Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 chính thức bắt đầu từ 29.11, đây là một trong những lễ hội lớn nhất năm ở Tây Nguyên. Theo đó lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 29.11 – 2.12, chính thức khai mạc lúc 20h ngày 30.11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai). Đến với Festival cồng chiêng năm nay, du khách sẽ bất ngờ với những trải nghiệm thú vị và chân thật nhất, mang bản sắc riêng của từng dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên.
Công tác chuẩn bị cho Festival Văn hóa cồng chiêng đã hoàn thành.
Đến thời điểm hiện tại, 11 hoạt động chính trong khuôn khổ Festival đã được các sở, ngành, địa phương và các đoàn nghệ nhân đến từ 5 tỉnh trong khu vực chuẩn bị chu đáo như Lễ hội đường phố, Ngày văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống; Trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; Sinh hoạt văn nghệ dân gian; Triển lãm ảnh về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Công bố tour du lịch cộng đồng và tổ chức khảo sát du lịch; Cà phê đường phố, Ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền, Giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên.
Một trong những hoạt động chân thật, mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc là màn phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của hơn 1.000 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng như Lễ cúng cây nêu cầu an của người Ê Đê, Lễ cúng sức khỏe của người M’Nông, Lễ cầu an của người Bahnar, Lễ sạ lúa của người Chu Ru, Lễ mừng nhà rông mới của người Bahnar. Ngoài ra, du khách còn được tiếp cận, chiêm ngưỡng những nét văn hóa, trang phục, nhạc cụ độc đáo ở lễ hội đường phố với sự tham gia của hơn 1.000 người thuộc 26 đoàn nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên.
Sân khấu của Lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đang được gấp rút hoàn thành
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là sự kiện văn hóa quan trọng nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Festival cồng chiêng còn là dịp để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.