Cô gái Việt “vượt qua đại dịch” trở thành bà chủ ở Iran nhờ buôn bán nông sản sạch

Thanh Thúy Chủ nhật, ngày 08/08/2021 18:50 PM (GMT+7)
Với số tiền khởi nghiệp hơn 2 triệu đồng, Đỗ Lệnh Hoài Anh (28 tuổi) từ cô sinh viên mọt sách đã xây dựng thành công một thương hiệu nông sản sạch ở Iran. Chỉ sau ba năm, Hoài Anh trở thành bà chủ với mức thu nhập xấp xỉ 5000 USD/tháng. 
Bình luận 0

Đỗ Lệnh Hoài Anh (28 tuổi) quê gốc TP.HCM, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Quzvin (Iran). Hoài Anh từng được nhiều người biết đến với câu chuyện làm dâu xứ Ba Tư được cô chia sẻ trên mạng xã hội và một số trang thông tin đại chúng. 

Bén duyên với Iran trong một lần vô tình “đăng ký cho vui” chương trình học bổng toàn phần dành cho du học sinh, Hoài Anh không ngờ quyết định đó đã thay đổi toàn bộ cuộc đời cô. Hành trình của Hoài Anh đến Iran và trở thành một phần của đất nước này cũng là hành trình mà cô bắt đầu với kinh doanh và trở thành bà chủ ở xứ sở Ba Tư.

Khởi nghiệp với 2 triệu đồng, sau ba năm trở thành bà chủ thu nhập 5000 USD/tháng

Đỗ Lệnh Hoài Anh xuất phát điểm là cử nhân khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin Học TP.HCM. Khi còn ở Việt Nam, Hoài Anh từng thử sức với việc kinh doanh mỹ phẩm nhưng do chưa có nhiều kinh nghiêm, kiến thức nên chỉ sau 6 tháng, cô quyết định tạm dừng để tập trung vào việc học.

img

Chân dung cô gái Việt kiếm nghìn USD mỗi tháng nhờ kinh doanh loại nông sản đặc biệt của Iran.

Đến năm 2015, cơ duyên với đất nước Iran đến khi Hoài Anh nhận được thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Iran có chương trình học bổng toàn phần tại Đại học Iran cho năm sinh viên, cô gái 8x đã làm đơn đăng ký và may mắn trúng tuyển. Hoài Anh sang Iran học Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ văn hóa Ba Tư, sau đó lấy tiếp văn bằng 2 ngành Dịch thuật Tiếng Anh – Tiếng Ba Tư.

Có duyên với đất nước Iran rồi lại tiếp tục bén duyên với người Iran, năm 2017, Hoài Anh hẹn hò với Amir Hossein (31 tuổi), Giám đốc một công ty du lịch tại thành phố Qazvin (Iran), Amir hiện tại đã là chồng của cô.

Amir tốt nghiệp ngành Quản Trị Doanh Nghiệp và có niềm đam mê vô cùng lớn với kinh doanh. Anh đã dùng tinh thần đó để thôi thúc, động viên giúp Hoài Anh tự tin dấn thân hơn trong lĩnh vực này. Hoài Anh cho biết, ý tưởng về doanh nghiệp nông sản sạch và các sản phẩm hữu cơ hoàn toàn do chồng cô đề xuất.

img

Amir, chồng Hoài Anh là người đã lên ý tưởng và động viên cô mạnh dạn hơn trong lĩnh vực kinh doanh.

“Thời điểm đó khi nghe ông xã đề xuất ý tưởng, mình nghĩ dự án này chỉ có 30% cơ hội thành công. Nhưng càng làm lại càng nhân ra, những lo lắng ban đầu thực ra do mình không tự tin vào bản thân chứ không phải do đó là một ý tưởng không tốt” – Hoài Anh chia sẻ.

Năm 2017 khi Hoài Anh khởi nghiệp, thị trường Việt Nam xuất hiện tràn lan các sản phẩm chăm sóc sức khỏe không rõ nguồn gốc. Bạn bè cô ở quê hương nhiều người rất mong muốn tìm được loại thực phẩm chức năng tốt cho người thân nhưng không biết tìm kiếm từ nguồn nào đáng tin cậy.

Với cảm quan quan sát thị trường đồng thời đặt bản thân mình ở vị trí như một khách hàng. Hoài Anh quyết định lựa chọn mặt hàng khởi nghiệp chính là các loại nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ và nhắm tới thị trường tiêu thụ chính ở Việt Nam.

Với số vốn vỏn vẹn 100 USD (khoảng 2.200.000 đồng) cô du học sinh năm hai khi đó bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm đầu tiên là nhụy hoa nghệ tây (Saffron). Nhụy hoa nghệ tây là một loại gia vị giống gừng, nghệ, tỏi… mà người Việt thường sử dụng trong các bữa ăn. Bên cạnh việc có thể làm gia vị, saffron còn có thể dùng để pha với nước ấm và uống hàng ngày rất tốt cho sức khỏe.

Hoa nghệ tây được trồng hữu cơ tại Iran, người dân bản địa chăm sóc những cánh đồng hoa nghệ tây theo phương thức truyền thống, hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, nhụy hoa nghệ tây tại đây đảm bảo được sự thuần khiết và dồi dào dinh dưỡng.

img

Nhụy hoa nghệ tây là một loại gia vị giống gừng, nghệ, tỏi… mà người Việt thường sử dụng trong các bữa ăn. Bên cạnh việc có thể làm gia vị, saffron còn có thể dùng để pha với nước ấm và uống hàng ngày rất tốt cho sức khỏe.

“Khách sỉ đầu tiên của mình là một người bạn cũ, không hề thân thiết. Bạn ấy sở hữu một spa nhỏ tại TP.HCM với lượng khách vừa đủ và thường xuyên. Bạn ấy đã liên hệ với mình qua facebook đặt 100g nhụy hoa nghệ tây. Đó cũng là đơn hàng “lớn” đầu tiên tạo động lực giúp mình có thêm niềm tin vào dự án này” – Hoài Anh bồi hồi nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.

Từ vốn 100 USD ban đầu, Hoài An may mắn thu lại được 1.500 USD (khoảng 23 triệu đồng) trong chưa đầy một tuần lễ mở bán. Doanh thu đầu tiên này cô sử dụng để chi trả cho các chi phí vận chuyển và nhập thêm hàng, mở rộng quy mô bán lẻ.

Sang tháng thứ 2 lượng đơn hàng lẻ vẫn tiếp tục tăng đều. Tháng thứ 3 sau khi bắt đầu mở rộng quy mô bán lẻ, thương hiệu của Hoài Anh nhận được được sự quan tâm lớn của các khách hàng sỉ, do thời điểm đó nhụy hoa nghệ tây bắt đầu “hot” tại Việt Nam. 

Hoài Anh cho biết, thời điểm đó từ 100g sỉ đầu tiên tăng thành 10-15kg/đơn hàng, nhập liên tục và gần như cháy hàng toàn hệ thống. Cuối năm đầu, số đơn hàng tăng hơn 10 lần so với tháng đầu mở bán.

img

Mỗi tháng tiêu thụ được khoảng 200 – 300kg nguyên nhụy hoa nghệ tây.

Thị trường Saffron sau khi hot cực đỉnh thì sau 3 năm cũng đã bão hòa. Từ năm 2019 đến nay, Hoài Anh tung ra thêm nhiều sản phẩm organic nổi bật tại Iran như: nước hoa hồng, nụ hồng khô, tinh dầu Saffron và mật ong Saffron… 

Sau gần 4 năm bén duyên với công việc kinh doanh, Hoài Anh sở hữu một thương hiệu nhỏ mang về doanh thu trung bình mùa dịch trên dưới 100.000.000 đồng/ tháng. Theo cô, con số này đã giảm nhiều so với các tháng cùng kỳ năm 2018-2019. Doanh thu trước dịch trung bình 250.000.000 đồng/ tháng. Những tháng cuối năm hoặc tháng có lễ Tết khoảng 300 - 400.000.000 đồng/tháng.

“Xây dựng thương hiệu cá nhân là bí quyết kinh doanh bền vững giữa đại dịch Covid-19”

Từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp, Hoài Anh hầu như phải tự làm mọi thứ từ quay phim, chụp ảnh, nghĩ ý tưởng để giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội đặc biệt là trang facebook cá nhân của cô. 

Việc sử dụng sản phẩm trước khi tung ra thị trường vừa giúp Hoài Anh hiểu hơn về những gì mình đang bán và nắm bắt được tâm lý cũng như nhu cầu của khách hàng. Từ đó, cô xây dựng kế hoạch phát triển kênh bán hàng online trên mạng xã hội với những thông tin hữu ích, chân thật từ chính trải nghiệm của bản thân với sản phẩm.

“Mình không trả tiền chạy quảng cáo trên facebook mà chỉ tập trung vào xây dựng thương hiệu qua tài khoản cá nhân của mình. Phần lớn khách hàng vào trang cá nhân, đọc thông tin và thấy tin tưởng rồi liên hệ, chứ lượng tương tác page Saffron Esfedan GolIran Việt Nam thực chất không nhiều bằng” – Hoài Anh chia sẻ.

img

Hoài Anh bắt đầu công việc kinh doanh với những bài đăng đơn giản trên trang cá nhân. Sau một sự cố mất facebook, doanh thu tháng đó của cô giảm hơn 20%, Hoài Anh quyết định chỉn chu hơn cho các ý tưởng nội dung trên mạng xã hội và coi đây là kênh bán hàng chính đặc biệt trong mùa dịch Covid-19.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, hoạt động kinh doanh online của Hoài Anh càng phát huy được hiệu quả hơn nữa. Nhờ kinh doanh online, cửa hàng của cô vẫn duy trì doanh thu ở mức ổn định. Mỗi tháng tiêu thụ được khoảng 200 – 300kg nguyên nhụy hoa nghệ tây. Hiện tại kho hàng ở Việt Nam vẫn hoạt động cùng hai nhân viên, Hoài Anh quản lý online từ đầu năm 2020.

“Việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn chúng ta phải hạn chế gặp nhau đồng nghĩa với việc khách hàng không thể tự tay sờ, nắm, cảm nhận và trải nghiệm sản phẩm. Xây dựng niềm tin thì luôn cần rất nhiều thời gian, chúng ta không thể chỉ đưa ra những lý thuyết suông, những bài đăng hời hợt và nói “hãy tin tôi đi” mà phải mang đến những thông tin chân thật, phải đặt vào đó cái tâm và sự hiểu biết của chính người bán hàng” – Chị Hoài Anh tâm huyết chia sẻ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem