Cô gái lái BMW 140 km/h trong khu đô thị ở TP.HCM, căn cứ để xử lý vi phạm?
Cô gái lái BMW 140 km/h trong khu đô thị ở TP.HCM, căn cứ để xử lý vi phạm?
Quang Trung
Thứ sáu, ngày 15/12/2023 06:48 AM (GMT+7)
Cô gái lái ô tô BMW 140 km/h trong khu đô thị ở TP.HCM rồi quay video đăng lên mạng xã hội bị công an xử phạt 11 triệu đồng, tước bằng lái 3 tháng. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Cô gái lái BMW tốc độ 140km/h ở TPHCM bị xử phạt 11 triệu đồng
Đội CSGT trật tự Công an TP Thủ Đức đã mời cô gái lái ô tô BMW với tốc độ 140 km/h trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) lên làm việc. Sau đó, lập biên bản xử phạt 11 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng về lỗi chạy quá tốc độ.
Người này được xác định tên là N.T.M.D, từng là nhân viên kinh doanh của một hãng ô tô. Bước đầu, D cho biết cô lái xe ô tô BMW với tốc độ 140 km/h trên đường Nguyễn Cơ Thạch (phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức) là để thử xe.
Theo quy định, tốc độ cho phép ô tô lưu thông trên đường Nguyễn Cơ Thạch là 60 km/h nên cơ quan công an đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với D về lỗi điều khiển ô tô chạy quá tốc độ.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h sẽ bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng và tạm giữ phương tiện.
Theo nội dung clip lan truyền trên mạng xã hội, cô gái lái ô tô BMW lao vun vút trên đường với tốc độ 140 km/h và giảm dần khi dừng đèn đỏ. Trong quá trình lái xe, cô gái này còn nói: "Chiếc xe hay phải phụ thuộc vào người lái xe hay. Một chiếc xe hay đưa cho người không biết lái thì cũng như vậy…".
Toàn bộ quá trình lưu thông với tốc độ 140 km/h, cô gái này được người bạn dùng điện thoại ghi lại. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý.
Khoa hành vi vi phạm giao thông lên mạng xã hội, bị xử lý hình sự khi nào?
Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, khoe hành vi vi phạm giao thông trên mạng xã hội, trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi tham gia giao thông mà điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi đưa thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội cũng là hành vivi phạm pháp luật.
Bởi vậy, qua thông tin clip lan truyền trên mạng xã hội, việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối với người vi phạm là cần thiết và có căn cứ.
Căn cứ vào kết quả xác minh, căn cứ vào hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà tùy vào từng trường hợp cụ thể, người vi phạm giao thông đường bộ có thể sẽ bị phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với hành vi vi phạm giao thông đường bộ mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, không có căn cứ cho thấy hành vi có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo ông Cường, Điều 260 Bộ luật hình sự quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp như làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, Điều 260 Bộ luật hình sự còn quy định: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khung 1, khung 2, khung 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, nếu có căn cứ chứng minh rằng hành vi vi phạm giao thông gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đã được ngăn chặn kịp thời, nếu không ngăn chặn kịp thời, hậu quả nguy hiểm tất yếu sẽ xảy ra, vẫn có thể xử lý hình sự mặc dù hậu quả chưa xảy ra.
Còn đối với hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng Internet, đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.
Nếu hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng Internet gây ra tác động tiêu cực cho xã hội, hậu quả được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, tội đưa thông tin trái phép trên mạng Internet hoặc các tội danh khác theo quy định của Bộ luật hình sự.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, trong vụ cô gái lái ô tô BMW với tốc độ 140 km/h, có thể cơ quan chức năng xác định hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, hành vi đưa thông tin lên mạng Internet chưa đến mức gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội nên không xử lý hình sự là có cơ sở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.