo bạn áp lực lớn nhất của công việc này là gì?

Thứ nhất là tiếp viên hàng không phải duy trì sức khoẻ ổn định để luôn tỉnh táo trên mỗi chuyến bay. Dù đã có quy trình chung nhưng mỗi chuyến bay luôn phát sinh các vấn đề to, nhỏ do yếu tố con người, nhất là khi có khẩn nguy, tiếp viên hàng không phải cực kỳ tỉnh táo mới giải quyết được.

Thứ hai là về thời gian làm việc. Mình phải sắp xếp thời gian của bản thân dựa trên lịch bay chứ không được chủ động. Đặc biệt là những giai đoạn bay cao điểm hoặc dịp lễ Tết, mình thấy tủi thân vì không được sum họp cùng gia đình.

Thứ ba là về khách hàng. Nghề tiếp viên hàng không là “làm dâu trăm trọ” vì tụi mình đâu được lựa chọn khách hàng, phải biết cách ứng xử ra sao cho phù hợp với các đối tượng khách hàng đến từ nhiều vùng miền khác nhau, văn hoá khác nhau…

Nhìn chung thì vẫn không có quá nhiều áp lực (cười).

img

Khánh Linh tự tin thi tuyển vị trí tiếp viên trưởng khi vừa bước sang tuổi 21

Khánh Linh từng gặp sự cố lớn nào trong quá trình bay?

Gần đây nhất là trên chuyến bay của mình có một vị khách bị bỏng vì đổ cốc mỳ. Chị ấy mặc quần ngắn nên nước sôi đổ trực tiếp vào chân, vết bỏng nặng và đau. Chị ấy khóc dữ lắm.

Chuyến bay đó không có bác sĩ nên tụi mình trực tiếp xử lý, làm theo quy trình đã được đào tạo. Chị ấy khóc không ngừng, bỏng trên máy bay nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng dưới mặt đất nên khâu xử lý y tế cực kỳ quan trọng. Tụi mình sơ cứu cẩn thận rồi khi máy bay chuẩn bị hạ cánh thì mình đề xuất với khách là gọi xe cứu thương. Khoảnh khắc đưa chị ấy từ máy bay ra ngoài, thay đổi môi trường nhiệt độ, chị ấy la dữ lắm vì đau quá.

Sau đó mấy ngày, mình nhắn tin hỏi thăm khách hàng về vết bỏng thì chị ấy kể rằng, bác sĩ nói tiếp viên sơ cứu quá tốt chứ không thì hỏng rồi. Mình thở phào nhẹ nhõm.

Người ta nói, tiếp viên hàng không là nghề dịch vụ nhưng đó chỉ là một phần. Thực chất, tiếp viên hàng không được đào tạo để đảm bảo an toàn, an ninh cho hành khách trên chuyến bay. Bao nhiêu kiến thức học được chủ yếu để áp dụng cho những ca như vậy nên nếu không làm tốt, mình sẽ thấy rất có lỗi.

img

Vẻ ngoài chững chạc của nữ tiếp viên xinh đẹp

Để trở thành tiếp viên trưởng, Khánh Linh đã trải qua những cuộc thi thế nào?

Trong quá trình bay, mình luôn cố gắng làm việc chuẩn nhất có thể, không vi phạm hay có phản ánh tiêu cực gì từ khách hàng và cấp trên. Những bài kiểm tra hàng năm, mình cố duy trì trên 90/100 điểm.

Đến thời điểm bay được khoảng hơn 2000 giờ bay, mình thấy bản thân đã sẵn sàng cho bài thi trở thành tiếp viên trưởng, phần khác là muốn thử sức mình. Thú thật thì khi đó mình đã nghĩ là, chẳng ai làm tiếp viên trưởng ở tuổi này cả (21 tuổi).

Có 2 vòng thi là làm bài kiểm tra và phỏng vấn. Bài kiểm tra gồm 4 môn: an toàn, an ninh, sơ cứu y tế và dịch vụ. Đạt trên 85% thì đỗ (mình đạt 98/100 điểm).

Đỗ vòng này rồi thì sang vòng phỏng vấn, mình được hỏi về kinh nghiệm bay, xử lý tình huống… Mình đỗ cả hai vòng, sau đó được học một hoá đào tạo nâng cấp, cũng bay thực tập trong khoảng 4 đến 6 tuần. Và mình chính thức bay với vị trí tiếp viên trưởng.

img

img

"Mình nghĩ nghề nào cũng vậy, đã đi làm thì nên xác định có được có mất, nhất là đừng nên mơ hồ về nghề nghiệp mình chọn lựa"

Với những gì đã chia sẻ, có vẻ như với Linh, việc học, thi và làm công việc của một tiếp viên hàng không khá nhẹ nhàng?

Thật ra, muốn thi tiếp viên hàng không, chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ, đừng chỉ nhìn vào cái tốt đẹp của nó mà hãy xem cả mặt trái phía sau. Nếu cảm thấy bản thân phù hợp thì cứ mạnh dạn thi vì đã là đam mê thì dù khó khăn thế nào đi nữa, mình vẫn sẽ tìm được lý do để ở lại với nó.

Nhiều bạn nhắn tin hỏi mình: “Em thích làm tiếp viên hàng không lắm nhưng không biết bắt đầu từ đâu” hoặc “Thích làm tiếp viên hàng không lắm nhưng tiếng Anh không tốt, sức khoẻ không tốt, mắt cận, rồi gia đình không đồng ý”…

Thay vì đợi người khác trả lời cho, các bạn nên tự tìm hiểu và khắc phục những gì còn thiếu. Tiếng Anh không tốt thì học, sức khỏe không tốt thì rèn luyện, mắt cận thì mổ… Yếu tố gia đình rất quan trọng nhưng cuộc sống là của mình, mình phải tự quyết định và chọn lựa.

Mình nghĩ nghề nào cũng vậy, đã đi làm thì nên xác định có được có mất, nhất là đừng nên mơ hồ về nghề nghiệp mình chọn lựa.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem