Cơ hội cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 26/01/2024 05:55 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT đã ban hành đề án phát triển sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đến năm 2023, tầm nhìn 2050. Đề án đã cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững.
Bình luận 0

Xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng

Theo báo cáo của Cục BVTV (Bộ NNPTNT), xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học ngày càng phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam, từ năm 2020 - 2023, số lượng thuốc BVTV sinh học tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng.

Về xuất khẩu, lượng thuốc BVTV sinh học xuất khẩu hàng năm của nước ta trung bình 600 tấn/năm, chiếm khoảng 5% so với tổng lượng thuốc BVTV xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu là Đài Loan, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản... Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia (chiếm 51,4%) và Đài Loan (32,9%).

Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hàng năm của nước ta trung bình 18.000 - 20.000 tấn/năm (chiếm khoảng 15-20% so với tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu). Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU, ASEAN…

Cơ hội cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học- Ảnh 1.

Nông dân Bạc Liêu phun thuốc BVTV bảo vệ lúa. Ảnh: B.B.L

Hiện nay, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình giảm từ 3,81kg/ha (năm 2020) xuống 3,19kg/ha (năm 2022). Trong đó, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng tăng từ 16,67% (năm 2021) lên 18,49% (năm 2022). Các địa bàn sử dụng thuốc BVTV sinh học nhiều là: Đông Nam Bộ (1,49 kg/ha), ĐBSCL (0,79 kg/ha).

Bộ NNPTNT đã ban hành đề án phát triển sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2023, tầm nhìn 2050. Trong đó, cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững. 

Thống kê cho thấy, tổng giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học năm 2023 ước tính 6,7 tỷ USD, năm 2028 sẽ tăng lên 13,9 tỷ USD. Tăng trưởng bình quân về giá trị 15,9%/năm. Dự báo, năm 2040 - 2050, giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ bằng và vượt giá trị thị trường thuốc hóa học.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) chia sẻ, hệ thống văn bản pháp luật về BVTV ở nước ta hiện nay đã đầy đủ, thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVTV, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc BVTV.

Bà Hiên cũng cho rằng phải tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực thi các quy định về quản lý, sử dụng thuốc BVTV từ quy trình đăng ký, thực hiện khảo nghiệm đảm bảo quy định rõ ràng trong thành phần hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính thực hiện. Cải tiến quy trình đăng ký thuốc BVTV như: Chuyển từ hình thức quản lý theo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam sang hình thức quản lý theo giấy chứng nhận đăng ký. Xem xét bổ sung quy định với trường hợp xuất hiện sinh vật gây hại mới/đối tượng cây trồng nhưng chưa có thuốc BVTV được đăng ký sử dụng thì Bộ NNPTNT sẽ cho phép sử dụng thuốc BVTV đã được đăng ký để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ưu tiên đăng ký thuốc BVTV sinh học

Cơ hội cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học- Ảnh 2.

Nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) phun chế phẩm sinh học ngâm từ rượu, tỏi, ớt cho cây vải. Ảnh: Phan Hậu

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục BVTV, hiện nay việc quản lý, đăng ký thuốc BVTV sinh học đang được ưu tiên hơn thuốc hóa học. Thời gian đăng ký, phí đăng ký, khảo nghiệm, thời gian khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học đã được cắt giảm rất nhiều so với thuốc BVTV hóa học. 

Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học còn nhiều hạn chế nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của người dân và các bên liên quan chưa đúng về hiệu lực, kỹ thuật sử dụng, hiệu quả kinh tế của thuốc BVTV sinh học. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật hơn thuốc BVTV hóa học và giá thành của thuốc BVTV sinh học cao hơn cũng là rào cản cho việc sử dụng rộng rãi.

Cục trưởng Cục BVTV thông tin, hiện trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có rất nhiều thuốc BVTV được đăng ký phòng trừ sinh vật gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, chủ yếu là các cây trồng chính như lúa, cà phê, rau, cây ăn quả… Tuy nhiên đối với một số cây trồng như chanh leo, dâu tây… thì số lượng thuốc BVTV đăng ký rất ít, khoảng 9-10 loại thuốc. Bên cạnh đó, một số sinh vật gây hại trên một số cây trồng đặc thù lại không có thuốc BVTV được đăng ký. Cục BVTV đã có văn bản để hướng dẫn, ưu tiên các tổ chức, cá nhân đăng ký các sinh vật gây hại trên các cây trồng này.

Việc thu gom vỏ bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được quy định trong Thông tư liên tịch số 05/2016/TT-BNNPTNT-BTNMT. Trước hết, việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thuộc trách nhiệm người sử dụng thuốc, của tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn thu gom bao gói đúng chỗ, địa điểm đặt bể chứa thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã. Việc xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được quy định tại Luật Môi trường.

Theo quy định của Luật Môi trường và các văn bản hướng dẫn, các doanh nghiệp thuốc phải đóng góp, sử dụng, đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trong thời gian vừa qua Cục BVTV đã phối hợp với Croplife, Hiệp hội VIPA và các doanh nghiệp khác có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ phối hợp Hiệp hội VIPA, Croplife và Bộ Tài nguyên - Môi trường, hướng dẫn các quy định trong công tác thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV, đặc biệt là việc lập đề cương để đề xuất kinh phí cho việc xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem