Điều quan trọng nhất với những học viên là họ đã áp dụng kiến thức, kỹ năng nghề vào công việc, nâng cao được giá trị sản phẩm.
|
Ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Đan Phượng trao chứng chỉ nghề cho lớp học nghề trồng và chăm sóc cây cảnh thuộc Hội Sinh vật cảnh. |
Có học có hơn
Anh Bùi Quang Kỳ (cụm 4, xã Hạ Mỗ) có thâm niên chục năm trồng cây cảnh. Cách đây 3 tháng, thấy anh Kỳ hào hứng đăng ký lớp học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, nhiều người bảo anh tốn thời giờ để học cái nghề mình đã biết.
“Tôi chỉ tiếc mình không học sớm hơn. Trước kia, tôi thích uốn, nắn cây theo thế, dáng mà mình thích. Đi học, tôi mới biết nhiều cây mình đã uốn hỏng, làm sai dáng. Nói đơn giản, 1 cái cây trước kia khách đến chỉ trả có 20 triệu đồng, sau khi tôi cắt tỉa, tạo dáng mới, thế mới theo kiến thức đã học đã có khách trả tới 50 triệu đồng”- anh Kỳ khoe.
Trong 35 học viên của xã Hạ Mỗ, hầu hết đều như anh Kỳ là làm cây cảnh theo cảm tính. Anh Uông Văn Thêm (thôn Trúng Đích) chia sẻ: “Trước kia, tôi mua hay bán cây theo cảm tính. Cây dáng đẹp, hoặc tiềm năng có thế tốt có khi không mua, lại mua cây xấu. Khi mua cây về, làm sai dáng, uốn sai thế nên bán cũng ít tiền”.
Khác với xã Hạ Mỗ, 35 học viên của Hội Sinh vật cảnh huyện Đan Phượng đều là những người có ít nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trước khi đến với lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh. Anh Bùi Quang Hiển (thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng) thổ lộ: “Đi học tôi mới biết kỹ thuật làm giá thể hay cách bón phân theo từng thời kỳ cho cây. Chúng tôi còn được thầy truyền đạt những thông tin định hướng thị trường, khả năng kinh doanh...”.
Học nghề để làm nghề
Hầu hết học viên của các lớp nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh do Trường Trung cấp Nghề T.Ư Hội NDVN và Phòng LĐTBXH huyện Đan Phượng tổ chức đều có kế hoạch chuyên tâm theo đuổi nghề. Ông Nguyễn Xuân Đài (57 tuổi), ở thôn 5, xã Phương Đình tự tin: “Sau mấy năm tích cóp, trong sân, vườn nhà tôi cũng có gần 100 cây cảnh các loại. Có tuổi, trồng và kinh doanh cây cảnh với tôi là phù hợp nhất. Giờ đây, tôi rất tự tin khi cầm kéo cắt tỉa, chằng dây uốn thế, dáng cho cây”.
Không chỉ tự tin khi làm nghề, các học viên còn được “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” tại các vườn cây cảnh có giá trị. Lớp học của các hội viên sinh vật cảnh huyện Đan Phượng tổ chức đi thăm quan thực tế tại các vườn cây cảnh nổi tiếng trong vùng. Còn các học viên của xã Hạ Mỗ thì tổ chức chuyến tham quan học hỏi tại làng cây cảnh truyền thống Nam Điền (Nam Trực, Nam Định).
Từ 14 đến 17.1, Trường Trung cấp Nghề T.Ư Hội NDVN đã tổ chức bế giảng và cấp chứng chỉ nghề cho hơn 180 học viên của 5 lớp nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cây cảnh, trong đó 2 lớp trên địa bàn huyện Đan Phượng, 3 lớp trên địa bàn huyện Từ Liêm (Hà Nội).
“Việc tham quan, học tập giúp tôi có thêm động lực để mở rộng nghề. Hơn 10 năm nay, tuy gọi là nghề “tay trái”, nhưng trồng cây cảnh lại là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ cây cảnh mang về cho gia đình tôi 50-60 triệu đồng. Tới đây, tôi sẽ mở rộng quy mô cũng như số lượng, chủng loại cây cảnh”- anh Bùi Quang Hiển ở xã Song Phượng thổ lộ.
Ông Bùi Tất Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ cho biết, chính quyền xã rất ủng hộ việc ra đời CLB Sinh vật cảnh với 35 hội viên lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh. Trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh rất phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, văn hoá của địa phương trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Đan Phượng: “Học viên xác định học nghề để làm nghề nên việc học hành rất nghiêm túc. Đây chính là kinh nghiệm rút ra cho những lớp học nghề sẽ tổ chức mở sau này trên địa bàn huyện”.
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.