Cổ phiếu của đại gia bán lẻ Nguyễn Đức Tài bất ngờ tăng mạnh, trở thành trụ đỡ thị trường

Hồng Hương Thứ tư, ngày 13/04/2022 06:27 AM (GMT+7)
Dù thị trường đỏ lửa, một số mã cổ phiếu bán lẻ lại ngược dòng tăng mạnh, như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), Masan Group (MSN),...
Bình luận 0

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4, thị trường ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp do áp lực giải chấp tăng mạnh, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên. Hầu hết các ngành đều giảm theo xu hướng chung của thị trường như Ngân hàng, Chứng khoán, Thép… 

Phiên giảm điểm 12/4 đã "thổi bay" khoảng 105.687 tỷ đồng vốn hóa của sàn HoSE, giá trị còn lại khoảng 5.765.797 tỷ đồng.

img

VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên

Tuy nhiên, cũng trong phiên giao dịch này, một số mã cổ phiếu bluechips lại ngược dòng tăng điểm, giúp giao dịch chung bớt ảm đạm đi đôi chút.

Dẫn đầu trong danh sách cổ phiếu "chống đỡ" thị trường trong phiên hôm nay chính là cổ phiếu của đại gia ngành bán lẻ Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) khi tăng 1,8% lên mức 152.700 đồng/cổ phiếu. Mức tăng này đã đóng góp 0,5 điểm tăng cho VN-Index. Thanh khoản ghi nhận gần 3 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên. Một trong những động lực tăng có thể xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phục hồi của ngành bán lẻ trong năm nay khi Việt Nam dần mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.

Trong bức tâm thư gửi cổ đông mới đây, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài không phủ nhận "2021 là một năm thách thức không thể nào quên". Song, theo ông hiện tại thời khắc đen tối nhất có lẽ đã qua và tương lai đang ở phía trước. Sang năm 2022, MWG đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14% và 30% so với kết quả 2021. 

Cũng trong ngành bán lẻ là Masan Group (MSN), cổ phiếu này hôm nay ghi nhận mức tăng 1,3% lên đóng cửa tại 125.400 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp này dự kiến trình Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng 1,5% - 12,8% so với thực hiện 2021.

Bên cạnh hai bluechips ngành bán lẻ, bất chấp đà giảm sâu của thị trường, cổ phiếu "ông lớn" trong ngành công nghệ thông tin là Tập đoàn FPT (FPT) cũng tăng 1,2% so với phiên trước đó, đóng cửa phiên 12/4 đạt 109.800 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này vừa có chuỗi tăng điểm tích cực, đưa thị giá lên mức đỉnh lịch sử 113.300 đồng/cổ phiếu (phiên 7/4) và sau đó điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần 8/4.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, trong phiên giao dịch 13/4, VN-Index có thể lùi xuống quanh 1.440 điểm và NĐT không nên bắt đáy, ưu tiên quản trị danh mục.

Công ty CK MB - MBS khuyên NĐT không nên bắt đáy, ưu tiên quản trị danh mục. Thông thường, sau các phiên giảm sâu như hôm nay, thị trường sẽ có các phiên hồi kỹ thuật, nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục khi dòng tiền đang có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu trong rổ VN30, cũng như nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản đã có sự tích lũy trong thời gian vừa qua.

Với Công ty CK Asean – Aseansc thì kỳ vọng VN-Index hồi phục trở lại. Theo Aseansc, thị trường hôm nay ghi nhận phiên giảm khá thứ 3 liên tiếp do áp lực giải chấp tăng mạnh, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên. Như vậy, chỉ số VN-Index đã có mức chiết khấu gần 5% kể từ đỉnh gần nhất, do đó Aseansc kỳ vọng rằng thị trường sẽ sớm có những phiên hồi phục kỹ thuật trong thời gian tới, nhất là khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đang đến gần.

Aseansc dự báo trong phiên giao dịch tới, lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ gần 1.450 – 1.455 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng, để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.460 – 1.465 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.470 – 1.475 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem