Cuối tháng 10.1966, Tiểu đội nữ xung kích Đại đội 873 thuộc Đội 87 TNXP (đều là những người con của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về đóng quân tại xóm Văn Miếu, xã Đông Văn (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) làm nhiệm vụ ứng cứu ga Thanh Hóa và đảm bảo giao thông con đường tránh vào núi Nấp (xã Đông Hưng, Đông Sơn). Đây là trọng điểm chiến lược, ta dựa vào thế núi để cất giấu tàu xe và nhiều vật tư, hàng hóa phục vụ chiến đấu. Vì vậy, mỗi năm nơi đây phải hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn của địch.
Với khẩu hiệu: “Máu có thể đổ, chúng ta có thể hy sinh nhưng đường không thể tắc”; hay “C873 quyết tử cho đường sắt quyết thông”; “địch phá thì ta làm lại”... những lời thề ấy đã khắc ghi trong tâm trí những người con của vùng đất Đông Hưng, Thái Bình. Dưới làn “mưa bom, bão đạn”, những người lính TNXP như những con thoi, luôn có mặt ở các trọng điểm ác liệt như cầu Cun, ga Minh Khôi, núi Nấp, núi Nhồi... để thông tuyến, mở đường, tháo bom; hoàn thành trọng trách nặng nề, quan trọng mà dân tộc giao phó. Chỉ tính riêng năm 1966, đầu năm 1967, đội xung kích Đại đội 873 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đào đắp hơn 10.000m3 đất đá; khắc phục 140 trận đánh phá của giặc Mỹ trên địa bàn, giữ vững tuyến đường sắt giao thông; đưa 16.000 tấn vũ khí, đạn dược, lương thực vào phục vụ chiến trường B-C-K.
13 cô gái anh dũng hy sinhChúng tôi tìm đến nhà cụ Lê Đình Pháo (xã Đông Văn, huyện Đông Sơn) – nhân chứng ít ỏi thời bấy giờ còn sống, để nghe kể về cái đêm định mệnh mà bom của giặc Mỹ đã cướp đi mạng sống của 13 nữ TNXP.
Gần 90 tuổi đời, hơn 50 tuổi Đảng, cuộc đời ông đã chứng kiến sự hy sinh cao cả của biết bao đồng chí, đồng đội của một thời đạn lửa. Câu chuyện hy sinh của 13 cô gái TNXP Thái Bình, bất chợt làm khuôn mặt cụ Pháo chùng xuống, đôi mắt xa xăm, nỗi đau về sự mất mát ngày nào vẫn như còn hiện hữu.
Sự hy sinh anh dũngCụ Pháo nhớ lại: “Hòng chặt đứt chi viện cho miền Nam nên giặc Mỹ cho máy bay liên tục càn quét, bắn phá cả ngày lẫn đêm. Khoảng 4 giờ sáng ngày 11.5.1967, đoạn đường sắt núi Nấp lại bị bom Mỹ oanh tạc dữ dội, đường ray bị lật tung, nhiều đoạn trúng bom bị hư hỏng nặng làm tê liệt cả tuyến đường. Nhận được mệnh lệnh, cùng tham gia với lực lượng TNXP còn có 10 công nhân đường sắt, tổng cộng khoảng 70 người, nhanh chóng san lấp, chuyển đá, kê lót tà vẹt để nối ray. Dự kiến hoàn thành kế hoạch thông xe trước 21 giờ. Chỉ còn khoảng 15 phút nữa là hoàn thành nhiệm vụ, mọi người đang hối hả siết lại những bu lông cuối cùng, thu dọn đất đá, kiểm tra độ an toàn lần cuối, chuẩn bị thông xe thì bất ngờ máy bay Mỹ lao đến cắt bom toạ độ. Bốn quả bom rơi trúng đội hình của tiểu đội xung kích. Bom nổ, đất đá tung lên, khói bom mù mịt không ai kịp chạy vào hầm. 13 cô gái TNXP tuổi đời mười tám, đôi mươi cùng với 4 công nhân đường sắt đã hy sinh tại chỗ, 20 nam, nữ TNXP khác bị thương. Thời khắc nghiệt ngã đó là vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 11.5.1967”.
Núi Nấp được coi là “túi bom” mà giặc Mỹ ngày đêm giội xuống. Bởi trọng điểm này là “yết hầu” của con đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược từ Bắc vào Nam. Đây cũng là nơi mà TNXP cùng với bộ đội và dân quân du kích lập nên bao chiến công, kỳ tích.
|
Kể đến đây, dường như cụ Pháo không kìm được xúc động, nên phải ngừng một lại một lúc. Hớp một ngụm trà, lấy lại bình tĩnh, cụ Pháo kể tiếp: “Ngày đó, tôi đang làm chủ nhiệm HTX Nam Thắng, vào thời điểm xảy ra cuộc tàn sát thảm khốc của máy bay Mỹ, tôi đang chủ trì cuộc họp. Nghe tin báo, tôi đã huy động cán bộ và nhân dân địa phương nhanh chóng ra hiện trường gom nhặt thi hài các cô lại. Trong thời khắc bom rơi, đạn nổ, cán bộ, nhân dân hai xã Đông Nam và Đông Văn đã nén đau thương, đem vải, quần áo, hòm ván để khâm liệm và đưa các cô về an nghỉ tại nghĩa trang địa phương. Đến năm 1985, phần mộ của các cô đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ tại xã Đông Nam (hiện nay, đã có 3 ngôi mộ được thân nhân đưa về đất mẹ Thái Bình)”- cụ Pháo kể.
13 nữ liệt sĩ TNXP tại núi Nấp đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn căng tròn sức sống. Sự hy sinh của các chị được Tổ quốc và dân tộc mãi mãi khắc ghi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.