Cô gái đẹp bị gã trai độc ác tạt axit năm 15 tuổi đã nổi tiếng ra sao?

Thứ tư, ngày 05/06/2019 20:00 PM (GMT+7)
Đối mặt với nỗi đau khủng khiếp khi mới 15 tuổi, Laxmi Agarwal (Ấn Độ) không gục ngã mà còn trở thành người nổi tiếng.
Bình luận 0

Vì bị từ chối lời cầu hôn, người đàn ông 32 tuổi nhẫn tâm tấn công cô gái xinh đẹp Laxmi Agarwal bằng axit. Sự tức giận nhất thời ấy đã khiến Laxmi mang gương mặt bị hủy hoại suốt cuộc đời.

Nhưng cô không ngồi yên trong bóng tối mà nỗ lực trở thành gương mặt đại diện của làng thời trang Ấn Độ, truyền cảm hứng cho những nạn nhân đồng cảnh ngộ.

Giấc mơ trở thành ca sĩ vụt tắt sau cơn đau đớn tột cùng

Năm 15 tuổi, Laxmi Saa (sinh năm 1990 tại Delhi, Ấn Độ) nuôi ước mơ mang tiếng hát đến cho mọi người. Tuy nhiên, cô không được cha mẹ ủng hộ. Thời điểm đó, chương trình truyền hình thực tế Thần tượng Ấn Độ đang tạo ra cơn sốt.

img

Nhan sắc của Laxmi trước khi bị tấn công axit. Ảnh: Huffpost.

Laxmi chia sẻ với gia đình về ý định tham gia cuộc thi. Ngay lập tức cô bị gia đình từ chối và đưa ra lời khuyên: "Thay vì mơ mộng hãy tìm công việc làm thêm nào đó thực tế hơn". Trước sự phản đối của cha mẹ, cô gái nhỏ tìm cách theo đuổi ước mơ bằng cách trở thành nhân viên tại hiệu sách chợ Khan (Delhi, Ấn Độ), kiếm tiền để học hát.

Trong thời gian làm việc tại đây, một người đàn ông 32 tuổi để ý đến cô vì vẻ ngoài xinh đẹp. Anh ta tỏ tình qua điện thoại: “Anh yêu em! Hãy làm vợ anh”, và liên tục khủng bố tin nhắn khi Laxmi không trả lời. Cô không hề hay biết rằng kẻ vừa nói yêu thương với cô lại đang âm mưu kế hoạch độc ác. Hai ngày sau khi Laxmi phớt lờ, hắn gọi điện và nói: “Laxmi, anh biết em muốn làm điều gì đó và khiến cha mẹ tự hào. Hãy chờ xem”.

Một câu nói bình thường tưởng chừng như chẳng có ý nghĩa đe dọa nào lại khơi mào cho ngọn lửa đốt cháy khuôn mặt cô. Nhớ lại ngày định mệnh, cô chia sẻ: “Ngay khi tôi nghĩ mọi thứ ổn rồi, anh ta sẽ không bám đuôi nữa thì 10h45 phút ngày hôm sau, cuộc đời tôi trải qua đau đớn cùng cực. Hắn xuất hiện cùng với một người phụ nữ. Họ mang theo chai bia và chiếc ly nhỏ, giống như sẽ uống mừng điều gì đó. Nhưng tôi không biết 'ly bia chúc mừng' đó lại mang đến cho tôi nỗi thống khổ. Tôi chuẩn bị bước lên xe buýt, chỉ còn cách một bước chân, người phụ nữ đẩy ngã, sau đó họ ném axit vào tôi. Ý thức tôi mất dần, dường như chuyện đã xảy ra là trong giấc mơ chứ không phải thật”.

Sự việc diễn ra quá nhanh khiến Laxmi không kịp nhận biết hoàn cảnh của mình, cô chỉ thấy đau đớn tột cùng và hôn mê. “Cơn đau khiến tôi dần lấy lại ý thức và kêu cứu. Nhưng chẳng ai đến giúp. Tôi nằm đó, cả cơ thể như bị đốt cháy, mắt mờ đi và đầy tuyệt vọng”, cô nhớ lại.

Sau đó, một người đàn ông qua đường giúp cô gọi cấp cứu. “Tôi nhìn làn da của mình bong tróc khỏi tay, khỏi mặt. Địa ngục có lẽ cũng chỉ đau đớn và khủng khiếp đến thế”, Laxmi nhớ lại ký ức kinh hoàng.

Lời châm biếm của xã hội và sự quản lý lỏng lẻo của Ấn Độ

Sau cuộc tấn công, Laxmi phải trải qua 7 cuộc phẫu thuật để có được ngoại hình hiện tại. “Sau hai lần phẫu thuật, nhìn vào gương tôi thấy bản thân mình xinh hơn lúc đầu, nhưng cũng không thể xua đi cảm giác khuôn mặt trước đây sẽ chẳng bao giờ quay trở lại. Tôi đã bị tàn phá. Ý nghĩ tự tử nảy sinh trong đầu. Một vài người hàng xóm thì thầm vào tai cha mẹ tôi rằng sao không tiêm một mũi thuốc để tôi chết đi còn hơn sống cuộc đời “quái vật” như vậy”, Laxmi kể lại.

img

Dù mất đi ngoại hình xinh đẹp, Laxmi không ngừng vượt qua nỗi đau, đấu tranh vì những nạn nhân đồng cảnh ngộ. Ảnh: CNN.

Cô đau đớn thừa nhận: “Người đàn ông đó có thể giết tôi một lần, nhưng xã hội lại hết lần này đến lần khác tấn công và đẩy tôi vào vực thẳm tuyệt vọng”.

Sau đó, một người đàn ông qua đường giúp cô gọi cấp cứu. “Tôi nhìn làn da của mình bong tróc khỏi tay, khỏi mặt. Địa ngục có lẽ cũng chỉ đau đớn và khủng khiếp đến thế”, Laxmi nhớ lại ký ức kinh hoàng.

Bỏ ngoài tai những lời đả kích, gia đình vẫn luôn ở bên động viên cô, nhất là người cha. Ông đã giúp Laxmi nhận ra rằng chẳng có gì là không thể trong thế giới này.

Năm 2006, Lamxi đệ đơn kiện công khai lên Tòa án tối cao để tìm kiếm lệnh cấm bán axit. Năm 2013, tòa án ra phán quyết yêu cầu người mua axit phải xuất trình chứng minh thư và đưa ra lý do để tránh các vụ tấn công. Nhưng bất chấp những đạo luật, axit vẫn được bán công khai và dễ dàng mua được tại Ấn Độ.

Từ nạn nhân trở thành gương mặt đại diện của thời trang Ấn Độ

Bên cạnh việc công khai gửi đơn tố cáo, Laxmi và gia đình cũng lên tiếng kiện người đàn ông 32 tuổi và cô gái đồng phạm đã gây ra tội ác. Hung thủ bị kết án 10 năm tù. Lần đầu tiên đối mặt với kẻ gây án, Laxmi nói: “Tôi không nhìn thấy sự hối hận nào trên khuôn mặt của anh ta. Đứng trước vành móng ngựa, anh ta vẫn nói về tình yêu và một mực với thẩm phán rằng sẽ cưới tôi dù thế nào đi nữa”.

Khi một khán giả hỏi cô có sợ người đàn ông đó không vì anh ta sắp mãn hạn tù, cô không ngần ngại tuyên bố: “Anh ta hãy biết sợ tôi dần đi. Tôi sẽ đấu tranh để những kẻ như vậy không còn tồn tại”.

Sau khi trải qua những cuộc phẫu thuật, Laxmi dần bình phục và trở thành một trong những người đi đầu cho chiến dịch chống bán axit tại Ấn Độ. Trong thời gian làm việc với tổ chức từ thiện, Laxmi đã gặp Alok Dixit. "Anh ấy không giống những người đàn ông khác. Alok nổi bật và cống hiến cho cộng đồng. Tôi cảm mến anh ấy từ đó”, cô tâm sự.

img

Laxmi tìm thấy hạnh phúc bên Alok Dixit và có với nhau một cô con gái. Ảnh: Daily Mail.

Dù vậy, cô vẫn tự ti về ngoại hình của mình. Điều kỳ diệu đã đến, 3 tháng sau khi gặp nhau, cả hai thừa nhận tình cảm và tiến tới hôn nhân. Tháng 4/2014, Laxmi đã làm mẹ một bé gái kháu khỉnh tên Pihu.

“Giây phút tôi và con gái nhìn thấy nhau, tôi đã biết con bé đặc biệt. Ngoại hình của tôi không gây ảnh hưởng gì cho con. Hạnh phúc được làm mẹ không thể nói lên lời”, Laxmi vui vẻ chia sẻ.

Năm 2016, người phụ nữ 26 tuổi được hãng thời trang Viva N Diva nổi tiếng của Ấn Độ mời làm gương mặt đại diện vì câu chuyện truyền cảm hứng của cô. Cùng năm đó, Laxmi sải bước trên sàn catwalk tại khách sạn Hilton Waldorf trong buổi trình diễn thời trang để nâng cao nhận thức về bạo lực đối với phụ nữ.

“Cơ hội này giúp tôi gửi tới những nạn nhân đồng cảnh ngộ sự tự tin và can đảm sống tiếp dù điều gì có thể xảy ra. Axit có thể khiến chúng ta mất đi ngoại hình nhưng không thể phá hủy tâm hồn sâu thẳm bên trong”, Laxiam nói với BBC.

Thiên Nhan (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem