"Chúng tôi mong muốn gửi gắm các thầy cô làm sao cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ GDĐT"

Tào Nga Thứ năm, ngày 25/05/2023 17:05 PM (GMT+7)
Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành mong muốn qua buổi tập huấn sử dụng sách giáo khoa, các thầy cô làm sao cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ GDĐT, tránh phản ánh không đúng bản chất của chương trình.
Bình luận 0

"Chúng tôi mong muốn gửi gắm các thầy cô làm sao cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ GDĐT"

Sáng 25/5, Công ty VEPIC đại diện cho các đơn vị liên kết xuất bản phối hợp tổ chức buổi Hội thảo Tập huấn báo cáo viên tham gia tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11, bộ Cánh diều. Đây là những bộ sách sẽ được đưa vào sử dụng cho năm học 2023-2024 theo lộ trình của Bộ GDĐT.

Cô giáo viết "Giáo dục Việt Nam - Trồng người từ ngọn" khiến Vụ trưởng GDĐT trăn trở - Ảnh 1.

Hội nghị tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa. Ảnh: T.N

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT cho biết: "Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường. Tuy nhiên, đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua phỏng vấn giáo viên một số nơi thì việc hiểu kỹ nội dung chương trình cũng còn một số chỗ cần tiếp tục. Năm nay, Bộ muốn thông qua tập huấn sử dụng sách giúp giáo viên hiểu rõ về chương trình. Từ 2, 3 bài ví dụ đi sâu vào khi tập huấn để giáo viên hiểu khái quát về chương trình. Từ đó, biết cách soạn bài. Mọi chính sách cuối cùng cũng vào bài giảng".

Cô giáo viết "Giáo dục Việt Nam - Trồng người từ ngọn" khiến Vụ trưởng GDĐT trăn trở - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông. Ảnh: T.N

Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông chia sẻ: "Có ý kiến cho rằng Công văn 5512 của Bộ GDĐT về hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường theo thông tư 32 là không mở cửa, không sáng tạo, giáo án 4 bước... Chúng tôi khẳng định văn bản của Bộ rất cởi mở chứ không bó buộc. Sự cởi mở đã được triển khai mấy chục năm nay và nhất quán từ đầu đến cuối.

Hay "mục tiêu của dạy học theo định hướng phát triển năng lực" đang khiến nhiều người nghĩ rằng kiến thức không quan trọng mà phải năng lực. Điều này rất nguy hiểm vì không thể xem nhẹ kiến thức, có bột mới gột nên hồ. 

Về nội dung chương trình, cũng ý kiến cho rằng nội dung chương trình là mới, tuy nhiên, nội dung khoa học không thể mới được mà chương trình chỉ sắp xếp lại, bỏ tính hàn lâm, tăng thực tiễn.

Về thiết kế chương trình, ví dụ, với môn Khoa học Tự nhiên. Phân công cho giáo viên Hóa dạy Khoa học Tự nhiên lớp 6, 7 với 4 tiết/tuần, 3 lớp là 12 tiết/tuần sẽ bị phản ánh là không còn thời gian dạy Hóa lớp 8, 9 với 2 tiết/tuần nữa. Trong khi đó, Công văn 5512 hướng dẫn không bắt buộc chia đều số tiết trong tuần. Tại sao giáo viên không xếp 3 tiết Khoa học Tự nhiên ở những tuần đầu rồi sau 5 tiết. Hay môn Hóa lớp 8, 9, tuần đầu dạy 1 tiết rồi sau dạy 3 tiết...

Vì vậy, qua buổi tập huấn sử dụng sách giáo khoa các môn học, chúng tôi mong muốn gửi gắm các thầy cô làm sao cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ GDĐT, tránh phản ánh không đúng bản chất của chương trình".

Đảm bảo không để tình trạng thiếu sách Cánh diều

NGƯT Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam cho biết: "Tập huấn sách được tổ chức từ những năm trước vì dù giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm nhưng phản ánh vẫn lúng túng khi thực hiện chương trình mới. Năm nay là năm chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và cụ thể nhất cho tập huấn với tài liệu chuẩn bị chu đáo, các Sở GDĐT cũng chuẩn bị chu đáo, đăng ký trực tiếp, trực tuyến cho giáo viên tham gia. Chúng tôi tổ chức tập huấn kín lịch trong 2 tháng 6 và 7.

Nói về tình trạng thiếu sách giáo khoa, NGƯT Ngô Trần Ái khẳng định: "Riêng bộ sách Cánh diều đã chuẩn bị đầy đủ, tái bản 100% nên không có tình trạng thiếu sách. Các bộ sách mới lớp 4, 8, 11 hiện nay đang in và cho nhập sách. Chúng tôi cam đoan không để tình trạng thiếu sách Cánh diều".

Cô giáo viết "Giáo dục Việt Nam - Trồng người từ ngọn" khiến Vụ trưởng GDĐT trăn trở - Ảnh 3.

Sách giáo khoa mới lớp 4, 8, 11 sẽ được sử dụng trong năm học sau. Ảnh: T.N

Chia sẻ với PV bên lề hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới nói về giá sách giáo khoa gây tranh cãi thời gian vừa qua: "Theo tôi cần có khung giá. Phải có khung giá tối đa để các nhà xuất bản không được nâng giá lên quá cao nhưng cũng phải có định giá tối thiểu để không để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Vì những doanh nghiệp ưu thế chiếm thị trường, có nhiều vốn có thể đại hạ giá để chèn ép các doanh nghiệp khác. Như vậy thì không thực hiện xã hội hóa được".

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết: "Chương trình và sách giáo khoa mới rất khác so với chương trình và sách giáo khoa trước đây. Một là về chương trình sẽ không có chuyện thực hiện y nguyên rồi 20 năm sau xin phép thay đổi. Bây giờ sẽ làm như các nước là điều chỉnh dần, có thể theo chu kỳ 2-4 năm để làm sao chương trình luôn cập nhật những nội dung thực tiễn mới trong nước, trên thế giới.

Thứ 2, hướng chúng ta tiến đến là những ai có hứng thú làm sách có thể ra sách khác dựa theo sách cũ và cải tiến để phù hợp với thực tiễn thì phải được phép. Thứ 3 chúng ta tiến tới giáo viên sẽ biên soạn sách giáo khoa giống như các nước. Nếu bây giờ chặn ngay bằng giá và thủ tục phiền hà thì quá trình xã hội hóa bị chặn đứng, không tới được mục đích cuối cùng của xã hội hóa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem