Có nên “xé rào” cho HAG của bầu Đức hưởng cơ chế riêng?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 28/01/2022 12:41 PM (GMT+7)
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức vừa kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán và các bên liên quan cho phép doanh nghiệp này duy trì niêm yết cổ phiếu HAG dù lỗ liên tiếp trong 3 năm. Tuy nhiên, kiến nghị này hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều…
Bình luận 0

Trong văn bản kiến nghị Uỷ ban chứng khoán và các bên liên quan, ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dẫn chứng, theo chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp lỗ liên tiếp trong 3 năm, từ 2017-2019 và lợi nhuận chưa phân phối hiện vẫn là số âm.

Vì thế, lãnh đạo HAGL quan ngại chuỗi thua lỗ trước đó có thể khiến cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Bởi, theo quy định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu của công ty đại chúng, trong đó có việc kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục, hoặc lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc âm vốn chủ sở hữu.

Có nên “xé rào” cho HAG của bầu Đức hưởng cơ chế riêng? - Ảnh 1.

HAG của bầu Đức đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Ảnh: cafeF

HAG của bầu Đức đang dần khởi sắc?

Trước đó, ngày 25/11/2021, HAGL đã có văn bản số 2511/CV-HAGL về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính, khiến lợi nhuận sau thuế của công ty các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm.

Vì vậy, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên một ngày sau đó (ngày 26/11/2021), cổ đông HAGL đã bàn bạc kỹ vấn đề này và thống nhất ghi vào biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE.

Giải thích thêm về lý do hồi tố, đại diện HAGL cho rằng, thực tế công ty chỉ lỗ 3 năm trước đó là 2017-2019, từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh.

Trong khi đó, giai đoạn 2017-2019 các cổ đông cũ cũng đã không còn gắn bó với HAGL. Hiện, các cổ đông nắm giữ HAG là những cổ đông mới, họ tin tưởng vào kế hoạch kinh doanh của HAGL ở hiện tại và triển vọng tương lai chứ không căn cứ vào thông tin tài chính trong quá khứ.

Do đó, HAGL kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết HAG trên HoSE.

HNG tạm hoãn công bố thông tin BCTC quý 4/2021

UBCKNN vừa thông báo cho HNG (Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) về việc tạm hoãn công bố thông tin BCTC quý 4/2021 vì lý do bất khả kháng.

Theo đó, UBCKNN đề nghị HNG thực hiện công bố thông tin về việc này, đồng thời thực hiện công bố thông tin ngay sau khi khắc phục theo quy định (ngày 28/2/2022 theo đề nghị của công ty).

Ông Võ Trường Sơn, CEO HAGL cho biết thêm về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Cụ thể, công ty đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý được các khoản đầu tư không hiệu quả trong lĩnh vực nông ngiệp, thủy điện, khoáng sản và công nợ phải thu của Công ty Đầu tư bất động sản An Phú.

HAGL ước tính cả năm 2021 lãi trên 120 tỷ đồng và dự kiến năm nay nâng con số này lên 1.120 tỷ đồng, còn doanh thu thuần khoảng 4.820 tỷ đồng. Công ty cho biết sẽ cố gắng giảm nợ vào cuối năm còn 5.000 tỷ đồng và tập trung vào 2 mảng chủ lực là trồng chuối, nuôi heo.

"Ban lãnh đạo HAGL đề xuất cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu nửa năm và cả năm nay vẫn lỗ thì mới xem xét hủy niêm yết", ông Sơn chia sẻ.

Có nên “xé rào” cho HAG của bầu Đức hưởng cơ chế riêng? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh các năm của HAG- Ảnh: Quốc Hải

Cổ phiếu HAG bị HoSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ tháng 4/2021 do lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2020 hơn 6.300 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 hơn 1.255 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2021, lỗ sau thuế chưa phân phối tăng lên 7.371 tỷ đồng và đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Có nên "xé rào" cho HAG?

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhấn mạnh, vụ việc cổ phiếu HAG của bầu Đức thì phải áp dụng đúng theo luật. Vì trước luật pháp thì không có ngoại lệ, không có chuyện của cá nhân nào khác. Thêm vào đó, nguyên tắc của thị trường chứng khoán là phải minh bạch, công khai và bình đẳng.

"Dẫu biết rằng anh Đức đã nỗ lực, cố gắng nhiều nhưng điều này không có nghĩa là phải áp dụng các hình thức khác biệt với người khác, được ưu ái hơn hay là phải được xử lý tốt hơn. Cho nên, theo tôi thì vẫn phải áp dụng theo đúng luật", ông Phương nói.

Có nên “xé rào” cho HAG của bầu Đức hưởng cơ chế riêng? - Ảnh 4.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - Ảnh: NVCC

Theo ông Phương, với HAG của bầu Đức, có thể chuyển sang UpCOM, rồi cố gắng để khôi phục lại doanh số cho HAG, tạo ra lợi nhuận, gây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư. Khi HAG thỏa các điều kiện niêm yết trở lại thì vẫn có thể quay lại sàn HoSE.

"Việc này chỉ mang tính tạm thời chứ đâu phải bị cấm vĩnh viễn. Cho nên theo tôi vấn đề này không lớn đến mức phải can thiệp vô, phải đòi hỏi "chế độ" này nọ. Tôi nghĩ vấn đề này là không nên và cũng không được.

Bởi, nếu mà chấp nhận cho bầu Đức "xé rào" thì sau này những trường hợp khác phải giải quyết ra sao? Như vậy luật pháp sẽ không còn sự nghiêm minh trên thị trường", Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, bình luận.

Ông Phương chia sẻ thêm: "Tôi nghĩ anh Đức cũng phải vui vẻ hiểu quyết định này là đúng. Và góc độ vẫn là chủ doanh nghiệp, anh Đức phải cố gắng khôi phục doanh nghiệp hơn là níu kéo những vấn đề  mang tính kỹ thuật này".

Liệu việc hủy niêm yết với cổ phiếu HAG có bất lợi gì cho bầu Đức? Trả lời vấn đề này, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho hay, nếu HAG vẫn được niêm yết trên HoSE thì bầu Đức sẽ được lợi nhiều hơn so với việc bị hủy niêm yết trên HoSE, chuyển sang UpCOM.

Thứ nhất, độ phổ biến và độ nổi tiếng của doanh nghiệp sẽ được nhiều người biết đến, được quan tâm nhiều hơn. Bởi khi nhà đầu tư tham gia vào TTCK sẽ dò danh mục những cổ phiếu được niêm yết trên HoSE. Khi đó, nếu HAG vẫn nằm trong danh mục cổ phiếu giao dịch trên HoSE thì sẽ đánh giá rằng đây là doanh nghiệp lớn, uy tín, đáp ứng được các tiêu chí tài chính…

Kế đến, việc huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE sẽ dễ hơn trong việc phát hành cổ phiếu, kể cả trái phiếu cũng dễ hơn so với các doanh nghiệp ngoài danh mục, vì nhà đầu tư đặt niềm tin vào  đó.

"Khi HAG không còn niêm yết trên HoSE thì những điểm lợi thế, điểm mạnh như trên sẽ bị mất đi. Trong đó, cái mất lớn nhất là khó huy động vốn ở thị trường, ở những nhà đầu tư phổ thông. Còn với việc chào bán riêng lẻ, những cổ đông lớn mua riêng với câu chuyện riêng thì không nói, nhưng nếu phát hành đại chúng thì sẽ hơi khó với HAG", ông Phương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem