Thầy giáo chỉ cao 1,1m ở Hà Nội khiến bao người nể phục
Thầy giáo chỉ cao 1,1m ở Hà Nội khiến bao người nể phục
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 19/11/2022 11:02 AM (GMT+7)
Điều hạnh phúc nhất của tôi là hàng ngày được tiếp xúc và truyền nguồn năng lượng tích cực cho học sinh và ngược lại được học sinh truyền năng lượng cho mình", thầy Chu Quang Đức, giáo viên Trường THPT Mê Linh, Hà Nội chia sẻ.
Trong chương trình Thay lời tri ân 2022 - "Cây đời trăm năm", thông qua những hình ảnh, câu chuyện dạy học xúc động, đáng khâm phục về những thầy cô hết lòng về học trò thân yêu, chương trình như một lời tri ân gửi tới các thế hệ nhà giáo dịp 20/11. Điểm chung trong những câu chuyện được kể trong chương trình năm nay là mỗi thầy cô không chỉ dừng lại ở người truyền dạy kiến thức mà còn là người đồng hành, thấu hiểu trên mỗi hành trình của học trò.
Đó là câu chuyện nghị lực của thầy Chu Quang Đức, giáo viên Trường THPT Mê Linh, Hà Nội. Thầy Đức bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên rất nhỏ bé, thầy chỉ cao 1,1m, không đi lại được và phải ngồi xe lăn. Nhờ sự yêu thương của gia đình và nghị lực vươn lên, thầy đã tốt nghiệp khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm - Hà Nội. Suốt 12 năm qua thầy Chu Quang Đức đã "gieo mầm" cho nhiều lớp học trò về giá trị của việc học tập để trở thành người có ích.
"Điều mong ước của tôi là sống trở thành người có ích cho xã hội, đất nước này. Tôi tự hào là người Việt Nam. Điều hạnh phúc nhất của tôi là hàng ngày được tiếp xúc và luôn truyền nguồn năng lượng cho học sinh, được học sinh truyền năng lượng cho mình. Được tương tác 2 chiều đấy tôi luôn trẻ, luôn khỏe và không bao giờ hối hận khi chọn con đường ấy", thầy Đức chia sẻ.
Đó là câu chuyện "nuôi em" của cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Phan Đình Giót, tỉnh Điện Biên.Nhiều năm liền được nhà trường phân công đi tuyển sinh ở các bản vùng sâu vùng xa như Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ; chứng kiến các hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời vô cùng éo le mà nếu không có sự hỗ trợ thì cuộc đời của các em ấy sẽ rẽ sang ngã rẽ khác, không có tương lai, cô Hà đã bắt đầu hành trình nuôi em hàng tháng.
Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhờ hành trình của cô Hà đã nuôi ăn, nuôi học và đã trưởng thành. Chia sẻ về việc làm của mình trong chương trình, cô Hà bộc bạch: Sau mỗi hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn lòng mình lại thấy thanh thản, an vui và hạnh phúc. Và đây chính là những động lực thôi thúc cô trên hành trình nuôi em hàng tháng.
Em Giàng A Say, học sinh Trường THPT Phan Đình Giót chia sẻ: "Bố em mất hồi còn bé, mẹ em bỏ đi sau đó. Cô Hà biết hoàn cảnh và đón em về. Lúc mới về cô rất quan tâm, hỏi han. Cô là người đầu tiên tặng cho em áo ấm mùa đông, mua sách đi học chăm sóc em như con cái. Cô Hà là người hiền dịu, luôn yêu thương học sinh miền núi. Cô đã đỡ đầu cho nhiều học sinh khó khăn như em".
Đó là câu chuyện "cây xương rồng" của cô giáo Bùi Lê Xuân Trang, Trường THPT Vĩnh Xuân, Vĩnh Long để cảm hóa, đồng hành với cô học trò ương ngạnh, gai góc có hoàn cảnh gia đình éo le. Giờ đây cô học trò ấy đã chuẩn bị tốt nghiệp cao đẳng, đã trở thành một người cởi mở, hòa đồng và quan trọng là có tương lai.
Câu chuyện cảm hóa của cô giáo Xuân Trang cho thấy, khi học trò thực sự được lắng nghe, được thấu hiểu, được yêu thương, các em sẽ vượt qua được khó khăn, mặc cảm, để trở thành người có ích.
Sinh ra và lớn lên tại Yên Bái, cô giáo Đỗ Thùy Quyên (36 tuổi) đã có 17 năm gắn bó với nghề giáo trên vai trò là giáo viên mầm non. Trong đó cô dành nhiều thời gian với trẻ em Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, một trong những khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.
Từ năm 2018, khi tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft, cô Quyên có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền tổ quốc. Cô giáo đã ứng dụng công cụ Skype mở lớp học "xuyên biên giới". Thông qua Skype, cô Quyên kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và ở nước ngoài.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Quyên cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người xung quanh đã giúp những đứa trẻ vùng cao trở nên tự tin và mở lòng hơn với cô giáo. Để giờ đây, từ một giáo viên người Kinh lên xã Suối Giàng công tác, cô Quyên đã trở thành "người mẹ thứ 2" của những đứa trẻ người Mông.
"Cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, cống hiến của tất cả nhà giáo"
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Đã từ nhiều năm nay, chương trình "Thay lời tri ân" được tổ chức phát sóng nhân dịp 20/11 hàng năm. Chương trình được nhân dân và các nhà giáo đánh giá cao. Qua chương trình, khán giả biết tới nhiều hơn những cống hiến, hy sinh, những việc cao đẹp, những tấm lòng, sự sáng tạo và trí tuệ của các nhà giáo. Qua đó, xã hội cảm thông, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng và yêu quý các nhà giáo nhiều hơn.
Theo Bộ trưởng, những tấm gương các nhà giáo được chương trình nói tới chắc chắn mới chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những tấm gương cống hiến, những việc làm tốt của các thầy, các cô khắp mọi nẻo đường đất nước. Thông qua chương trình, lãnh đạo Bộ GDĐT muốn bày tỏ sự ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, cống hiến của tất cả nhà giáo, những người đã được xã hội biết tới, được ngợi ca và cả những người luôn hy sinh thầm lặng chưa được nhiều người biết tới.
"Cuộc sống vốn dĩ công bằng, sự ghi nhận lớn nhất, sâu sắc nhất, sống động nhất với công lao các thầy cô không gì khác chính là sự ghi nhận của học trò", chia sẻ điều này, Bộ trưởng gửi lời chúc, gửi lời cảm ơn tới toàn thể nhà giáo, các cựu giáo chức. "Chúc tất cả các cô, các thầy luôn mạnh khỏe, nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn, luôn hạnh phúc với cuộc sống, hạnh phúc với nghề nghiệp và với học trò; luôn sống vinh quang cùng nghề nghiệp và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người nhiều ý nghĩa", Bộ trưởng bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.