Cô giáo nhiều kinh nghiệm chỉ cách ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10 để đạt điểm cao chót vót

Tào Nga Thứ hai, ngày 01/05/2023 19:26 PM (GMT+7)
Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, cô giáo Bảo Ngọc đã chia sẻ cách ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10 giúp học sinh đạt điểm cao như mong đợi.
Bình luận 0

Cách ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10

Cô giáo Bảo Ngọc, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn, hiện là giáo viên Trường THPT Khoa học Giáo dục, có nhiều năm kinh nghiệm dạy và ôn thi, chia sẻ kinh nghiệm ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10 để đạt điểm cao.

Đề thi môn Ngữ văn vào 10 sẽ bao gồm các câu hỏi chuẩn kiến thức, kỹ năng, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 và đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi trong những năm gần đây vẫn giữ ổn định cấu trúc 2 phần: các câu hỏi đọc hiểu kết hợp viết đoạn văn nghị luận văn học và đoạn văn nghị luận xã hội. Hình thức thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Các em có thể tham khảo cấu trúc đề thi, đáp án, biểu điểm chính thức và dự bị những năm trước của Sở GDĐT để có định hướng rõ ràng, chi tiết hơn trong việc ôn tập và làm bài thi.

Cô giáo nhiều kinh nghiệm chỉ cách ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10 để đạt điểm cao chót vót  - Ảnh 1.

Cô giáo Bảo Ngọc, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Cô Ngọc chia sẻ và hướng dẫn học sinh kỹ năng làm một số dạng bài cụ thể như sau:

Kỹ năng làm dạng bài đọc - hiểu văn bản Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội Kỹ năng làm dạng bài nghị luận văn học. Ngữ liệu bài thi thường rất đa dạng và được trích từ các tác phẩm thơ, văn xuôi đã được học trong chương trình sách giáo khoa. Một số dạng câu hỏi thường gặp như:

+ Xác định các phương thức biểu đạt của văn bản (biểu cảm, nghị luận, tự sự, miêu tả,..)

+ Xác định thể thơ (thể thơ lục bát, thể thơ 7 chữ, 8 chữ, tự do,…)

+ Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ,…)

+ Các câu hỏi liên quan đến kiến thức tiếng Việt như các phương châm hội thoại, sự phát triển của từ vựng, các thành phần biệt lập, khởi ngữ,…

+ Xác định những đặc sắc của văn bản như từ ngữ, hình ảnh, chi tiết quan trọng, xác định chủ đề của văn bản, thông điệp ý nghĩa, giải thích ý kiến tác giả,…

Dạng bài đọc - hiểu, tuy không chiếm phần lớn số điểm nhưng lại có vị trí quan trọng bởi nó quyết định điểm cao hay thấp trong một bài thi. Học sinh cần trả lời ngắn gọn, chính xác, đúng trọng tâm yêu cầu của đề thi. 

Ví dụ: Khi đề yêu cầu xác định phương thức biểu đạt chính/ chủ yếu thì học sinh chỉ cần tìm một phương thức biểu đạt nhưng khi đề hỏi xác định các phương thức biểu đạt thì học sinh cần phải tìm ra đầy đủ các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn bản đó.

Nghị luận xã hội thường xoay quanh hai dạng đề là: nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về hiện tượng đời sống.

Nội dung của bài thi nghị luận xã hội thường tập trung vào các vấn đề ý nghĩa trong đời sống hiện nay như sự cần thiết của nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, niềm hạnh phúc khi được là chính mình, tầm quan trọng của bản lĩnh khi con người đối diện với những bão giông trong cuộc đời, vai trò của gia đình trong cuộc sống của chúng ta,…

Học sinh làm dạng bài này cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. Học sinh chú ý bảo đảm các bước nghị luận từ giải thích, phân tích, bàn luận, chứng minh đến phản đề, rút ra bài học nhận thức và hành động. 

Các em nên dẫn ra những dẫn chứng thực tiễn có tính thời sự, dẫn chứng lấy ra từ đời sống thực tế, càng tiêu biểu, xác thực, cụ thể càng có sức thuyết phục cao. Khi đưa dẫn chứng, không kể lan man mà nên dẫn dắt ngắn gọn, súc tích. Đặc biệt, các em cần thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, đọc sách báo,… để làm giàu kiến thức, kỹ năng xã hội, vận dụng làm cho bài viết của mình phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn.

Viết đoạn văn nghị luận văn học là phần bắt buộc phải có trong cấu trúc đề thi vào 10 môn Ngữ văn, phần này thường chiếm trọng số từ 3 – 3,5 điểm. Yêu cầu của đề thường là viết đoạn văn cảm nhận về một nhân vật, hay cảm nhận về một đoạn thơ, cảm nhận về một chi tiết trong tác phẩm truyện. 

Ví dụ: Em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp làm rõ vẻ đẹp mùa xuân đất nước và cảm xúc của tác giả ở khổ thơ thứ 2 trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải, trong đó có sử dụng câu bị động và từ ngữ dùng làm phép thế (Đề thi Tuyển sinh vào 10 của Sở GDĐT Hà Nội năm học 2022 – 2023).

Cô giáo nhiều kinh nghiệm chỉ cách ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10 để đạt điểm cao chót vót  - Ảnh 2.

Cô giáo Bảo Ngọc trong một tiết dạy học. Ảnh: NVCC

Trong chương trình Ngữ văn 9, các tác phẩm văn học thuộc văn học trung đại (Chuyện người con gái Nam Xương, truyện Kiều, …) và văn học hiện đại (Đồng chí, Làng, lặng lẽ Sa Pa,...). Khi ôn thi vào lớp 10, học sinh cần sắp xếp, hệ thống toàn bộ các tác phẩm văn học theo hình thức bảng biểu hoặc sơ đồ tư duy,… để có cái nhìn tổng quát và dễ dàng liên kết, so sánh với các tác phẩm cùng thời kì, cùng chủ đề. 

Các em lưu ý kiến thức cần nhớ về tác giả, tác phẩm như sau:

* Tác giả: Cuộc đời, phong cách nghệ thuật đặc sắc, một số tác phẩm chính, … 

* Tác phẩm: Hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa nhan đề, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, xác định cốt truyện, ngôi kể,…

Đối với dạng bài nghị luận văn học, học sinh cần xác định được yêu cầu chính của đề bài, từ đó mới triển khai, phân tích các ý sát với yêu cầu đề, rõ ràng, mạch lạc, súc tích. Học sinh cần rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện. Đối với thơ, cần chú ý đến hình thức như nhịp điệu, cách gieo vần, cấu trúc, nghệ thuật sử dụng ngôn từ,… Lưu ý nhiều đến tính thẩm mỹ trong tác phẩm. Đối với tác phẩm văn xuôi thì chú ý đến cốt truyện, nhân vật, tình tiết, hình tượng điển hình, tình huống truyện,… Cần khai thác nội dung hiện thực và nội dung tư tưởng của tác phẩm, thông điệp của tác giả. Các dẫn chứng cần chính xác, chọn lọc và tiêu biểu.

Ngoài ra, học sinh cần dành thời gian đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề để liên hệ, mở rộng bài viết sâu sắc hơn. Học sinh tránh diễn xuôi lại tác phẩm, viết lại các nội dung đã học một cách máy móc. Đặc biệt, các em nên chủ động, linh hoạt trong việc ôn tập, tuyệt đối không nên ôn "tủ".

Một số lưu ý trong quá trình làm bài

Viết đúng từ ngữ, trình bày rõ ràng, đúng chính tả, dấu câu, không viết dài dòng, lan man, xa đề. Viết đúng từ ngữ, trình bày rõ ràng, đúng chính tả, dấu câu, không viết dài dòng, lan man, xa đề. Đọc kỹ đề, làm trọn vẹn từng câu, không bỏ ý, sót ý. Phân bố thời gian hợp lý cho từng câu để hoàn thiện bài thi. Cần tận dụng từng giây, từng phút, tránh tình trạng không đủ thời gian để làm bài. Trau dồi cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

"Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức. Cô mong các em hãy xác định những mục tiêu đúng đắn và cố gắng hết mình và luôn nuôi dưỡng tình yêu, sự đam mê tìm tòi, khám phá đối với văn chương.

Kỳ thi lớp 10 sắp đến gần, các em hãy giữ gìn sức khỏe, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ và ôn thi thật tốt để chuẩn bị chinh phục kỳ thi nhé. Cô chúc các em hoàn thành bài thi thật tốt, đạt kết quả như ý và hãy luôn nhớ rằng: "Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất" (Platon)", cô Ngọc chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem