Cổ phiếu Masan nổi tiếng vì chi cổ tức khủng

Quốc Hải Thứ năm, ngày 05/01/2017 15:41 PM (GMT+7)
Đầu năm 2017, một loạt doanh nghiệp tỷ USD liên tục chào sàn UPCoM nâng tổng mức vốn hóa thị trường này vượt con số 15 tỷ USD, bỏ xa mức vốn hóa thị trường niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hiện nay (khoảng 7 tỷ USD)...
Bình luận 0

img

Hôm nay 5.1, cổ phiếu của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - mã chứng khoán MCH) đã được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UpCom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/CP. Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 538,16 triệu đơn vị.

Masan Consumer là công ty con của Công ty TNHH MasanConsumer Holdings – một công ty con của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group). Đây là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi như mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami) , gia vị (nước mắm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), cà phê (Vinacafe).

Trong cơ cấu doanh thu, ngành hàng gia vị luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đến cuối năm 2015, thị phần ngành hàng nước mắm của MCH chiếm 65%, nước tương 71%, mì ăn liền 25%, tương ớt 43% và cà phê hòa tan 43%

Ngay sau khi chào sàn, trong phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu MCH có thời điểm đã tăng lên 97.000 đồng/CP, tuy nhiên kết thúc phiên giao dịch buổi sáng thì cổ phiếu này chỉ đạt 92.200 đồng/CP (tăng 2,4%). Với mức giá này, vốn hóa thị trường của MCH tăng lên hơn 49.618 tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD).

Theo nhiều nhà đầu tư chứng khoán, sở dĩ cổ phiếu MCH vừa chào sàn đã tăng dù mức giá tham chiếu khá cao (90.000 đồng/CP) vì ngoài việc là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, Masan Consumer còn “nổi tiếng” là công ty chi cổ tức khá “khủng” cho cổ đông.

Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ chia cổ tức tại MCH là 110%, ứng mức thanh toán 5.815 tỷ đồng; năm 2015 tỷ lệ 60%, ứng 3.080 tỷ  đồng và năm 2016 là 56%, tức 2.896 tỷ đồng. Riêng năm 2017, dự kiến trong kế hoạch hoạt động của MCH sẽ duy trì mức cổ tức tiền mặt 40-50%.

Dù mức vốn hóa theo giá tham chiếu khá cao nhưng có vẻ như MCH cũng không có phiên chào sàn “ấn tượng” như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN) cách đây 2 ngày.

Cụ thể ngày 3.1, cổ phiếu HVN của VietNam Airlines chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 28.000 đồng/CP. Ngay khi chào sàn, cổ phiếu HVN đã có 2 phiên tiên tiếp tăng trần, hiện thị giá cổ phiếu HVN sau phiên giao dịch sáng nay 5.1 tăng ở mức 49.700 đồng/CP.

img

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN) cách đây 2 ngày có phiên chào sàn ấn tượng, cổ phiếu có 2 phiên tiên tiếp tăng trần

Với mức giá này, vốn hóa thị trường của VietNam Airlines tăng lên 55.239 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD).

Ngoài hai doanh nghiệp tỷ USD trên, đầu năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có thêm 2 doanh nghiệp “khủng” khác cũng chính thức niêm yết.

Cụ thể, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với mã cổ phiếu VGT cũng chính thức lên sàn vào ngày 3.1,  với giá tham chiếu 13.500 đồng/CP. Trong phiên đầu tiên cổ phiếu VGT đã tăng giá ấn tượng lên mức 17.100 đồng/CP, tuy nhiên sau đó cổ phiếu này lại quay đầu giảm, kết thúc phiên giao dịch sáng 5.1, cổ phiếu VGT chỉ còn 15.200 đồng/CP.

Dù vậy, mức vốn hóa thị trường của VGT cũng đạt tới 8.050 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp “khủng” khác cũng chuẩn bị chào sàn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, ngày 9.1 tới, VIB sẽ chính thức được giao dịch 564.442.500 cổ phiếu trên UPCoM.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.000 đồng/CP. Với mức giá này, vốn hóa của VIB đạt trên 9.595 tỷ đồng.

Khác với các mã “cổ phiếu vua” khác, cổ phiếu VIB hiện đang được giới đầu tư đánh giá khá cao. Một chuyên gia của Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) đánh giá, VIB đang thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư bởi VIB đã có một năm tăng trưởng khá ấn tượng với tổng tài sản của VIB cuối năm 2016 vượt mức 100 nghìn tỷ đồng, với tổng danh mục tín dụng cho khách hàng xấp xỉ 70 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,54%. Ngoài ra, việc VIB liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá cao cũng đang gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khi VIB vẫn còn đến 10% room ngoại.

Được biết, cổ đông lớn nhất của VIB hiện nay là ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, 1 trong 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thế giới với hơn 100 năm kinh nghiệm, hiện đang giữ 20% cổ phần của VIB.

Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần đầu năm 2017, hàng loạt doanh nghiệp “khủng” gia nhập thị trường UPCoM, với mức vốn hóa đạt hơn 10 tỷ USD vào cuối năm 2016, giá trị vốn hóa thị trường của UPCoM tới thời điểm hiện tại đã vượt qua con số hơn 15 tỷ USD, bỏ xa mức vốn hóa thị trường niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hiện nay (khoảng 7 hơn tỷ USD).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem