Cô giáo 30 năm chứng kiến thăng trầm của môn tiếng Anh, tham gia kiểm định chương trình quốc tế tại Hà Nội

Tào Nga Thứ năm, ngày 21/12/2023 06:47 AM (GMT+7)
Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo dục, cô Bùi Thị Minh Nga từ giáo viên tiếng Anh trở thành Trưởng phòng tham gia công tác kiểm định các chương trình quốc tế tại Sở GDĐT Hà Nội.
Bình luận 0

Giáo viên tiếng Anh ở thời tiếng Nga "lên ngôi"

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề giáo, có xuất phát điểm là giáo viên tiếng Anh, dần trải qua các vị trí là Trưởng phòng kiểm định các chương trình quốc tế giảng dạy tại Hà Nội, Hiệu trưởng sáng lập phụ trách chương trình MOET tại Hanoi Toronto School, đến nay cô Bùi Thị Minh Nga đã có hơn 30 sống cùng nghề. 

Cô chia sẻ: "Năm 1987, mình tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, khi đó tiếng Anh vẫn là một môn học xa lạ trong các trường phổ thông. Người tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh được coi là "của hiếm" lúc bây giờ. Vì thế, khi tiếng Nga vẫn được ưa chuộng, không dễ để giáo viên tiếng Anh tìm được công việc phù hợp với mình.

Do tôi tốt nghiệp đại học loại giỏi nên được giữ lại công tác tại Hà Nội. Khi được nhận vào làm tại trường THPT công lập đầu tiên, tôi chỉ được phân công dạy một lớp 10 môn tiếng Anh vì khi đó tiếng Nga vẫn là môn học được giảng dạy chính trong nhà trường. Ít ai biết rằng tôi khởi đầu nghề giáo với công việc kiêm nhiệm của một nhân viên văn phòng".

Cô giáo 30 năm chứng kiến thăng trầm môn tiếng Anh, tham gia kiểm định chương trình quốc tế tại Hà Nội - Ảnh 1.

Cô Bùi Thị Minh Nga, từng là giáo viên tiếng Anh, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Sở GDĐT Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Sau đó, có sự dịch chuyển trong giáo dục thời điểm sau đổi mới đã giúp cô Minh Nga được tiếp tục công việc đúng với chuyên môn tiếng Anh. Khi đó, cô dạy "hết công suất" cho học sinh tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Thanh Trì, sau đó chuyển công tác về Trường THPT Hoàn Kiếm, nay là Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm. Năm 2005, cô học tiếp bằng Thạc sĩ Quản lý Giáo dục, Trường New England, Australia. 

Tận tâm, say mê, sắc sảo với nghề, yêu thương các học sinh như con đẻ của mình, cô Minh Nga đã lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Đoàn trường, tổ trưởng chuyên môn tổ Ngoại ngữ đến Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường. Năm 2013, cô được điều chuyển công tác lên Sở GDĐT đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài.

"Những năm 90, tôi hoàn toàn có thể xin việc tại nhiều tổ chức phi chính phủ như UNICEF, UNESCO... với thu nhập cao hơn nhiều so với nghề giáo. Nhưng đam mê nghề cầm phấn nên tôi vẫn lựa chọn làm cô giáo. Tôi nghĩ các con học sinh Việt Nam cần tiếng Anh trong một thế kỷ mới. Nếu đội ngũ giáo viên tiếng Anh chuyển sang hết làm cho các tổ chức quốc tế hay công ty nước ngoài ở thời điểm đó, ai sẽ ở lại gắn bó với giáo dục?", cô Minh Nga chia sẻ.

Cô giáo 30 năm chứng kiến thăng trầm môn tiếng Anh, tham gia kiểm định chương trình quốc tế tại Hà Nội - Ảnh 2.

Cô Nga là người chứng kiến thăng trầm của môn tiếng Anh. Ảnh: Tào Nga

Hành trình đưa các chương trình quốc tế vào giảng dạy

Từ khi còn công tác tại trường THPT, cô Minh Nga đã có kinh nghiệm trong các hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức nước ngoài như tham gia giảng dạy tiếng Anh lớp học mẫu do Đại sứ quán Úc phối hợp, đưa học sinh tham gia các trại hè quốc tế tại Anh, Úc, Singapore. Cô kết nối với Đại sứ quán Úc để tìm trường tổ chức kết nghĩa với trường Banksia Park International school tại Adelaide, bang Nam Úc.

Cô giáo 30 năm chứng kiến thăng trầm môn tiếng Anh, tham gia kiểm định chương trình quốc tế tại Hà Nội - Ảnh 3.

Cô giáo tâm huyết với giáo dục thủ đô. Ảnh: Tào Nga

Năm 2018, cô được vinh danh là 1 trong 25 người có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Anh nhân kỷ niệm 25 năm Hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Thành quả gần đây nhất giữa hai bên là Biên bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục giữa Sở GDĐT Hà Nội với Hội đồng Anh được ký kết vào tháng 8 năm 2018. Trong thời gian 6 năm làm việc tại đây, cô Minh Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và kết nốt nhiều chương trình giáo dục quốc tế để tích hợp với chương trình giáo dục VIệt Nam, giúp học sinh Việt Nam được học chương trình tích hợp tiên tiến, đạt được giá trị kiến thức toàn cầu.

"Tôi được tham gia Ban chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm dạy chương trình song bằng với Cambridge lấy chứng chỉ IGCSE và A level tại hai cấp học THCS và THPT tại Hà Nội. Quá trình xây dựng đề án dạy thí điểm rất khó khăn, phức tạp khi phải phân tích và cân nhắc từng phần trong cả hai chương trình để kiến thức được giảng dạy phù hợp với học sinh Việt Nam nhưng không gây quá tải. Nhìn vào thành quả đã đạt được từ các chương trình tiếng Anh với học sinh Việt Nam nói chung và học sinh tại Hà Nội nói riêng, tôi thấy đó là một lựa chọn rất phù hợp, có lợi cho học sinh", cô Nga bày tỏ.

Với sự tận tâm, chuyên nghiệp và sáng tạo của mình, cô Minh Nga đã tư vấn cho nhiều trường tư thục ở Hà Nội xây dựng thêm các chương trình giảng dạy bổ trợ và tăng cường môn tiếng Anh trong các nhà trường. 

Cô giáo 30 năm chứng kiến thăng trầm môn tiếng Anh, tham gia kiểm định chương trình quốc tế tại Hà Nội - Ảnh 4.

Cô Nga chia sẻ, quá trình xây dựng đề án thí điểm dạy chương trình song bằng với Cambridge lấy chứng chỉ IGCSE và A level vô cùng khó khăn. Ảnh: NVCC

Hệ thống các trường quốc tế hiện đang giảng dạy nhiều chương trình giáo dục tiên tiến như IB, Cambridge, US Common Core, SACE... tại các trường của Anh, Mỹ, Úc, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trên thực tế, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Việt Nam cũng đã được thiết kế với nhiều kiến thức cập nhật và hợp lý hơn trước. 

Cả cuộc đời cống hiến cho ngành nên dù đã gắn bó 30 năm nhưng cô Nga vẫn luôn trăn trở với giáo dục. "Tôi không biết đến bao giờ mình mới thực sự được "nghỉ ngơi" nhưng tôi hạnh phúc và đam mê với công việc mình đang làm. Nếu có nghỉ thì vẫn có thể tiếp tục tư vấn, đóng góp cho chương trình giáo dục của các nhà trường", cô Nga bày tỏ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem