1. Đòn ghen sau mối tình với thiếu úy công an
Ngày 1/1/2019 trong căn nhà 3 tầng ở Đà Nẵng, ông Lê Quốc Vũ kê lại bàn ghế, pha ấm trà. Ngày đầu năm mới nhưng gia đình ông lại có chuyện không vui. Hôm nay, theo lời con rể, nhà thông gia sẽ đến để bàn chuyện ly hôn của con gái và con rể ông.
Trong khi đó, trên tầng 2, Lê Thị Lan Vy (SN 1995), con gái ông đang thay quần áo. Hôm nay gặp gia đình hai bên, muốn ăn mặc lịch sự nên chị khoác thêm chiếc áo vest khá dày. Chị không ngờ rằng, chiếc áo này đã giúp chị thoát khỏi phần nào tai ương ập đến chỉ vài phút sau đó.
10h10 phút, Vy nghe thấy tiếng xe quen của chồng dừng trước cửa nhà bố mẹ đẻ, chị bước xuống cầu thang.
Vy vừa bước xuống, nỗi sợ hãi đã ập đến. ‘Cứ thấy anh ta là tôi sợ’, Vy nói. Chị đi nhanh xuống khu vực bếp, nơi bố mẹ đã sắp xếp bàn ghế để nói chuyện với thông gia. Ông Vũ kéo ghế 2 bên đối diện ra, bảo Vy và chồng ngồi nói chuyện.
Tuy nhiên Vy linh tính điều không lành, chị không ngồi hẳn, mà đi rót nước uống. Bố Vy sợ con rể đánh con gái mình nên vẫn đứng phía sau chị. Khi Vy vừa đưa cốc nước lên, chồng cô bất ngờ tiến sát. Với tay qua vai bố vợ, hắn nắm lấy vai Vy kéo lại. Vy bị kéo ngược ra sau. Trong tích tắc đó, người chồng hất thẳng một thứ chất lỏng đựng trong chai vào mặt chị.
Một cơn bỏng rát thấu xương chảy dài bên nửa mặt Vy. Vy ngồi sụp xuống, gào thét.
Còn một ít trong chai, người đàn ông từng thề non hẹn biển sẽ che chở cho chị suốt đời, lạnh lùng hất hết vào người chị. Trong tiếng thét của con gái, vợ chồng ông Vũ cũng bị dính axit, như chết lặng.
Theo phản xạ vô điều kiện, ông lao vào đánh trả kẻ tấn công con gái mình và lôi hắn ra khỏi nhà bởi ông lo hắn sẽ dúi con gái ông lần nữa xuống vũng axit đang ngổn ngang dưới nền nhà.
Hàng xóm chạy qua, người gọi công an, người gọi cấp cứu. Không một ai biết cách sơ cứu chính xác cho nạn nhân đang quằn quại trong đau đớn. Một người phụ nữ tạt nước vào nạn nhân để làm dịu cơn rát, một người khác lại ngăn lại: ‘Bị axit không nên tạt nước’. Họ hoảng loạn, nền nhà đầy axit không ai dám bước vào.
Một người hàng xóm là bác sĩ có mặt tại đó đã liều mình đi qua nền nhà loang lổ axit bế người phụ nữ mới tròn 24 tuổi ra phía ngoài. Những người khác lao vào dùng kéo cắt quần áo để ngăn dòng axit lan ra người chị.
Xe cấp cứu đến. 3 nạn nhân nhanh chóng được đưa thẳng đến khoa Bỏng, BV đa khoa Đà Nẵng trong tiếng gào khóc, hoảng loạn.
Đó là ngày 1/1/2019, Lan Thị Lê Vy, một phụ nữ xinh đẹp đã bị chồng tạt axit vào người. Để rồi sau đó, chị phải trải qua 9 cuộc phẫu thuật và chưa có lần cuối để tìm lại phần nào hình hài đã mất.
Trên giường bệnh với khuôn mặt không còn nguyên vẹn, Lê Thị Lan Vy kể về cái ngày họ quen nhau: ‘Năm 2016, khi tôi làm việc ở shop quần áo gần nhà, tình cờ anh ta, Nguyễn Trương Nam Hải (SN 1995, thiếu úy công an) đến mua quần áo. Sau lần đó, anh ta tìm facebook của tôi. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện, tìm hiểu nhau…’.
‘Hơn nửa năm quen nhau, anh ta thể hiện là một người đàn ông giỏi giang, quan tâm tới người yêu. Tôi bắt đầu nghĩ đến những chuyện xa hơn…’, Vy kể tiếp.
Bởi vậy khi anh ta đề nghị đăng ký kết hôn, Vy đang là sinh viên một trường đại học, chị vẫn gật đầu đồng ý…
Nhưng sau khi đăng ký kết hôn, chồng chị bắt đầu bộc lộ những đức tính, hành vi khiến chị bất ngờ.
‘Bất cứ cái gì tôi làm không vừa ý là anh ta đổi sắc mặt. Tôi luôn sống trong tâm lý sợ hãi. Cãi nhau một chút, đang chở nhau đi ngoài đường, anh ta rú ga, chửi tục văng bậy’, Vy nói.
Tháng 6/2018, Vy đi làm trực tổng đài cho một tập đoàn viễn thông, mọi thứ ngày càng khiến chị bất an.
‘Chỉ cần tôi đứng nói chuyện với đồng nghiệp nam, anh ta có thể lao vào đánh người ta. Bất cứ ai là người khác giới bình luận khen tôi xinh đẹp trên facebook anh ta đều chửi rủa, đe dọa. Không ai dám lại gần tôi. Lúc nào anh ta cũng sờ vào điện thoại, kiểm soát tất cả mọi tài khoản cá nhân của tôi’.
Nhưng đỉnh điểm của sự việc là những trận đòn giáng xuống người chị chỉ vì ghen tuông đã đưa Vy đến quyết định chia tay.
‘Anh ta đánh đến nỗi tôi không thể đi làm. Sau mỗi lần đánh, anh ta lại quỳ lạy xin tha thứ, thề độc ‘nếu anh đánh em nữa sẽ bị trời tru đất diệt’. Đồng thời anh ta nói với bố tôi: ‘Vy không lấy được con cũng sẽ không lấy được ai’. Nhưng tôi vẫn kiên quyết nói lời kết thúc. Anh ta giả vờ đồng ý để có cuộc gặp ngày 1/1 kia và hôm đó anh ta đã lên một kế hoạch…’, Vy bật khóc.
Vào viện sau khi bị tạt axit, Vy mê man, nói với bố mẹ: ‘Thôi, con không cần chữa trị nữa’.
‘Lúc đó, tôi mất hết hi vọng. 24 tuổi, tôi tìm được công việc đúng sở thích. Cách đây 3 năm, từ 80 kg tôi giảm xuống 46 kg. Có ngoại hình, tôi tự tin và rất yêu đời. Nhưng rồi cuộc đời tôi quay về con số 0, thậm chí còn dưới 0’, chị nói.
Mẹ Vy chứng kiến cảnh đó, bà bị sang chấn tâm lý, suốt 1 tuần không ăn không ngủ. Bố Vy chạy theo bác sĩ chỉ nhắc đi nhắc lại một câu ‘Xin cứu con tôi’.
‘Tôi sốc lắm nhưng nhìn cảnh đó tôi phải cố mạnh mẽ để bố mẹ yên tâm. Tôi biết bố khóc nhiều, chỉ là không phải trước mặt con. Một lần, nhắm mắt nhưng chưa ngủ, tôi nghe tiếng ông nghẹn ngào. Lòng tôi quặn thắt…’.
Vy trải qua 9 lần phẫu thuật. Axit hủy hoại mí mắt khiến một bên mắt chị không thể nhắm suốt 3 ngày. Các bác sĩ phải tiểu phẫu tạo mi mắt chị mới có thể nhắm lại để có giấc ngủ.
Tháng đầu tiên, bố mẹ Vy cách ly tất cả các vật dụng để chị không thể thấy gương mặt mình. ‘Điện thoại, thậm chí tủ nhôm có thể phản chiếu mặt… ông bà cũng phải di chuyển. Một lần sang khoa khác, trong phòng vệ sinh có gương, tôi mới nhìn được hình hài của mình. Đau và sốc’, Vy nói.
Theo điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, Nguyễn Trương Nam Hải (SN 1995, là thiếu úy công an công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Đà Nẵng) có quan hệ yêu đương, đã tổ chức đám hỏi và đăng ký kết hôn với Lê Thị Lan Vy (SN 1995, cùng ngụ quận Thanh Khê).
Do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, ngày 1/1/2019, Hải có hành vi tạt axit lên người vợ sắp cưới.
Trong lần giám định đầu tiên, thương tích của Vy được xác định là 19% do Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng thực hiện.
Do vết thương phức tạp, Vy được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia để điều trị. Tại đây, công an đã trưng cầu giám định lần 2, kết quả thương tích là 46% do Viện Pháp y Trung ương thực hiện.
Ngày 9/1, Công an quận Thanh Khê đã khởi tố vụ án đồng thời tạm giam đối với Hải để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Đến ngày 10/5, cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ vụ án, chuyển sang VKSND cùng cấp. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, GĐ Công an TP Đà Nẵng cho biết, Công an TP đã tước quân tịch, cho ra khỏi ngành đối với Hải.
2. 21 lần phẫu thuật của cô giáo bị chồng tạt axit
Ngày 24/3/2018, hai mẹ con chị Đặng Thị Thanh Huyền (SN 1985, Gia Lâm, Hà Nội) bị chồng khoá cửa, nhốt trong nhà. Điện thoại của chị, anh ta ném vỡ tan. Buổi chiều ngày hôm đó, bố chị không liên lạc được với con gái, ông sang tận nhà xem tình hình ra sao.
Bố đến, chị dứt khoát: ‘Con không ở với anh ta thêm được nữa’.
Khi chị Huyền đang gấp quần áo cho vào vali, chồng chị xuống tầng 1 cầm can axit 2 lít lên tầng 2 - nơi hai bố con chị đang nói chuyện. Anh ta hắt can axit vào một bên mặt chị. Số axit còn lại trong can, anh ta tàn nhẫn đổ ụp xuống đầu chị.
Toàn bộ cảnh tượng xảy ra trước mặt con gái chị - lúc ấy đang học lớp 2. Cô bé gào khóc, rồi chạy xuống nhà tìm người giúp. Bố chị đứng đó bất lực nhìn con gái đau đớn.
Sau đó, chị ngất lịm đi và bất tỉnh 5 ngày trong bệnh viện.
Trước đó, họ đã ly hôn vào tháng 10/2017. Sau khi ly hôn, anh ta vẫn qua lại nhà vợ để thăm con gái và tìm cơ hội hàn gắn.
Gia đình thuyết phục, thương con gái thiếu vắng bố, chị đồng ý cho anh ta thêm cơ hội để chăm lo cho 2 mẹ con.
Tuy nhiên, quay lại sống chung được 1 tuần, chị Huyền nhận thấy bản chất anh ta vẫn không thay đổi. ‘Chồng tôi kiểm soát vợ đến mức anh ta xin nghỉ việc để ở nhà ‘trông coi’ vợ’, chị kể.
Ngày đó, chị Huyền là giáo viên tiếng Anh, vừa dạy ở trường cấp 2, chị vừa dạy thêm ở trung tâm.
‘Cứ 9 rưỡi tối là anh ta tịch thu điện thoại của tôi. Tôi đi dạy, anh ta đòi đưa đi đón về. Đỉnh điểm là anh ta khoá trái cửa, giấu chìa khoá, không cho tôi ra khỏi nhà vào những hôm không đi dạy. Anh ta còn đến nơi tôi công tác đập phá, gây rối. Lúc đó, tôi nghĩ đúng là anh ta muốn triệt con đường sống của mình, vì thế tôi quyết định đường ai nấy đi’.
Thế nhưng, sai lầm lớn nhất của chị lại là cho anh ta thêm một cơ hội, để rồi phải chịu nỗi đau như chết đi sống lại.
‘Bạn tưởng tượng chiếc túi ni-lon bị hơ lửa, sun vào như thế nào thì cơ thể tôi lúc ấy như thế’. chị Huyền nhớ lại.
Tỉnh lại sau 5 ngày, chị mới bắt đầu cảm nhận được nỗi đau. Bác sĩ dự đoán đến 90% chị sẽ không qua khỏi. Gia đình đã chuẩn bị tâm lý để đưa chị về nhà.
Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Chị dần hồi tỉnh và bình phục cả về thể chất lẫn tinh thần. Suốt 4 tháng, chị phải ăn qua ống xông, cắm ống thông tiểu, chưa nói được thành tiếng.
‘Bố tôi phải cắt từng sợi phở đút cho tôi như cho trẻ con tập ăn vì tôi bị tổn thương vùng họng. Nhìn thấy mọi người ăn cơm rất thèm’, chị nói.
Lúc ấy, cổ chị không gập xuống được, một vành tai bị mất và bác sĩ lo rằng chị sẽ bị mất một bên mắt.
Sau 2 tháng, chị được chuyển xuống khoa Phục hồi chức năng. Đó là những ngày tháng đầy máu và nước mắt với người phụ nữ 34 tuổi. Các vết thương bắt đầu co kéo, mắt chị bị hếch lên không nhắm lại được. Chị phải tập luyện ngay khi vết thương chưa lành hết, vì nếu đợi lành vết thương sẽ bị cứng, không vận động được.
21 ca phẫu thuật mà chị đã trải qua, lần nào cũng đau đớn nhưng nguy hiểm nhất có lẽ là ca phẫu thuật ghép da đầu do lúc đó chị vẫn đang bị hở sọ, miệng co kéo.
‘Tôi không được nhìn cảnh ấy nhưng được nghe các chị kể lại. Tôi phải đặt nội phế quản, máu ở má và mắt bật ra. Các chị nhìn qua camera thấy xót xa, bật khóc theo’.
Những tháng đầu tiên, chị bị băng bó gần như kín mặt. Lần đầu tiên chị lờ mờ hình dung được khuôn mặt biến dạng của mình là sau 4 tháng, khi bắt đầu dùng điện thoại trở lại.
Suốt cuộc trò chuyện, chị nhiều lần bật khóc khi phải nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng nhất cuộc đời mình. ‘Bác tôi có tiền sử huyết áp cao. Khi nghe tin tôi bị như vậy, bác mất. Nhưng gia đình giấu, đến tận 5 tháng sau mới cho tôi biết’, chị nhớ lại.
3. Những ngày tháng kinh hoàng nhất cuộc đời
Động lực khiến chị vực dậy chính là nhờ tình yêu thương của các bác sĩ, của bố mẹ và cô con gái luôn mong mẹ về nhà.
Chị Huyền trước ngày xảy ra biến cố
Chị còn nhớ, những ngày vẫn còn đang trong tình trạng nói không thành câu, con gái nhớ mẹ quá, bố chị phải gọi điện từ bệnh viện về nhà để hai mẹ con kết nối với nhau mặc dù chị chẳng nói được gì nhiều.
‘Sau khi sự việc xảy ra, con nghỉ học 1 tuần. Lúc đi học trở lại, bạn bè hỏi mẹ Thái Hà đã đỡ chưa là con bé oà khóc. Thời gian đó, nghe mọi người kể, đêm nào con cũng rơi nước mắt, đòi mẹ’, người phụ nữ ấy lại khóc.
Hiện tại, chị Huyền đang được tạo hình từng bước để lấy lại phần nào khuôn mặt ban đầu. Các bác sĩ lấy phần da ở lưng để đắp lên khuôn mặt chị, và lấy phần da từ đùi đắp lên phần ngực. Hiện tại, vạt da trên mặt chị vẫn đang được ‘nuôi’, sau đó hút mỡ dần để nhỏ lại.
Chị nói: ‘Tôi cố quên hết chuyện cũ, kể cả anh ta, người đã gây ra bi kịch cho tôi ngày hôm nay. Mối quan tâm lớn nhất của tôi là cố gắng tìm lại cơ thể cũ để bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi mong muốn lại được chăm lo cho con gái và quay trở lại với công việc của mình’.
‘Có một người bạn, tuần nào cũng tặng tôi bó hoa hướng dương. Đây là loài hoa tôi yêu thích nhất vì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào nó cũng luôn hướng về mặt trời’.
4.Niềm tin sắt đá của người đàn bà tuổi 40
Buổi sáng thứ Hai ngày 25/7/2005. Khi vừa bước ra khỏi cổng, chị Nguyễn Thị Kim Loan bị một đối tượng tạt thẳng axit vào mặt, thương tật 64 %. Người tạt axit đã bức xúc với kết quả xét xử của toà về vụ án dân sự tranh chấp đất đai do chị làm chủ tọa.
Khuôn mặt chị Loan trước khi bị tạt axit
Thời điểm đó, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan đang được quy hoạch bổ nhiệm vị trí Phó chánh án Toà án nhân dân quận Đống Đa. Cũng vào tuần đó, chị biết điểm thi trúng tuyển Cao học. Những cột mốc rực rỡ nhất trong sự nghiệp đang đến với chị nhưng chuyện đau lòng đã xảy ra.
Tưởng rằng mọi cánh cửa đã khép lại, nhưng sau 9 năm vật lộn với 41 cuộc phẫu thuật, chị quay trở lại với công việc vào năm 2014 và hiện đang là Phó Tổng biên tập Tạp chí Toà án nhân dân.
Sau ngày gặp nạn, chị được giám định pháp y với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn lên tới 64%. Chị nói, ở thời điểm ấy, y học chưa phát triển như bây giờ.
61 ngày đêm điều trị vết bỏng ở Viện Bỏng Quốc gia, chị mới chỉ thoát ‘án tử’. Nhưng trong suốt quãng thời gian ấy, khi bắt đầu tỉnh táo, chị đã mày mò tự học tiếng Anh với dự định sẽ sang nước ngoài để điều trị.
Dung mạo chị Loan sau 41 ca phẫu thuật
Chuyến đi đầu tiên sang Singapore, bác sĩ cho chị về vì vết sẹo vẫn còn mới. 2 tháng sau, chị sang phẫu thuật lại phần mắt. Cứ thế, chị bắt đầu hành trình lấy lại khuôn mặt ở các bệnh viện khắp trong Nam ngoài Bắc, từ Singapore tới Thái Lan, cho đến giờ chị không nhớ hết mình đã đi tới bao nhiêu bệnh viện, gặp bao nhiêu bác sĩ.
Chị mày mò tìm hiểu hết các bệnh viện lớn và uy tín nhất khu vực về phẫu thuật tạo hình. Chị sang Singapore để tập phục hồi chức năng khuôn mặt. Chị tìm gặp các bác sĩ giỏi nhất Việt Nam để thực hiện từng ca phẫu thuật đúng chuyên môn của bác sĩ đó. Chị liên tục nhắc đến những cái tên: bác sĩ Vũ Quang Vinh, Trần Thiết Sơn, Phan Quốc Anh, Bạch Minh Tiến... Mỗi người trong số đó đều có những đóng góp đáng kể tạo nên khuôn mặt chị ngày hôm nay.
Ngày gặp nạn, chị 40 tuổi. Con gái chị vừa tròn 2 tuổi.
‘Khi tôi điều trị bỏng xong, con gái gặp tôi nói: ‘Đây không phải mẹ Loan. Mẹ Loan xinh cơ!’. Tôi đã chạy vào nhà vệ sinh oà khóc’.
Xót xa là thế nhưng sau khi biến cố xảy ra, chị không hề mảy may hận thù những kẻ đã hại mình – vốn là các đối tượng trong một vụ tranh chấp đất đai mà chị xét xử.
Chị dành hết thời gian và sức lực để lấy lại dung mạo và sức khoẻ như ngày xưa. Chị có một niềm tin mãnh liệt rằng, nếu mình bỏ cuộc nghĩa là mình thua những kẻ đã hại mình. Chị chưa bao giờ có một phút hối hận về phán quyết của mình trong vụ án đó. ‘Chị tin rằng mình không làm gì sai nên sẽ không bao giờ phải chịu hậu quả như vậy’.
Niềm tin sắt đá ấy đã cho chị sức mạnh để vượt qua mọi đau đớn. Đến mức, sau ca phẫu thuật đầu tiên, khi được đẩy ra từ phòng hậu phẫu, miệng chị hô lớn ‘kiên quyết đấu tranh chống tội phạm’. Mọi người tưởng chị bị tâm thần.
Có một đồng nghiệp vào thăm chị đã nói rằng: ‘Em cảm giác rằng nếu trời có sụp xuống chân chị thì cũng không có vấn đề gì’.
Mãi sau này, chị nghe chồng kể lại, một bác sĩ ở Việt Nam đã nói với anh rằng chị còn đôi mắt để nhìn thấy con là tốt lắm rồi. Bác sĩ khuyên anh về nhà tháo hết gương ra, sợ chị nhìn thấy khuôn mặt mình trong gương lại nghĩ quẩn.
Nhưng khi sang Singapore, các bác sĩ đã động viên rằng chị còn rất trẻ, nếu chị hợp tác một cách tích cực, họ sẽ giúp lấy lại 70% khuôn mặt ban đầu cho chị. Các bác sĩ khuyên chị hãy đối diện với thực tế, mỗi ngày hãy ngồi trước gương để tập phục hồi chức năng với khuôn mặt. Họ khuyên chị hãy vừa đi học vừa điều trị, hãy tiếp xúc với cộng đồng, đừng thu mình lại.
Năm 2006, chị quay trở lại học tiếp khoá Thạc sĩ. Mỗi ngày lên lớp, chị lại mặc quần áo kiểu Hồi giáo, kín mít từ đầu đến chân. Cứ thế, chị không bỏ một buổi học nào và tốt nghiệp xuất sắc vào năm 2009.
Có lẽ, những phẩm chất kiên cường và bản lĩnh của một thẩm phán đã giúp chị luôn đạt được mục tiêu mà mình đề ra. ‘Tôi không cho phép mình dừng lại. Nếu tôi đặt mục tiêu ngồi 2 tiếng để tập mặt thì lúc nào cũng phải từ 2 tiếng trở lên, không bao giờ có 1 tiếng 59 phút’.
41 ca phẫu thuật là bao nhiêu đau đớn nhưng chị hợp tác hoàn toàn với các bác sĩ. Xen kẽ những tháng đi học là những ngày tháng chị nằm bệnh viện suốt 9 năm ròng.
Chị tâm sự, nhiều lúc cảm giác khuôn mặt mình giống như một bức tượng điêu khắc, được các bác sĩ cắt gọt không chừa một chỗ nào. ‘Bây giờ chỉ có từ đầu gối xuống chân là tôi không có sẹo’.
Đến tháng 11/2013, chị thực hiện ca phẫu thuật cuối cùng. Năm 2014, chị xin đi làm trở lại. Cơ quan mới, lĩnh vực mới, chị phải học lại từ đầu từ những đồng nghiệp trẻ. 2 năm ở Viện Khoa học xét xử toà án tối cao, chị được phân công xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự. Sau đó, chị được điều động sang Tạp chí Toà án nhân dân cho đến nay.
Chia sẻ về gia đình, chị bảo các con chị biết mẹ bị như thế nên rất ngoan. Còn chồng chị thì ‘không có gì để bình luận’. ‘Anh quá yêu và thương tôi. Tôi vẫn nói đùa rằng anh ấy thuộc diện sách đỏ’.
‘Ngày trước, chồng con tôi hay gọi là ‘mẹ Loan xinh’. Bây giờ vẫn vậy’.
Từ ngày gặp nạn, chị lại được nhiều bạn trẻ tìm đến để xin lời khuyên về việc phẫu thuật, tập luyện. Với tất cả trải nghiệm của mình, chị luôn muốn chia sẻ cho những người cùng cảnh ngộ những kiến thức và kinh nghiệm mà chị đã phải trả giá bằng rất nhiều tiền và bằng chính da thịt mình.
‘Về tinh thần, tôi luôn khuyên các bạn hãy bỏ qua hận thù, đừng nghĩ nhiều đến kẻ đã hại mình, mà hãy dành sức lực ấy để sống tiếp. Càng hận thù, bạn càng làm bản thân mình và gia đình mình đau khổ. Hãy tin tưởng rằng cơ quan pháp luật sẽ có hình phạt thích đáng. Hãy tin vào sự phát triển của y học và quan trọng nhất là tin vào chính mình’.
