Chốt phiên giao dịch ngày 12.4, các chỉ số tại TTCK Việt Nam đồng loạt giảm mạnh với sụt giảm của hầu hết các nhóm ngành. VNIndex giảm 5.75 điểm (-0.79%), VN30-Index có mức giảm tương đương (0.79%). Diễn biến tương tự ở sàn HNX với mức giảm 0.8% của HNXIndex và HNX30-Index.
Điểm đáng chú ý, VNIndex sau khi đạt đỉnh cao nhất 731.33 (tương ứng P/E 17.5x) điểm từ ngày 21.2.2008, hôm nay giảm còn 725.58 điểm (P/E 17.4x). Áp lực bán ở vùng giá thấp xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu trụ cột như nhóm vốn hóa lớn (SAB, GAS, VIC), nhóm ngân hàng (CTG, MBB, VCB).
Ở nhóm VN30, chỉ có 6 cổ phiếu tăng điểm với lực cầu giá xanh bao gồm FPT, MWG, PVD, REE, STB và VNM.
Điểm sáng của thị trường hôm nay nằm ở thanh khoản và giao dịch khối ngoại. Dòng tiền luân chuyển từ sàn HNX trở lại sàn HSX giúp giá trị giao dịch trên HSX tăng 20,4% và khối ngoại duy trì mua ròng 199 tỷ đồng.
Mã chứng khoán HPG được khối ngoại mua ròng, đạt hơn 60 tỷ đồng. Phiên hôm nay, HPG giảm nhẹ 300 đồng xuống 31.600 đồng/cp do chịu áp lực chốt lời chung của thị trường. Bên cạnh đó, VNM và VJC được mua ròng lần lượt 33,4 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, ROS dẫn đầu giá trị bán ròng của khối ngoại trên HSX, nhưng chỉ đạt hơn 8,8 tỷ đồng. Cặp đôi ngành phân bón là DPM và DCM bị bán ròng lần lượt 7,8 tỷ đồng và 3,2 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng hơn 13,4 tỷ đồng (gấp 4,1 lần so với phiên trước), tương ứng khối lượng mua ròng đạt 795.943 cổ phiếu.
Riêng nhóm cổ phiếu nông nghiệp, bộ đôi HAG, HNG của Bầu Đức chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh. HNG đóng cửa giá sàn, khớp trên 4 triệu cổ phiếu. HAG cũng giảm sâu -5,9% với trên 12,3 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Nhóm cổ phiếu cao su đồng loạt giảm do chịu áp lực từ giá cao su thế giới giảm, cụ thể PHR (-2,2%), DPR (-0,2%).
Nhóm cổ phiếu phân bón bị bán ra mạnh bởi các NĐTNN, cụ thể DPM (7,87 tỷ đồng), DCM (3,19 tỷ đồng), BFC (1,14 tỷ đồng). Đáng chú ý, 2 cổ phiếu BFC, DCM đi ngược với xu hướng giảm điểm chung của thị trường, kết phiên giá xanh dù chịu áp lực bán ra mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài, tăng tương ứng 1,7% và 1,9%.
Trong 3 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của DCM đạt 180 ngàn tấn, vượt 17% kế hoạch được giao, ước tính tổng doanh thu đạt 110%, lãi ròng ước đạt 176% kế hoạch quý 1, nhà máy hoạt động ổn định, liên tục công suất tối ưu 103%. Đặc biệt lượng tiêu thụ tại Campuchia tăng gấp 5 lần cùng kỳ 2016.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.