Xung quanh vụ tranh cãi chưa tới hồi kết giữa Ngân hàng TMCP Xây dựng (CB) và Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang (công ty mẹ, đại diện một nhóm công ty tư nhân có nhận diện thương hiệu Phương Trang) về những khoản nợ xấu lớn mà ngân hàng này đã cho doanh nghiệp vay nảy sinh nhiều câu hỏi...
Sao cho vay nhiều thế?
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có thâm niên 20 năm trong ngành thốt lên: “Tôi càng đọc (báo) càng thấy vô lý. Chuyện tưởng như hài hước. Ngân hàng cho vay ngàn tỉ mà như cho mượn giấy vụn. Doanh nghiệp thì coi tiền ngân hàng như lượm được ngoài đường”.
Theo ông, điều “vô lý sờ sờ” đầu tiên là sao ngân hàng dám cho vay nhiều như vậy. Những khoản nợ của Phương Trang chủ yếu vay tại thời điểm CB còn là Ngân hàng Đại Tín, từ năm 2010-2013. Ở thời điểm đó, Đại Tín có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Theo quy định, ngân hàng chỉ được cho vay không quá 25% vốn tự có với nhóm doanh nghiệp liên quan và không quá 15% vốn tự có với một doanh nghiệp. Với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, ngân hàng này chỉ được cho nhóm công ty liên quan đến Phương Trang vay tối đa 750 tỉ đồng. Số nợ được hai bên công bố (dù chưa rõ số nào là chính xác) đều lớn hơn con số này nhiều lần. Đại diện Phương Trang nói nợ hơn 3.400 tỉ đồng. Đại diện ngân hàng cho biết số nợ cả gốc lẫn lãi tại CB là 9.500 tỉ đồng.
Nhiều tranh cãi xung quanh giá trị tài sản đảm bảo của Phương
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: Trên thực tế, doanh nghiệp được ngân hàng cho vay vượt trần nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép bằng văn bản trong những trường hợp đặc biệt nhưng khả năng này ít xảy ra. Thứ hai là cho vay hợp vốn, vài ngân hàng cho vay thông qua một ngân hàng đầu mối, điều này thỉnh thoảng xảy ra. Thứ ba là phía ngân hàng hoặc doanh nghiệp hoặc cả hai bên lách các quy định, “đi đêm” với nhau để vay vốn của ngân hàng bằng trái phiếu, hợp đồng ủy thác, góp vốn hợp tác kinh doanh... hoặc bằng các hình thức khác. Theo đó, tiền đi qua 5-7 “trạm” mà trên giấy tờ không hề có liên quan.
Điều “vô lý” thứ hai là, ngân hàng cho vay trong 27 hợp đồng tín dụng (chưa chắc đây đã là con số cuối cùng) với tổng số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng mà đến nay vẫn chưa biết “ông nào” nào là “ông” vay mình.
Hồ sơ giấy tờ kiểu gì mà bây giờ còn đi cãi nhau pháp nhân của khoản nợ là ai. Trong khi ông Nguyễn Văn Tuân (người của NHNN, được phân làm Chủ tịch Hội đồng thành viên CB sau khi NHNN mua CB với giá 0 đồng) nói “Hồ sơ thể hiện Phương Trang và nhóm đấy đang nợ hơn 3.400 tỉ đồng”, còn đại diện Phương Trang lại cho rằng: “Chúng tôi đề nghị không dùng từ nhóm, Futa Bus Lines không có nhóm với ai. Ông nào nợ phải cụ thể ông đó. Mỗi đơn vị có pháp nhân rõ ràng và nó tự chịu trách nhiệm” (nguồn: news.zing.vn).
Vị tổng giám đốc ngân hàng trên nói: “Luật Doanh nghiệp không có khái niệm “nhóm”. Nhóm không có tư cách pháp nhân nên ngân hàng không thể cho một tổ chức không có tư cách pháp nhân vay. Khái niệm nhóm là khái niệm ảo, gọi cho vui để lấy oai khi kinh doanh”.
Ông còn cảm thấy khó hiểu chuyện hai bên không xác định được số nợ, còn nếu như cố tình không chịu xác định số nợ thì càng lòi cái đuôi kém minh bạch.
Tài sản mà Phương Trang thế chấp ở CB gồm những gì, được định giá bao nhiêu cũng là vấn đề hai bên đang tranh cãi. Rồi mặc dù hai bên đã họp và đối chiếu công nợ rất nhiều lần dưới sự chứng kiến của cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan thanh tra giám sát thì nay họ vẫn yêu cầu... tiếp tục đối chiếu công nợ.
Nhóm công ty gồm những công ty nào?
Thông tin được báo chí nêu ban đầu cho thấy có cả chục công ty được thành lập với bộ nhận diện thương hiệu Phương Trang: Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang (Futa Corp), Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang (Futatrans Corp), Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines), Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt, Công ty cổ phần Taxi Phương Trang, Công ty cổ phần Dịch vụ chuyển phát nhanh Phương Trang (Futa Express)... Trong đó, có những công ty đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế mặc dù vẫn nợ tiền ngân hàng.
Ngoài ra, các cổ đông cá nhân sáng lập của Phương Trang cũng đứng tên thành lập nhiều công ty khác nhau.
Thế nên mới có chuyện, doanh nghiệp cho rằng chẳng có pháp nhân nào tên là Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang có quan hệ tín dụng với ngân hàng CB, còn văn bản của CB thì ghi Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) là đơn vị chịu trách nhiệm về khoản nợ.
Có thể thấy, chuyện ngân hàng cho nhiều công ty có liên quan ngầm vay, hay doanh nghiệp cố tình đẻ ra nhiều công ty để chia nhỏ các khoản vay hay làm như không liên quan với nhau trên hồ sơ sổ sách là một... thực tế mà có lẽ pháp luật chưa điều chỉnh hết được các ngóc ngách.
Việc doanh nghiệp cần tiền, muốn vay nhiều ngàn tỉ đồng, kết hợp với khát khao trở thành “ngân hàng hàng đầu” của một số ngân hàng, đã tạo ra các khoản vay bị chia nhỏ nhưng thực chất là rất lớn, không chỉ riêng với trường hợp Phương Trang.
“Nếu nói ngân hàng kém đến nỗi không biết doanh nghiệp trục trặc mà vẫn vui vẻ cho vay thì khả năng ấy gần như không có. Tôi có thể khẳng định quy chuẩn của ngành ngân hàng gần đây ngày càng chặt, nếu chủ đầu tư cố tình lấp liếm để vay vốn, tôi tin 99% ngân hàng phát hiện ra”, lãnh đạo một ngân hàng nói.
Theo ông, “còn nếu người của ngân hàng cố tình lờ đi các điểm yếu của doanh nghiệp mà tiếp tục bơm vốn ra thì... chịu”.
Thanh tra ngân hàng ở đâu?
Hiện có hai cách NHNN thanh tra các ngân hàng: thanh tra hồ sơ và thanh tra trực tiếp.
Với hình thức thanh tra hồ sơ vay vốn, nếu hồ sơ được làm kỹ, che giấu tốt, hồ sơ vay vốn của một nhóm công ty liên quan ngầm nhưng trên giấy tờ thể hiện độc lập với nhau thì thanh tra có thể không phát hiện ra.
Nhưng với hình thức thanh tra, kiểm tra trực tiếp, người của cơ quan thanh tra đến tận ngân hàng xem giấy tờ và đến tận doanh nghiệp xem dự án cùng với theo dõi đường đi của các dòng tiền thì không khó để nhìn ra sự bất thường của hồ sơ vay vốn.
Xảy ra vụ việc này, theo một số ngân hàng, hệ thống thẩm định tín dụng xét duyệt cho vay và hệ thống thẩm định sau cho vay của ngân hàng có trục trặc. Còn về phía cơ quan tranh tra, họ đã không nhận ra hoặc nhận ra nhưng không ngăn chặn kịp thời.
“Chúng tôi báo cáo NHNN từng ngày. Một khoản vay có vấn đề, nội bộ ngân hàng chắc chắn biết thì thanh tra cũng có thể có đầy đủ thông tin để biết. Khi phát hiện khoản vay bất thường, thường là tranh tra sẽ yêu cầu khắc phục ngay, doanh nghiệp trả lại tiền vay cho ngân hàng”, một người làm ngân hàng đề nghị không nêu tên cho biết. Nhưng theo vị này “trên thực tế, có trường hợp khi bị yêu cầu khắc phục nguyên trạng khoản vay thì doanh nghiệp lại vay thông qua một công ty X, Y ở đâu đó không hề liên hệ gì đến doanh nghiệp cũ, nên nếu ngành ngân hàng không cải thiện từ yếu tố con người thì vẫn thế”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, khi người của ngân hàng còn hiểu không đúng về đồng tiền mình quản lý thì còn chuyện “đi đêm” với doanh nghiệp. Cho vay đã sai rồi, nếu hở ra thì vỡ trận, bị đi tù, bị nợ xấu tăng, đâm lao phải theo lao, thậm chí có nơi càng biết doanh nghiệp xấu càng cho vay nhiều. Lấy cái sai này sửa cái sai khác nên càng sai. Cứ thế ngân hàng và doanh nghiệp “đu” vào nhau. Ngân hàng thành “con nợ” của doanh nghiệp lúc nào không hay!
Hồng Phúc (Thời báo kinh tế Sài gòn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.