Căn bệnh rối loạn sạn sụn bẩm sinh đã khiến Vương Thị Ngọc, 20 tuổi, thôn Đại Đồng Đông, Phú Xuyên, Hà Nội phải gánh một thân hình khác thường cùng bao khó khăn tột cùng. Thế nhưng, em đã vượt lên hoàn cảnh bằng một sức mạnh phi thường, thi đỗ vào Trường đại học FPT với số điểm 58/50.
Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em, Ngọc là con thứ ba và cũng là người kém may mắn nhất khi mắc phải căn bệnh rối loạn sạn sụn - một căn bệnh rất khó chữa.
Tuổi thơ bệnh tật
Bà Vũ Thị Đãm - mẹ Ngọc - đến tận giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ về đứa con tội nghiệp. Gia đình đã nhiều lần đưa Ngọc đi điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Tuy nhiên, các bác sĩ đều lắc đầu ngao ngán vì ngày đó chưa có phương pháp hay loại thuốc nào chữa trị được căn bệnh này.
|
“Cô giáo" Ngọc đang tận tụy dạy học cho các em học sinh trong xóm |
Thế là cả gia đình bà Đãm lại nước mắt ngắn dài bồng bế con về trong nỗi tuyệt vọng khôn nguôi. Cứ mỗi năm nuôi con nằm viện 2 - 3 tháng, ròng rã suốt 4 năm trời, tiền ăn, tiền viện phí đè nặng trên vai đôi vợ chồng bất hạnh. Chính vì thế, ngôi nhà của bà Đãm ngày càng trống huơ trống hoác bởi những đồ đạc cứ nối tiếp nhau “đội nón” ra đi.
Thấy con người ta ngày một khôn lớn, cắp sách đến trường, bà Đãm thấy tủi cho số phận con mình. Cứ trái gió trở trời là người Ngọc lại trào lên những cơn đau đớn, co rút, tê buốt. Mọi sinh hoạt hằng ngày của Ngọc hầu như phải phụ thuộc vào bàn tay của mẹ. Tới tuổi đi học, cho con thỏa nguyện, bà Đãm phải tất tả ngược xuôi để xin các thầy cô nhận Ngọc vào trường.
Từ đó, mẹ và chị gái Ngọc thay phiên nhau cõng em tới lớp. Vì quá nhỏ bé nên Ngọc phải đứng học. Đôi tay yếu ớt phải khó khăn lắm mới cầm nổi được cây bút và nguệch ngoạc được vài nét chữ đầu tiên. Song trái với hoàn cảnh, Ngọc lại học rất giỏi. Dù bất kể ngày nắng, ngày mưa, thậm chí là bão bùng em vẫn đến trường đầy đủ, không chịu nghỉ buổi nào. Hình ảnh cô bé lũn tũn cắp sách đi học đã trở nên quen thuộc với những người dân thôn Đại Đồng Đông. Nhờ nỗ lực đó, suốt 12 năm liền, Ngọc đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.
Xa ngái khát vọng đến trường
Từ khát khao cháy bỏng bước chân vào giảng đường đại học, những ngày cuối cùng trên ghế trung học phổ thông, Ngọc “mài mình” bên trang sách. Năm 2011, em đăng ký dự thi vào 2 trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngặt nỗi, số phận như đùa, không phải bao giờ cũng “xuôi chèo mát mái”.
|
Ngọc đang miệt mài bên trang sách |
Năm ấy, Ngọc thi rớt, em buồn lắm. Tuy nhiên trong sâu thẳm tiềm thức người con gái tật nguyền ấy vẫn luôn “ngự trị” niềm tin ở ngày mai tươi sáng. “Tuy em có buồn, có thất vọng nhưng không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc. Bởi em nghĩ, sự nghiệp học tập là sự nghiệp lâu dài, là sự nghiệp của cả một đời người, không nên chỉ vì chút thất bại nhỏ mà quên đi mơ ước. Thất bại trong quá khứ là để khởi đầu cho thành công ở tương lai” - Ngọc tâm sự.
Trong khoảng thời gian sau khi thi trượt, Ngọc đã mở lớp dạy phụ đạo cho các em học sinh trong xóm ngay tại nhà mình. Học sinh chủ yếu từ lớp 1 - 8, được “cô giáo" Ngọc phụ đạo các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ… Mới đầu chỉ có chưa đầy 10 em theo học, mãi sau, tiếng lành đồn xa, nhiều bậc phụ huynh cũng tin tưởng mà gửi gắm con em mình cho “cô giáo" Ngọc dạy dỗ. Bây giờ số lượng học sinh đã lên tới 20 em, hầu hết đều học hành tiến bộ. Thậm chí nhiều em còn đạt được danh hiệu cao ở các cuộc thi của lớp, của trường.
Chị Nguyễn Thị Thu - phụ huynh của một học sinh - nói trong xúc động: “Trước kia cháu nhà tôi học kém lắm. Tôi cũng cho cháu đi học thêm nhiều nơi nhưng không thấy tiến bộ. Khi biết cô Ngọc có mở lớp dạy học miễn phí, tôi cho cháu theo học thử. Kết quả, sau một thời gian ngắn, cháu đã có sự tiến bộ vượt bậc, vươn lên trở thành học sinh khá, giỏi của trường. Sắp tới đây, khi cô Ngọc nhập học, tôi lo lắm, chẳng còn biết lấy ai dạy dỗ các cháu nữa”.
Mới đây, năm 2012, Ngọc tiếp tục dự thi vào 2 trường đại học mà em mơ ước. Cùng năm đó, em giấu bố mẹ nộp thêm bộ hồ sơ dự thi vào ngành công nghệ thông tin Trường đại học FPT. Thi xong, hồi họp chờ đến ngày có giấy báo kết quả về. Tin như sét đánh ngang tai khi Ngọc lại thi trượt 2 trường đại học yêu thích thêm lần nữa. Những tưởng cánh cổng đại học sẽ khép lại với em vĩnh viễn thì đúng thời khắc tuyệt vọng ấy, Ngọc nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học FPT với số điểm 58/50.
Mẹ Ngọc nói trong nghẹn ngào: “Biết tin đỗ đại học nhưng em nó có cho ai biết đâu. Gặng mãi em mới chịu nói nhưng nó bảo học phí cao quá, sức cha mẹ có hạn, sao có thể lo nổi cho con. Con không đi học đâu, con không muốn bố mẹ thêm khổ vì con nữa".
Đỡ lời vợ đang xúc động, ông Vương Văn Cường - bố Ngọc - trông già hơn cái tuổi 53, buồn rầu: “Khổ con Ngọc nhà tôi lắm chú ạ. Đẻ ra đã phải chịu thiệt thòi đủ đường, sức khỏe yếu ớt, thân hình tiều tụy. Nuôi mãi nó chẳng lớn cho, mỗi năm phải tốn biết bao nhiêu tiền thuốc, tiền viện phí với nó. Thế nhưng, chưa bao giờ nó khiến vợ chồng tôi phải buồn lòng vì chuyện học hành cả. Giờ đây, nó nỗ lực thi đỗ thì gia cảnh nhà tôi lại quá éo le. Hai vợ chồng già giờ chỉ còn biết động viên cháu mà thôi”.
Danh mục các khoản tiền phải đóng đầu năm do Trường đại học FPT gửi về cho Ngọc là 11.473.000 đồng. Một số tiền quá lớn đối với một gia đình thuần nông phải nhiều năm nuôi con đau ốm. Dù đã bước vào tuổi 20 nhưng Ngọc chỉ cao chưa đầy 1m, nặng 29kg. Đôi tay em ngắn tũn và bé tẹo, đôi chân mềm nhũn và đi lại khó khăn.
Quá cảm động trước nghị lực phi thường của cô bé khuyết tật, chúng tôi mạnh dạn hứa sẽ cố gắng gửi gắm những thông tin của em lên mặt báo để kêu gọi các nhà hảo tâm giúp cho em thực hiện ước mơ đến trường. Hình ảnh đọng mãi trong chúng tôi là dáng người một cô bé thấp như cây nấm nhỏ đứng tựa cửa nhìn theo như gửi gắm niềm tin xa ngái.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.