Có nên kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư và Tiến sĩ?

Thứ ba, ngày 26/10/2021 10:05 AM (GMT+7)
Bộ GDĐT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018. Điểm đáng chú ý của dự thảo là đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có chức danh GS, PGS, giảng viên có trình độ Tiến sĩ đã tới tuổi nghỉ hưu.
Bình luận 0

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trên là hoàn toàn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Điều này một mặt vừa có thể tận dụng được nguồn chất xám của người thầy, vừa tránh được những hụt hẫng trong đội ngũ khi mà tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên của Việt Nam hiện đang rất thấp so với khu vực và thế giới.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019 Việt Nam có 73.312 giảng viên, công tác tại 237 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Trong đó, gần 21.000 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, chiếm tỷ lệ hơn 28%, hơn 44.700 giảng viên có trình độ Thạc sĩ chiếm tỷ lệ 60,9%. Con số này tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2005 với 12% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 32% giảng viên trình độ thạc sĩ.

Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đặt trong bối cảnh hiện nay thì việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu có trình độ tiến sĩ trở lên sẽ đáp ứng được nhu cầu nhân lực, đội ngũ giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học.

Có nên kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư và Tiến sĩ? - Ảnh 1.

Việc kéo dài thời gian công tác đối với giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên sẽ giúp các trường đại học tận dụng được nguồn trí thức chất lượng cao. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, kinh nghiệm cho thấy, các thầy cô làm việc liên tục trong môi trường đại học khi tuổi càng lớn thì càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Nếu có thêm thời gian làm việc sẽ tạo điều kiện cho thầy cô được cống hiến, dìu dắt các thế hệ sinh viên tốt hơn, hạn chế được việc lãng phí nguồn chất xám cũng như tránh được sự hụt hẫng lớn về đội ngũ khi ở một số ngành học, việc đào tạo được 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh GS, PGS cần cả một quá trình dài.

Ngoài ra, với thầy cô có tuổi, ngoài năng lực giảng dạy, nghiên cứu và công bố thì còn là uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ, tạo nên các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật trong các cơ sở giáo dục đại học.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Giữ đội ngũ thầy cô có trình độ Tiến sĩ trở lên ở lại làm việc dù đã đến tuổi nghỉ hưu không chỉ đơn thuần là việc tạo điều kiện để thầy cô cống hiến về mặt chuyên môn, tri thức mà còn góp phần tăng uy tín khoa học để thu hút, tập hợp, xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học mạnh trong các nhà trường.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, nhiều thầy cô giáo đến tuổi nghỉ hưu nhưng có sức khoẻ, có khát vọng cống hiến được nhiều trường đại học giữ lại vẫn giảng dạy, nghiên cứu, chuyên gia tư vấn và làm việc rất tốt. Thậm chí, một số trường đại học còn mạnh dạn giữ lại ở các chức vụ quản lý chuyên môn quan trọng như chủ nhiệm bộ môn, trưởng phòng thí nghiệm. Điều này không chỉ phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam hiện nay mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cũng cho biết: Việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên sẽ tận dụng được nguồn tri thức chất lượng cao, vừa phục vụ tốt cho các cơ sở giáo dục, vừa có lợi cho người học.

Mặc dù ủng hộ đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên, song TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT lưu ý cần phải có điều kiện đi kèm.

Theo TS Lê Viết Khuyến, chỉ nên kéo dài tuổi làm việc khi bản thân người lao động có nhu cầu. Khi đến tuổi hưu, giảng viên còn sức khỏe và có thể công tác thì cứ nghỉ hưu theo đúng quy định. Sau đó, nếu muốn tiếp tục giảng dạy và đủ điều kiện sẽ ký hợp đồng lao động với cơ sở giáo dục đại học theo luật hiện hành. Ở đây, cần phân biệt rõ, chỉ nên kéo dài tuổi nghỉ hưu chứ không nên kéo dài biên chế nhà nước. Bởi lẽ, mỗi cơ sở giáo dục sẽ có chỉ tiêu nhất định cho viên chức, nếu các giảng viên đã hết tuổi không chịu về hưu thì sẽ làm mất đi cơ hội của lớp trẻ.

Hùng Quân (cand.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem