Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao vừa ký văn bản về việc lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.
Theo đó, sau khi lấy ý kiến đóng góp của tòa án nhân dân, Hội đồng phẩm phán Toà án Nhân dân tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của Toà án Nhân dân và hoạt động xét xử.
Tượng vua Lý Thái Tông sau khi chọn được 1 trong các mẫu phác thảo sẽ được dựng tại trụ sở toà án tối cao, trụ sở toà án quân sự và toà án các cấp.
Ngày 5/2/2020, Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
Trong bản thuyết minh tượng Lý Thái Tông (1028 – 1054), biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam, vua Lý Thái Tông đã ban hành bộ “Hình thư” – Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt.
Một trong các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông đang được lấy ý kiến.
Vua Thái Tông đã xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh…
Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông được thuyết minh là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.
Cần thay đổi, nâng cao năng lực của thẩm phán hơn dựng tượng
Nêu quan điểm về việc dựng tượng vua Lý Thái Tông, nhiều chuyên gia pháp luật, luật sư cho biết, họ không ủng hộ việc này.
Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Văn phòng Luật sư Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm, “chiếc áo không làm nên thầy tu”, có nhiều điều thiết thực cần làm hơn trong giai đoạn này.
Luật sư Huế chia sẻ, trong quá trình hành nghề luật sư, không ít lần sau những phiên xét xử, ông và các luật sư đồng nghiệp bị rơi vào trạng thái chán nản và không muốn làm gì cả tuần sau đó bởi những bản án chưa thỏa đáng dành cho người dân.
Có vụ thì phẫn uất dâng lên như nghẹn cả cổ bởi những kẻ phạm tội vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật mặc dù chứng cứ đã rõ ràng.
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Danh Huế, điều cần làm bây giờ là nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán, nâng cao tính khách quan của thẩm phán trong xét xử.
Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định, ngành toà án không thiếu những thẩm phán có tài, có đức nhưng số thiếu cả 2 thứ trên cũng rất nhiều.
Toà án nhân dân mấy năm gần đây tiến hành nhiều thay đổi để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp như bố trí lại phòng xử án, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị áo, mũ đồng phục cho thẩm phán và đặc biệt tới đây đang có ý định đặt tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng cho công lý tại các toà án trong khi ai cũng biết, con người mới là yếu tố then chốt cần cải cách.
“Có lẽ cái cần thay đổi nhất lúc này chính là nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán, nâng cao tính độc lập và khách quan của thẩm phán trong hoạt động xét xử. Đó mới là thứ cần thiết để thúc đẩy tiến bộ xã hội, để chống tham nhũng, chống các nhóm lợi ích đang tàn phá đất nước mà người dân cần hơn bao giờ hết vào lúc này” – Chủ tịch Văn phòng Luật sư Hừng Đông bày tỏ.
Đồng quan điểm với luật sư Huế, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng nhận định, việc tôn vinh các bậc tiền nhân có công trạng đối với nhân dân, đối với đất nước là điều nên làm, các thế hệ sau này luôn phải ghi nhớ.
Tuy nhiên ý định dựng tượng vua Lý Thái Tông tại các trụ sở toà án các cấp, theo luật sư Hùng, việc làm này không cần thiết, chẳng có ý nghĩa và còn lãng phí.
Không nên chọn riêng một biểu tượng công lý cho Việt Nam
Cũng trao đổi về việc này, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, ông chưa thấy quốc gia nào lấy biểu tượng của một vị vua làm biểu tượng của công lý.
Theo luật sư Cường, vua Lý Thái Tông là một trong các vị vua có công lao lớn trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, ông có công trong việc ban hành ra văn bản pháp luật hình sự thời kỳ đó và quản lý điều hành đất nước đạt được nhiều thành tựu.
Xét về góc độ quyền lực nhà nước thì đó là những công sức, đóng góp, thành tựu trong lĩnh vực lập pháp và lĩnh vực hành pháp chứ không phải là lĩnh vực tư pháp mà tòa án là cơ quan tư pháp, là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp theo hiến pháp của Việt Nam hiện nay.
Việt Nam đang xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Chế độ xã hội hướng đến tốt đẹp hơn rất nhiều với chế độ phong kiến trước đây, đặc biệt là tính dân chủ, công bằng trong mọi mặt của đời sống xã hội.
“Pháp luật thời kỳ phong kiến nói chung là rất hà khắc, bất bình đẳng, chưa thể hiện được tính khoan hồng, nhân đạo rõ nét như xã hội hiện nay, cũng không phải là nguyện vọng ý chí của đại đa số nhân dân lao động.
Khi lựa chọn được mẫu tượng vua Lý Thái Tông, dự kiến tượng vua sẽ được dựng ở trụ sở toà án tối cao, trụ sở toà án quân sự và toà án các cấp.
Đó là yếu tố lịch sử, triều đình phong kiến của quốc gia nào cũng xây dựng và thực hiện pháp luật trước tiên là để bảo vệ lợi ích cho giai cấp địa chủ phong kiến, quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân được đặt ở thứ yếu...” – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nói.
Vị luật sư cũng chia sẻ, dưới góc độ văn hoá, xã hội thì các vị vua là những tiền nhân đáng kính, đáng thờ, là những người đã có công lao trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại những giá trị to lớn lịch sử cho dân tộc nên cần được tôn vinh.
Tuy nhiên việc đặt tượng các vị vua đó ở đâu, tôn vinh như thế nào là câu chuyện cần phải suy nghĩ, xem xét một cách thấu đáo. Trong xã hội phong kiến thì các vị vua là người đứng đầu nhà nước, vừa thể hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp.
Thời kỳ phong kiến, quyền tư pháp chưa được đề cao, nếu hình tượng nổi bật về thực hiện quyền tư pháp trong hoạt động xét xử thì phải nói đến các vị quan trong các triều đình phong kiến, qua những câu chuyện, tích chuyện về việc xét xử phải về quan thanh liêm.
Tuy nhiên không vì một vài vụ án xét xử công bằng của một vị quan nào đó mà có thể dùng là biểu tượng của công lý được.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, không nên chọn riêng một biểu tượng công lý cho Việt Nam, nếu trang trí một bức tượng tại trụ sở tòa án thì nên đặt tượng Bác Hồ.
“Sử dụng hình ảnh của một vị vua hay một vị quan nào đó trong thời kỳ phong kiến là biểu tượng của công lý cho một đất nước, xã hội ngày nay theo ý kiến quan điểm của cá nhân tôi là không hợp lý. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì tốt nhất là sử dụng hình ảnh để làm bức tượng trong tất cả các cơ quan tổ chức nhà nước là tượng Bác Hồ, vừa thể hiện sự tôn kính, thực hiện theo các lời dạy của Bác vừa thể hiện được văn hóa truyền thống dân tộc” – luật sư Cường nêu quan điểm.
Mặt khác, luật sư Cường dẫn chứng, văn hóa phương tây từ ngàn năm trước đã cho ra đời các vị thần trong đó có “Thần công lý”, đó là ước vọng công bằng, bình đẳng của nhân dân.
Công lý là lẽ công bằng vốn có, không phụ thuộc vào việc người ta có thừa nhận nó hay không. Nếu lấy hình ảnh của một con người nào đó là biểu tượng của công lý của cả một dân tộc thì có lẽ không hợp lý.
“Việc lấy ý kiến về biểu tượng công lý cho Việt Nam vẫn đang chỉ là ý tưởng, chưa phải là quyết định cuối cùng. Bởi vậy ý kiến cá nhân tôi là không nên sử dụng hình ảnh bất cứ vị vua nào làm biểu trưng cho công lý Việt Nam.
Các vị vua trong các thời kỳ lịch sử dân tộc ta đều rất đáng tôn kính, đáng được phụng thờ nhưng chúng ta hãy tôn kính, phụng thờ đúng chỗ sao cho phù hợp với văn hóa, truyền thống của dân tộc” – luật sư Cường nhìn nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.