Vài tuần trở lại đây, lượng giao dịch trên sàn (Hose) của SCD khá ít, chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu, có khi giao dịch khớp lệnh chỉ có... 10 cổ phiếu.
Dù vậy, theo giới đầu tư chứng khoán thì cổ phiếu này đang được “săn” từng phút vì tiềm năng của cổ phiếu này còn được đánh giá cao hơn nhiều mã cổ phiếu bia khác như: Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB); Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB)... thậm chí còn cao hơn cả Bia Hà Nội (BHN).
Mở cửa phiên giao dịch sáng 15.11, SCD được giao dịch ở mức giá 71.000 đồng/CP, so với thời điểm cách nay 1 tháng, giá trị cổ phiếu này đã tăng hơn 44% (từ 49.000 đồng/CP - ngày 17.10).
Tuy nhiên, theo giới đầu tư chứng khoán thì mức giá này “chưa phải là tất cả” để khiến giới đầu tư chú ý đến cổ phiếu này.
Anh Nguyễn Minh Quân, một nhà đầu tư chứng khoán tại Q.1, nói: Giới đầu tư chúng tôi chỉ cần chờ Sabeco thoái vốn tại SCD là có ngay một... “khoản tiền không nhỏ”. Cụ thể, anh Quân phân tích, SCD đang có một quỹ đất “khủng” gồm: 1.314 m2 ở số 577 đường Hùng Vương (Q.6); 1.070 m2 ở 4C Gò Dầu (Q.Tân Phú); 7.574 m2 đất ở Quận Thủ Đức (TP.HCM); 3.761 m2 đường Phạm Hùng (TP Vĩnh Long). Đặc biệt, SCD có mảnh đất “vàng” ở ngay P.Cầu Kho (Q.1) với diện tích 20.496 m2, gần chợ Bến Thành.
Ngoài ra, SCD còn 8ha đất tại Bình Dương đã chuyển nhượng, mang về cho SCD hơn 120 tỷ đồng.
“Năm 2015 cả nước tiêu thụ 3 tỷ lít bia và 6 tỷ lít nước giải khát, dự báo đến năm 2017 sẽ tiêu thụ 10 tỷ lít nước giải khát. Chưa kể, 2 ông lớn nước giải khát thời gian qua là Tân Hiệp Phát và Pesico vừa qua ‘dính phốt’, thị phần mất rất nhiều nên sẽ là cơ hội cho SCD - một công ty 70 năm thương hiệu sẽ chiếm được thị phần sau khi được tái cấu trúc”, anh Quân nói.
Đồng quan điểm, anh Tuấn Anh, một nhà đầu tư chứng khoán tại Q.3 cũng dự báo SCD sẽ “bùng nổ” sau khi Sabeco dự kiến thoái vốn vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2017.
“Tôi ôm SCD từ hồi đầu 2016 ở vùng giá 41.000 đồng/CP, nếu giờ bán cũng khá lời nhưng tôi quyết định ôm đến khi Sabeco thoái vốn xem thế nào. Nếu như kỳ vọng được 500.000 đồng/CP thì cũng mua được... cái nhà”, anh Tuấn Anh nói.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2016 của SCD, đơn vị này đạt hơn 3,4 tỷ đồng trước thuế, tăng hơn 2,9 tỷ đồng (tăng 649%) so với lợi nhuận trước thuế của quý 3.2015. Hiện Sabeco đang nắm giữ 62,06% cổ phần tại doanh nghiệp này.
Trái ngược với đồn đoán của giới đầu tư về mức giá SCD có thể tăng tới 350.000 - 500.000 đồng/CP, một số chuyên gia chứng khoán nhận định SCD nếu có tái cấu trúc lại toàn bộ thì Chương Dương mới có hy vọng... “lớn lên”.
Một chuyên viên của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) phân tích, SCD dù lên sàn đã được gần 10 năm nhưng công ty này chưa hề tăng vốn lần nào, phần lớn lợi nhuận làm ra đều được dùng để chia cổ tức. Thế nên dù là “thương hiệu Việt” khá nổi tiếng nhưng hiện tại, thị phần nước giải khát của Chương Dương tại Việt Nam chỉ xấp xỉ... 1%. Riêng về thị phần nước uống có gas, mặc dù đứng thứ 3 tại Việt Nam (sau Coca Cola và Pepsi) nhưng thị phần của Chương Dương chỉ gần... 3%.
Hiện tại, SCD mặc dù cải tiến hoạt động với nhiều dòng sản phẩm như: sá xị, nước giải khát có gas, soda, trà, nước khoáng... dù vậy, nếu không được tái cấu trúc lại thì một thương hiệu Việt từng “làm sóng làm gió” một thời trong ngành đồ uống Việt như Chương Dương sẽ rất khó cạnh tranh khi thị trường ngày càng nhiều “ông lớn” như Masan, URC... gia nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.