Cổ phiếu “vua” sẽ đem về “tiền tươi, thóc thật” trong năm 2017?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 08/02/2017 06:00 AM (GMT+7)
Làn sóng lên sàn mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu “vua” đầu năm 2017, cùng với những kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh, xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong năm 2016 đang là những dấu hiệu tích cực cho thấy dòng cổ phiếu “vua” đang dần quay trở lại trong nhóm cổ phiếu đáng được đầu tư năm 2017.
Bình luận 0

img

Nới room cho khối ngoại sẽ giúp các nhà băng tái cơ cấu tốt hơn

Nợ xấu đang giảm dần trong toàn hệ thống

Là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả hoạt động kinh doanh 2016, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) khiến giới đầu tư ngỡ ngàng khi vượt kế hoạch đề ra, đạt mức 707 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2015. Tuy nhiên, đáng ghi nhận nhất là tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm chỉ còn 0,5%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 2% đề ra.

Cũng có tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank). Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, tổng số nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối năm 2016 là gần 2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ, giảm so với mức 1,6% hồi đầu năm. Về lợi nhuận, MBBank đạt 3.650 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 13%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.883 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là Ngân hàng TMCP Á Châu  (ACB) khi kết thúc năm 2016, tổng nợ xấu của ngân hàng ở mức 1.420.547 tỷ đồng, chiếm 0,88% tổng dư nợ. Trong khi đó, ACB lại có những chỉ số tăng trưởng khá cao với lợi nhuận trước thuế 1.667 tỷ đồng, tăng gần 27%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.325 tỷ đồng, tăng 28,9%. Với kết quả này, ngân hàng vượt đến 10,9% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Trong khi đó, với các ngân hàng thương mại lớn, dù kết quả kinh doanh khá tốt nhưng tỷ lệ nợ xấu cũng còn khá cao.

Chẳng hạn, với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), theo ghi nhận lợi nhuận trước thuế nhà băng này năm 2016 đạt hơn 390 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank cũng tăng vọt lên 2,95%, vượt mức 1,86% của năm 2015. Kế đến, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng ghi nhận đạt 702 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 7,2% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 561 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của VIB lại lên tới 1.550 tỷ đồng, tăng 57% so với thời điểm đầu năm và chiếm 2,58% tổng dư nợ cho vay.

Là nhà băng có tổng tài sản dẫn đầu khối ngân hàng thương mại nhưng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có tỷ lệ xấu ở mức 1,96% tổng dư nợ.  

Còn tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lợi nhuận trước thuế năm 2016 nhà băng này đạt tới 3.997 tỷ đồng, tăng 96,2% so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh chỉ còn 1,53% trên tổng dư nợ.

Cổ phiếu “vua” sẽ... hot trở lại?

Rõ ràng kết quả kinh doanh khá tốt cùng với việc giảm dần tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng thời gian qua đã khiến dòng cổ phiếu “vua” những tháng đầu năm 2017 dần tích cực trở lại. Trong những phiên giao dịch gần đây, những mã cổ phiếu quen thuộc như EIB, ACB, MBB, VCB, CTG, BID... cũng đang được giao dịch khá sôi động.

Theo giới chuyên gia chứng khoán, năm 2017 sẽ là năm sôi động trở lại của nhóm cổ phiếu “vua” khi phía Ngân hàng Nhà nước đã chính thức đưa ra “vòng kim cô” cho các nhà băng.

Cụ thể, phía Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ tăng cường thanh tra, giám sát và tập trung xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, đối với các TCTD có nợ xấu lớn mà không tích cực xử lý, không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng đầy đủ sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng thời, các TCTD vi phạm, NHNN sẽ không xem xét, chấp thuận mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, văn phòng đại diện, hạn chế tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông…

Trong khi đó, Luật sư - Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho rằng, mới đây Thủ tướng đã có những chỉ đạo thể hiện sự quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng. Trong đó, việc nới room cho khối ngoại cũng được nhắc đến nhiều và tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (nới room cho khối ngoại).

“Trong thời điểm hệ thống ngân hàng đang được tái cơ cấu mạnh mẽ như hiện nay thì việc nới room ngoại là rất thiết thực, là giải pháp tăng vốn cấp 1 để nâng chỉ số CAR (hệ số an toàn vốn). Theo đó, khi dòng tiền khối ngoại được bơm vào hệ thống sẽ giúp các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực tài chính, xử lý nợ xấu, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản trị, nguồn nhân sự tốt hơn”, ông Tín nói.

Dù vậy, ông Tín cũng cho rằng việc nới room cũng cần thực hiện theo lộ trình lên 30%, 35%, 40%, 49% và những mức khác nữa tùy thuộc vào năng lực của các tổ chức tín dụng và sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem