"Được tặng quà dù chỉ bông hoa nhựa thôi cũng vui lắm rồi"

Tào Nga Thứ hai, ngày 21/11/2022 14:16 PM (GMT+7)
Trong khi nhiều thầy cô hạnh phúc nhận được hoa và quà nhân ngày 20/11 thì vẫn có những thầy cô ngay cả một lời chúc mừng cũng không có.
Bình luận 0

"Cho đi không mong nhận lại"

Kết thúc ngày 20/11, chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô giáo Nguyễn Thị Xuân, giáo viên tiểu học một trường ở tỉnh Đăk Lắk vui vẻ cho hay: "Dịp 20/11, mình không phải tới nhà học sinh gọi đi học là hạnh phúc lắm rồi".

Lớp học của cô Xuân thuộc cơ sở 2 nằm trong bản của đồng bào Ê Đê. Học sinh lúc nào cũng trong tình trạng thích thì đi, không thích thì nghỉ ở nhà đi rẫy, trông em cho bố mẹ, cũng có em thì thoải mái đi chơi. Có em đi học trong tình trạng quần áo rách, tóc không chải... Cô giáo đến lớp dạy kiêm luôn nhiệm vụ mẹ hiền. 

Gắn bó với học sinh nơi đây, cô Xuân rút ra cho mình phương châm sống: "Luôn cho đi chứ không mong nhận lại". Cô Xuân chưa bao giờ được nhận một bông hoa tươi nào ngày 20/11. "Mấy năm đầu dạy ở cơ sở chính, tôi nhận được 5-7 bông hoa nhựa loại 2.000 đồng/bông từ các học sinh nữ. Như thế cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Bây giờ dạy ở phân hiệu, đến hoa nhựa cũng không có", cô Xuân tươi cười chia sẻ.

Cô giáo ước: "Được tặng quà dù chỉ bông hoa nhựa thôi cũng vui lắm rồi" - Ảnh 1.

Thầy Vũ Đình Thanh dạy học sinh Trường Tiểu học Nậm Ty. Ảnh: NVCC

Thầy Vũ Đình Thanh, từng dạy ở Trường Tiểu học Nậm Ty B, xã Nậm Ti, huyện sông Mã, tỉnh Sơn La. Thầy Thanh tâm sự: "Nhìn đồng nghiệp nhận được những đóa hoa tươi đôi khi thấy chạnh lòng nhưng cuộc sống nơi đây khó khăn về mọi mặt nên với tôi niềm vui duy nhất là thấy học sinh biết đọc, biết viết, đầy đủ đồ dùng".

Thực tế, thầy Thanh dạy học ở trường 10 năm nhưng cả quãng thời gian này thầy chưa bao giờ được nhận một lời chúc nào từ học sinh. Những ngày đó, thầy Thanh rôm rả cùng đồng nghiệp trong khu tập thể giáo viên trường để nấu ăn, cùng chia sẻ với nhau niềm vui chung nghề giáo. Hiện tại thầy Thanh đã được chuyển về vùng thuận lợi hơn nhưng bao năm gắn bó với học sinh vùng cao luôn đong đầy kỷ niệm với thầy. 

Giáo viên vùng cao thiếu thốn

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT đã nêu rất nhiều khó khăn của giáo viên vùng cao. "Phần lớn giáo viên vùng cao phải xa gia đình, con cái phải gửi ông bà chăm sóc, thiếu thốn tình cảm. Nhiều giáo viên nữ không có điều kiện xây dựng gia đình.

Ngoài ra, đường sá đi lại khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của giáo viên. Điều kiện cơ sở vật chất nhiều nơi phải học trong phòng học tạm. Giáo viên thiếu nhà công vụ, điện, sóng viễn thông, nước sạch, thiếu lương thực, thực phẩm. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các giáo viên còn phải vận động nhân dân cho trẻ đến trường, tránh tình trạng bỏ học, chăm sóc các em học sinh tại trường thay cha mẹ các em.

Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên thiếu sách vở, tài liệu, thiết bị phục vụ dạy học. Ít được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học hiện đại. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn hạn chế. Ít có cơ hội giao lưu, học hỏi đồng nghiệp".

Cũng theo ông Đức, hiện tại đã có nhiều cơ chế, chính sách để đội ngũ giáo viên ở vùng cao yên tâm công tác như Thực hiện các chính sách phụ cấp ưu đãi nghề ở mức cao nhất (70%) cho giáo viên đang công tác ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện chính sách thu hút trong 5 năm đầu công tác ở vùng khó khăn; xây dựng chính sách địa phương để hỗ trợ giáo viên công tác ở vùng khó khăn (tùy tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; đưa việc xây dựng nhà công vụ, công trình nước sạch cho giáo viên vào Chương trình kiên cố hóa trường học; vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm để xây dựng nhà công vụ và công trình thiết yếu cho giáo viên.

Bộ cũng đã triển khai phong trào "trường giúp trường, phòng giúp phòng" để hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên vùng cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên vùng cao.

Chia sẻ về những giải pháp giữ chân giáo viên, hạn chế tình trạng giáo viên chuyển vùng, ông Đức cho hay, Bộ cũng đang thực hiện các giải pháp về chế độ chính sách; sử dụng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông để giảm bớt khó khăn cho giáo viên, thu hẹp khoảng cahs giữa vùng cao và miền xuôi; chú trọng tạo nguồn đào tạo giáo viên từ chính học sinh người dân tộc, người địa phương; tạo điều kiện cho giáo viên có thể định cư tại nơi dạy học (chính sách hỗ trợ cấp đất sạch cho giáo viên làm nhà...).

Về xã hội hóa giáo dục ở vùng khó khăn, theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục: "Việc xã hội hóa tại chỗ là khó thực hiện (chỉ có thể thực hiện ở trung tâm thành phố, thị xã vùng cao). Đối với đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho con em họ đi học, đảm bảo quyền học tập của trẻ em.

Việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ giáo dục vùng cao là cần thiết và là nguồn lực đáng kể để góp phần phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và hỗ trợ giáo viên đang công tác tại các vùng này. Tuy nhiên, khi vận động tài trợ hàng hóa, vật chất (giày dép, quần áo, đồ dùng cá nhân) cần chú ý đến nhu cầu thiết yếu (quần áo ấm, ủng,…) đặc điểm dân tộc, vùng miền để việc hỗ trợ có hiệu quả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem