Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (ảnh PV).
Làm sao để dân "tâm phục khẩu phục"
Sáng nay (14/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Liên quan đến xử lý gian lận điểm thi ở Hà Giang vừa qua, người dân cho biết không đồng tình vì Hà Giang xử lý chưa đúng đối tượng, có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ. Ông Phúc đề nghị tỉnh Hà Giang phải xử lý làm sao để dân "tâm phục khẩu phục".
Trước đó, ngày 1/10, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hà Giang công bố 46 đảng viên bị kỷ luật vì nâng điểm, hoặc nhờ nâng điểm cho con cháu trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, 42 đảng viên bị khiển trách, một người bị cảnh cáo, ba người bị khai trừ Đảng. Trong số này có bà Triệu Thị Giang (Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch Đầu tư), em gái ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Trong số cán bộ, đảng viên bị đề nghị kiểm điểm, có bà Phạm Thị Hà (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là vợ ông Triệu Tài Vinh). Lý do, bà Hà phải kiểm điểm Chi bộ và Đảng ủy Sở vì để em chồng (tức bà Triệu Thị Giang) tác động nâng điểm cho con.
Vụ xét xử gian lận điểm ở Hà Giang được dư luận quan tâm (ảnh N.C).
Liên quan đến xử lý gian lận điểm thi, sáng nay tại Hà Giang đã diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng điểm cho hơn 100 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Tòa án triệu tập 187 người (trong đó, 86 người đã có mặt, 82 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 19 người vắng mặt không lý do).
Cần làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT
Về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết: Đối với những kiến nghị của cử tri liên quan đến khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, trả lời của bộ, ngành thường đưa ra số liệu thanh tra, xử lý vi phạm chung, các giải pháp khắc phục chung, chưa nêu kết quả xử lý đối với sai phạm cụ thể mà cử tri đề cập, chẳng hạn: cử tri nhiều địa phương (8 địa phương kiến nghị tại kỳ họp thứ 6 và 20 địa phương tại kỳ họp thứ 7) kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018.
Trả lời cử tri Bộ GD&ĐT nêu: Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm Phần mềm chấm thi; Công tác quán triệt quy chế thi; Công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, trả lời không nêu rõ có cá nhân, đơn vị nào vi phạm hay không, mức độ vi phạm và xử lý như thế nào?
Cử tri cho rằng vụ gian lận thi cử năm 2018 vừa qua, nhìn chung các địa phương đặc biệt là Hòa Bình và Sơn La đã xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm. Có thể nói, những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi.
Bên cạnh đó, Bộ cần tiếp tục rà soát, công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi, vì việc chấm thi tốt nghiệp THPT có sử dụng phần mềm này đã diễn ra từ năm 2016, vậy những kỳ thi trước đã từng xảy ra sai sót nào hay chưa?
Đối với kỳ thi 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuy nhiên cử tri còn băn khoăn về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi 2018 và mong muốn Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp tục rà soát, xử lý những vi phạm tại kỳ thi 2018 nếu có, để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.