Cô giáo trẻ xinh đẹp nổi đình đám trên TikTok, tóm tắt bài Văn chỉ trong 30 giây

Tào Nga Thứ tư, ngày 07/04/2021 09:46 AM (GMT+7)
Không chỉ có ngoại hình thu hút mọi người, cô giáo Lê Trần Diệu Thu gây ấn tượng khi dạy học sinh trên mạng TikTok.
Bình luận 0

Cô giáo dạy Văn nổi đình đám trên TikTok

Dạy Văn trên truyền hình hay trên YouTube, Facbook là hình thức truyền đạt kiến thức quá quen thuộc với các giáo viên dạy online hiện nay. Tuy nhiên, có một cô giáo lại dạy Văn trên TikTok - một điều có vẻ quá khó để thực hiện nhưng cô giáo ấy đã làm được và còn nổi đình đám. Cô tên là Lê Trần Diệu Thu.

Cô giáo trẻ xinh đẹp nổi đình đám trên TikTok, tóm tắt bài Văn chỉ trong 30 giây - Ảnh 1.

Cô giáo Lê Trần Diệu Thu.

Chia sẻ về lý do thực hiện clip dạy học trên nền tảng này, cô Thu cho biết: "Không thể phủ nhận sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay đối với giới trẻ. Đặc biệt nó cuốn quá nhiều thời gian của học sinh. Chứng kiến nhiều học trò sử dụng quỹ thời gian "hàng tiếng đồng hồ" trong ngày chỉ để lướt TikTok, xem những clip giải trí nhảm nhí, vô bổ, mình cũng muốn chia sẻ kiến thức văn học qua đây để học sinh có thể vừa chơi, vừa học".

Nói là làm, cô Thu bắt tay vào thực hiện các clip cách đây khoảng 3 tháng. Sau một thời gian cho "lên sóng" hiện tại có hơn 100 clip dạy học của cô Thu đã được thực hiện. "Đến bây giờ thì mình cũng khá thành thạo cả về mặt kỹ thuật đến nội dung bài giảng. Có khá nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên quan tâm, tương tác và tiếp cận. Mình không ngờ hiện tại đã có hơn 400.000 lượt theo dõi", cô Thu hào hứng chia sẻ.

Clip cô giáo Thu dạy nên xưng là "em" hay "tôi" khi viết Văn.

Đang là gương mặt nổi đình đám trên Tiktok, cô Thu cho biết, ưu điểm của các clip này là giúp các em học sinh thay vì xem các clip vô bổ, nhảm nhí thì có thể thu được lượng kiến thức cho bản thân. Giáo viên thì có thể chia sẻ, lan tỏa kiến thức đến cộng đồng nhiều hơn. Tuy nhiên, do thời lượng video ngắn, so với YouTube hay Facebook…, TikTok chỉ cho giới hạn dung lượng đăng video là 60s, và nhiều hơn là 3 phút nên rất khó tóm gọn nội dung bài. Muốn clip hay thu hút học sinh phải cắt ghép, chỉnh sửa khá kỳ công, tốn nhiều thời gian.

"Ban đầu mình cũng khá khó khăn trong việc lên ý tưởng, nội dung clip, đến kỹ thuật từ việc học cắt chỉnh nhạc, tạo điểm nhấn video, bắt trend giới trẻ… Đặc biệt, khó nhất là các clip tóm tắt tác phẩm văn xuôi bằng thơ vì khi làm xong đòi hỏi phải mất khá nhiều thời gian để chỉnh hiệu ứng chạy chữ, khớp giọng".

Cô Thu cho biết, để có được 1 clip trên TikTok 30 giây thì phải chuẩn bị khá nhiều công đoạn, có những video quay chưa ưng ý phải mất hàng giờ đồng hồ để hoàn thiện. Cô Thu nhớ nhất là clip đầu tiên thực hiện. Do lần đầu tiên làm nên cô phải mày mò, sửa đi sửa lại mất cả nửa ngày mới xong. Đây cũng là clip tốn nhiều thời gian nhất của cô.

Cô Thu chia sẻ thêm, khi thực hiện clip, cô nhận được "1000 câu hỏi vì sao" của học trò ở phần bình luận. Sắp tới cô sẽ phân loại câu hỏi để trả lời, giải đáp những thắc mắc của học trò, mục đích chính vẫn là lan tỏa kiến thức đến cộng đồng.

Clip lời bình hay nhất cho bài thơ Tây Tiến.

Được biết, cô giáo Lê Trần Diệu Thu (sinh năm 1995), tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016. Năm 2019, cô nhận bằng Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn.

Ngoài ra, cô Thu cũng rinh một bộ sưu tập các giải thưởng như Huy chương Bạc cuộc thi Nghiệp vụ Sư phạm Toàn quốc mở rộng lần V – 2013 (Khi đang là sinh viên Sư phạm năm 2); Nhiều năm liền đạt Gương mặt trẻ tiêu biểu; Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Sinh viên vượt khó học tốt tại Trường Đại học Giáo dục (Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt; Thành tích tốt trong công tác quản lý lớp…).

Hiện tại cô là giáo viên Ngữ văn, hệ song bằng Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị, Hà Nội.

Ôn tập môn Văn hiệu quả

Cô giáo trẻ xinh đẹp nổi đình đám trên TikTok, tóm tắt bài Văn chỉ trong 30 giây - Ảnh 4.

Cô giáo được nhiều học trò yêu mến.

Từ kinh nghiệm của bản thân và theo dõi đề thi Văn qua các năm, cô Thu khuyên học sinh nên ôn kỹ các phần sau:

Phần văn bản

+ Truyện ngắn (tóm tắt được truyện ngắn, tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, phân tích nội dung và nghệ thuật tác phẩm (chi tiết, tình huống, diễn biến tâm lý nhân vật…).

+ Thơ (thuộc thơ, tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, phân tích các khổ thơ, bài thơ…).

Không nên học vẹt, cần học để hiểu bản chất kiến thức, mỗi một tác phẩm nên vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức, tìm ra những từ khóa để khắc sâu hơn kiến thức sau đó tự diễn đạt theo lời của mình.

Phân chia thời gian luyện đề: Mỗi ngày luyện từ 1 – 2 đề Văn, sau đó tham khảo đáp án chuẩn, tự nhìn nhận chỗ đúng, sai của mình để hoàn thiện cho đề lần sau.

Trình bày bài làm: Tập trình bày bài viết trên giấy thi, tự bấm giờ 120 phút cho một đề, chữ viết không nhất thiết phải đẹp nhưng cần sạch.

– Tâm lí thoải mái, tự tin, không lo sợ, căng thẳng, không tự gây áp lực cho mình mà hãy biến áp lực thành động lực.

– Thiết lập mục tiêu cho bản thân mình bằng quyết tâm cao độ.

– Mỗi ngày hoàn thiện một mục tiêu đã đặt ra để đạt kết quả tối ưu nhất. 

"Để ôn thi và làm bài tốt, ngoài học trên trường, lớp thì hiện nay với sự phát triển của công nghệ 4.0 học sinh có thể phát huy tinh thần tự học bằng cách lên các nền tảng mạng xã hội, học tập một cách có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu của bản thân. Các em hãy ngừng xem các clip vô bổ, nhảm nhí thay vào đó hãy xem các clip giải trí, học tập lành mạnh để phát triển toàn diện", cô Thu bày tỏ.

Nhận xét đề minh họa môn Văn THPT Quốc gia 2021, cô Thu cho biết đề ở mức cơ bản, phù hợp với mục tiêu dùng để xét tốt nghiệp.

Đối với phần Đọc hiểu, đề yêu cầu học sinh có kỹ năng đọc hiểu một đoạn thơ, 3 câu đầu tiên học sinh sẽ trả lời nhanh và không mấy khó khăn, mức độ của câu hỏi là: nhận biết, thông hiểu.

Sang câu thứ 4, đề yêu cầu học sinh tư duy kỹ hơn bởi mức độ đánh giá năng lực là vận dụng thấp: Nhận xét tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện ở đoạn trích. Ở câu này, học sinh chỉ cần nhận xét ngắn gọn là có thể đạt điểm tối đa.

Phần Nghị luận xã hội 200 chữ yêu cầu: Sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Câu hỏi này phù hợp để đánh giá tư duy và lập luận của thí sinh, ngoài ra câu hỏi đánh giá được thái độ, quan điểm, nhận thức của thí sinh trước vấn đề thực tiễn của đời sống. Thí sinh hoàn toàn tự do trong quá trình thể hiện quan điểm, lựa chọn thông tin để đưa vào phần trả lời, tự do sắp xếp các ý, tự do lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt để trình bày câu trả lời. Nói chung, câu hỏi nghị luận xã hội 200 chữ có khả năng khuyến khích người học phát huy tốt năng lực sáng tạo.

Sang phần làm văn, yêu cầu viết được bài văn hoàn chỉnh: Phân tích về hình tượng sông Hương trong trích đoạn, từ đó nhận xét về tính trữ tinh trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nội dung giới hạn ở việc phân tích. Yêu cầu đưa ra phù hợp để đánh giá được các bậc nhận thức của học sinh: Nhớ, hiểu, vận dụng, khả năng phân tích… nội dung, nghệ thuật kiến thức tác phẩm văn học, đánh giá được khả năng lập luận của người học.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem