Cơ hội đầu tư vào Hà Giang

Chủ nhật, ngày 26/12/2010 11:06 AM (GMT+7)
Hà Giang sẽ nỗ lực hết sức mình để biến khó khăn thành lợi thế, đưa cao nguyên đá trở thành động lực, đòn bẫy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bình luận 0

Thời gian gần đây Hà Giang đã thật sự nổi tiếng nhờ sự kiện cao nguyên đá Đồng Văn được ghi danh vào hệ thống công viên địa chất toàn cầu hồi tháng 10-2010.

Ông Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Hà Giang cho biết, sự kiện cao nguyên đá Đồng Văn được ghi danh vào hệ thống công viên địa chất toàn cầu vừa qua có ý nghĩa đặc biệt trong việc quảng bá hình ảnh đất và người của Hà Giang với bạn bè quốc tế.

img
Ông Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Hà Giang

Và Hà Giang sẽ nỗ lực hết sức mình để biến khó khăn thành lợi thế, đưa cao nguyên đá trở thành động lực, đòn bẫy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Tỉnh cũng đang tích cực cải cách hành chính công, “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư vào địa bàn, đảm bảo các yếu tố nền tảng cho một giai đoạn phát triển đột phá mới!...

Ông đánh giá thế nào về sự kiện cao nguyên đá Đồng Văn vừa được vinh danh là công viên địa chất toàn cầu hồi tháng 10 vừa qua? Đảng bộ tỉnh Hà Giang sẽ làm gì để biến sự kiện này thành lợi thế thực sự cho phát triển kinh tế nói chung, thưa ông?

Ông Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang: Sự kiện cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện vùng cao: Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh của Hà Giang được ghi danh vào hệ thống công viên địa chất toàn cầu hồi tháng 10 vừa qua thực sự có một ý nghĩa đặc biệt đối với việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang với bạn bè cả nước và quốc tế.

Có thể nói, từ đây, Hà Giang sẽ vinh dự được đứng vào bản đồ du lịch thế giới, vị thế Hà Giang sẽ được nâng lên một tầm khác biệt rõ rệt… Kỳ vọng phát triển ngành kinh tế công nghiệp không khó đã có cơ sở để hiện thực hóa.

Chúng tôi cũng xác định đây vừa là thời cơ, nhưng cũng đồng thời là thách thức, vì nếu Hà Giang làm không tốt thì sẽ bị “xóa sổ” khỏi danh sách, cũng như để lại nhiều ác cảm cho bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang quyết tâm làm mọi cách để biến lợi thế này thành sức mạnh đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XV vừa qua cũng xác định rõ nhiệm vụ then chốt vẫn là xóa đói giảm nghèo bền vững, tập trung vào các đột phá về kinh tế, xây dựng nông thôn mới… Hy vọng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn sẽ tạo nên 1 đột phá lớn trong các chiến lược phát triển của Hà Giang.

Trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế với rất nhiều thách thức như hiện nay, một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hà Giang đã, đang và sẽ làm gì để xóa đói giảm nghèo bền vững, thưa ông?

Ông Triệu Tài Vinh: Là một tỉnh miền núi Đông Bắc tổ quốc, với địa hình hiểm trở và thiên nhiên khắc nghiệt, Hà Giang trước đây vẫn được biết đến là 1 trong các tỉnh nghèo nhất nước. Chính vì vậy, trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế như hiện nay, khó khăn, thách thức đối với Hà Giang càng lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, xóa đói giảm nghèo là một mục tiêu chiến lược, không chỉ riêng đối với Hà Giang, mà còn là mục tiêu quốc gia.

Trong những năm qua, Hà Giang cũng đã được thụ hưởng rất nhiều các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo như 134, 135, và gần đây nhất là chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo đề án 30a của Chính phủ… Đảng bộ và nhân dân Hà Giang đã tích cực triển khai, hưởng ứng, tạo hiệu quả tối đa trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng cao núi đá như Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc… Cơ sở hạ tầng được cải tiến rõ rệt, đời sống người dân được nâng lên, nhất là y tế, giáo dục được đồng bộ hóa, đã làm thay đổi căn bản hình ảnh và vị thế của Hà Giang trong mắt bạn bè cả nước… Có thể nói, chính là động lực nền tảng cho chúng tôi tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong bối cảnh mới, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, tiến tới hội nhập kinh tế…

Ngoài việc triển khai tốt các chương trình xóa đói giảm nghèo mang tính chất mục tiêu quốc gia, Hà Giang lấy yếu tố nào làm điểm nhấn để phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập, thưa ông?

Ông Triệu Tài Vinh: Tất nhiên, Hà Giang không thể chỉ tập trung xóa đói giảm nghèo theo ngân sách hỗ trợ mãi được. Chúng tôi xác định để thực sự phát triển đồng bộ và bền vững, địa phương cần phát huy nội lực, tập trung kêu gọi đầu tư lâu dài, cũng như có những sáng kiến, vận dụng táo bạo để đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn một cách thực sự.

Những năm qua, Hà Giang cũng đã phát triển tốt cây chè, nhất là cây chè Shan Tuyết cổ thụ, cây cam sành, cho giá trị kinh tế cao. Nếu như 10 năm trước đây, Hà Giang vẫn phải xóa đói nhờ vào viện trợ gạo và mua gạo từ các tỉnh, thì hiện nay chúng tôi đã có gạo ngon bán xuống miền xuôi…

Thời gian tới, khi quy hoạch cửa khẩu Thanh Thủy được Chính phủ nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, đây cũng là một điểm nhấn để Hà Giang tập trung khai thác giao thương, hội nhập… Ngoài ra, Tỉnh cũng đang tích cực cải cách hành chính công, “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư vào địa bàn, đảm bảo các yếu tố nền tảng cho một giai đoạn phát triển đột phá mới!...

Cảm ơn ông!

Theo Tamnhin.net

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem