Giúp ND đứng vững trên đôi chân của mình
Chị Phạm Thị Lê (Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM) - giải Nhất Mô hình chăn nuôi bền vững 2011 do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức, là 1 trong 3.100 hộ đang giao sữa bò cho Cô Gái Hà Lan.
|
Một lớp tập huấn nuôi bò sữa cho ND của Cô Gái Hà Lan. |
Chị cho biết: “Ngay từ khi tham gia giao sữa bò cho Cô Gái Hà Lan, tôi đã được hướng dẫn cách chăm sóc bò, xây dựng chuồng trại khoa học. Lâu lâu, công ty cử chuyên gia Hà Lan về truyền kinh nghiệm. Áp dụng những điều được huấn luyện thấy hiệu quả nên tôi làm suốt hơn 10 năm nay”.
10 năm không ngừng nỗ lực với sự hỗ trợ của Cô Gái Hà Lan, gia đình chị Lê nay đã có hơn 70 con bò, trở thành điển hình làm giàu bền vững của ND tham gia vào chuỗi sản xuất của Cô Gái Hà Lan.
Cũng như gia đình chị Lê, năng suất sữa của hàng ngàn hộ giao sữa cho Cô Gái Hà Lan bình quân từ 11,4kg/bò vắt sữa/ngày (năm 2005) nay tăng lên 13,2kg. Chất lượng và vệ sinh nguồn sữa tươi của ND trong chuỗi cung ứng của Cô Gái Hà Lan hiện đã vươn lên hàng đầu khu vực Đông Nam Á với chỉ tiêu tổng tạp trùng trong sữa tươi nguyên liệu hiện đã đạt được mức dưới 300,000 cfu/ml. Đàn bò cung cấp sữa tươi cho Cô Gái Hà Lan từ 18.000 con (năm 2005) nay tăng lên gần 30.000 con.
Ông Lưu Văn Tân - phụ trách chương trình cho biết: “Chúng tôi cho rằng, để hỗ trợ ND bền vững, chỉ có thể bằng cách giúp cho họ tự đứng được trên đôi chân của mình, sản xuất sữa chất lượng cao, bán được giá cao, năng suất cao, thu nhập cao, giảm thiểu chi phí, sản xuất kinh doanh có lãi.
Cô Gái Hà Lan đã và đang tiếp tục các chương trình huấn luyện, đào tạo và hỗ trợ ND nuôi bò sữa nâng cao năng suất, chất lượng sữa, gần đây nhất là các chương trình huấn luyện cách thức quản lý trang trại để nâng cao hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi.
Cô Gái Hà Lan Việt Nam đã đầu tư trên 15 triệu USD cho chương trình này, với đội ngũ kỹ sư bác sĩ thú y, cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp, kiến thức kinh nghiệm được chuyển giao từ hơn 135 năm trong ngành chăn nuôi bò sữa tại Hà Lan”.
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững
Đến nay, tại Bình Dương và các vùng lận cận Củ Chi, Thủ Đức (TP.HCM), Sóc Trăng, Long An đã có hơn 3.100 hộ nông dân nuôi bò tham gia chương trình phát triển ngành sữa của Cô Gái Hà Lan. Việc áp dụng mô hình “Thực hành chăn nuôi bò sữa tốt” theo khuyến cáo của FAO (Good Dairy Farming Practices - GDFP), cùng hệ thống kiểm soát và đảm bảo chất lượng sữa tươi được thiết lập dựa trên nền tảng ISO 22000, với những công cụ kiểm soát chặt chẽ, xuyên suốt trong chuỗi thu mua sữa (từ trang trại đến nhà máy) đã giúp ND ngày càng nâng cao khả năng tự kiểm soát và sản xuất ra sữa tươi an toàn, chất lượng cao, mang đến cho Cô Gái Hà Lan nguồn nguyên liệu sữa chất lượng cao, ổn định với hơn 60.000 tấn/năm. Đây cũng là nền tảng vững chắc để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Với Chương trình Phát triển ngành sữa, Cô Gái Hà Lan đã được Giáo sư Mark Kramer (Đại học Harvard), cha đẻ của thuyết “Tạo lập giá trị chung” đánh giá là “một điển hình xuất sắc, là hình mẫu của việc tạo lập giá trị chung cùng cộng đồng tại Việt Nam”.
Năm 2012, Cô Gái Hà Lan tiếp tục đầu tư mạnh vào Chương trình Phát triển ngành sữa. Chương trình đang triển khai các mô hình hợp tác công tư với chính quyền, người dân và các đối tác tại các địa phương để triển khai thêm dự án phát triển các vùng chăn nuôi bò sữa bền vững ở khu vực phía Bắc
Chương trình đang từng bước góp phần giúp ND “nâng cao trình độ sản xuất ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao”, như Nghị quyết 26 của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã xác định.
Hằng Nguyễn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.