‘Không có buổi biểu diễn văn nghệ nào của tạp chí mà chị không lên sân khấu. Bây giờ chị chẳng có phút nào để buồn rầu’.
PGS.TS Vũ Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia là người đã trực tiếp phẫu thuật tạo hình cho cả 3 nạn nhân Đặng Thị Thanh Huyền, Lê Thị Lan Vy và Nguyễn Thị Kim Loan.
Chị Loan là ca đầu tiên được anh điều trị sau sau 5 năm học tiến sĩ ở Nhật trở về vào năm 2007. Từ đó cho đến nay, bác sĩ Vinh đã điều trị khoảng 25-30 ca do bỏng axit.
‘Trước khi tôi sang Nhật học, bỏng axit gần như là tổn thương không can thiệp gì được và gần như để lại di chứng suốt đời. Đó cũng là trăn trở mà tôi mang theo sang Nhật, là làm sao để tìm ra chất liệu tạo hình khôi phục lại dáng vẻ của những nạn nhân bị bỏng axit’.
Nói về chị Loan, chị Huyền và Vy, bác sĩ Vinh chia sẻ, họ đều là những người phụ nữ có bản lĩnh và không ngừng hi vọng vào những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. ‘Một điều mà tôi rất khâm phục ở Huyền và Vy là họ muốn dùng những tổn thương của bản thân để gửi đi một thông điệp, lên án những kẻ đang dùng axit để huỷ hoại cuộc đời người khác, cũng như truyền đi nguồn cảm hứng về nghị lực sống cho những người cùng cảnh ngộ’.
5. Kết nối
Bông hoa hướng dương được chị Huyền chọn làm hình ảnh đại diện cho nhóm Facebook Cộng đồng nạn nhân bỏng Việt Nam
1 năm sau ngày xảy ra biến cố, chị Đặng Thị Thanh Huyền vừa thành lập một nhóm kín có tên ‘Cộng đồng nạn nhân bỏng Việt Nam’. Chị muốn tạo dựng ngôi nhà chung giúp các nạn nhân bỏng Việt Nam chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hơn thế, chị muốn câu chuyện của họ được lan truyền để gửi đi thông điệp về việc phản đối loại hoá chất này được mua bán một cách dễ dàng và sử dụng tràn lan trên thị trường.
Lê Thị Lan Vy và chị Nguyễn Thị Kim Loan cũng là thành viên trong cộng đồng này.
Lan Vy chia sẻ, những kẻ sử dụng axit để phá hoại dung nhan của người khác chỉ bị kết án 5-7 năm tù, nếu được cải tạo tốt còn được ra tù sớm hơn. Theo chị, đó là hình phạt quá nhẹ so với việc huỷ hoại cuộc đời của một con người.
‘Như thế này có khác gì giết người? Thà giết người, chúng tôi chết đi còn đỡ đau đớn hơn. Sau hàng chục ca phẫu thuật, ai đảm bảo chúng tôi có thể lấy lại được gương mặt như trước?’, Vy nói.
Khi Toà án nhân dân tối cao lấy ý kiến về việc sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015, chị Nguyễn Thị Kim Loan là người tham gia hội nghị ấy và bản thân chị đã đứng lên nói về việc cần phải sửa đổi Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. ‘Xét tổng thể thì Bộ luật bổ sung thêm axit và hoá chất độc hại vào trong điều luật này. Hình phạt được áp dụng cho người sử dụng axit để gây thương tích cho người khác là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến tù chung thân, nhưng xét riêng từng khoản của điều luật thì có khoản khung hình phạt lại nhẹ hơn luật cũ”.
Chị Loan cũng cho rằng việc quản lý mua bán axit hiện nay còn rất lỏng lẻo. Người mua chỉ cần đưa chứng minh thư là mua được, giá chỉ có vài chục nghìn 1 lít, dẫn đến việc sử dụng axit để hành hung người khác là rất đơn giản.
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang - Thu Hằng (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.