Cơ quan điều tra: Phùng Anh Lê luôn tìm mọi lý do để chối tội
Cơ quan điều tra VKSNDTC: “Phùng Anh Lê luôn tìm mọi lý do để chối tội”
Phạm Hiệp
Thứ ba, ngày 25/01/2022 13:24 PM (GMT+7)
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Phùng Anh Lê và các đồng phạm trong vụ không xử lý hình sự nhóm đối tượng cướp tài sản vào năm 2016.
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để đề nghị truy tố:
Phùng Anh Lê (SN 1967, chức vụ khi phạm tội là Trưởng Công an quận, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ, TP.Hà Nội), Nguyễn Đức Châu (SN 1973, chức vụ khi phạm tội là Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra các tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ), Vũ Công Ngọc (SN 1980, chức vụ khi phạm tội là Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra các tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ), Lê Đình Trung (SN 1977, chức vụ khi phạm tội là Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ) về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù", theo quy định tại Khoản 1, Điều 378, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Phùng Anh Lê và các đồng phạm bị đề nghị truy tố trong vụ án mà các đối tượng đã không xử lý hình sự một nhóm cướp tài sản năm 2016.
Theo đó, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 23/9/2016, Phùng Anh Lê đã chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung tha trái pháp luật người đang bị tạm giữ Nguyễn Hữu Tài (SN 1993, Phúc Xá, Ba Đình, TP.Hà Nội) khỏi Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ.
Cụ thể, ngày 19/9/2016, anh N.C.T (SN 1990, Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) đến trụ sở Công an phường Yên Phụ (Tây Hồ) trình báo, tố giác việc anh này bị một nhóm đối tượng bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích tại khu vực cửa khẩu An Dương (Yên Phụ).
Cán bộ trực ban Công an phường Yên Phụ đã tiếp nhận, vào sổ trực ban và báo cáo ông Dương Hồng Kết – Trưởng Công an phường Yên Phụ.
Thực hiện thông báo ngày 3/1/2016 của Công an quận Tây Hồ về việc "Các đơn vị thuộc Công an quận trong vòng 60 phút phải nhắn tin gửi đồng chí Trưởng Công an quận biết (qua 1 số máy), đồng thời gửi đến các đồng chí Phó Trưởng Công an quận phụ trách và gửi Đội TMTH để tổng hợp báo cáo Công an Thành phố. Đồng thời phải gọi ngay đối với những vụ việc nghiêm trọng", ông Kết đã gọi điện thoại báo cáo Phùng Anh Lê và ông Phạm Quý Hải – Phó Trưởng Công an quận về vụ việc.
Ông Hải gọi điện thoại báo cáo Phùng Anh Lê và được chỉ đạo giải quyết tố giác về tội phạm theo đơn của anh N.C.T, sau đó giao cho Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Đội Cảnh sát hình sự) Công an Tây Hồ phối hợp với Công an phường Yên Phụ giải quyết.
Ông Hải gọi điện cho Nguyễn Đức Châu, được Châu báo cáo đã biết vụ việc và chỉ đạo Ngọc để phân công cán bộ đến Công an phường Yên Phụ phối hợp giải quyết.
Thực hiện chỉ đạo của Châu, Ngọc đã phân công ông Phan Tất Hùng – Điều tra viên thuộc Tổ án chưa rõ thủ phạm do Ngọc phụ trách đến Công an phường Yên Phụ để phối hợp giải quyết.
Bị can Phùng Anh Lê đã tha người phạm tội thế nào?
Qua công tác điều tra, Đội Cảnh sát hình sự xác định, Tài cùng đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 22/9/2016, Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú, Ngọc điện thoại báo cáo Châu và được chỉ đạo tiếp nhận, giải quyết.
Khoảng 18 giờ ngày 22/9/2016, ông Hùng báo cáo Ngọc và đề xuất: "Nguyễn Hữu Tài và đồng bọn có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội "Bắt giữ người trái pháp luật", "Cố ý gây thương tích", "Cưỡng đoạt tài sản" nhưng hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật" là rõ nhất nên cần thiết phải ra quyết định tạm giữ Tài về hành vi trên để tiếp tục điều tra mở rộng, củng cố chứng cứ và bắt giữ các đối tượng liên quan".
Ngọc đồng ý đề xuất của Hùng, gọi điện thoại báo cáo Châu và được Châu đồng ý.
Khoảng 20 giờ ngày 22/9/2016, Ngọc và Hùng mang báo cáo đề xuất cùng hồ sơ đến nhà riêng của ông Hải. Ông Hải ký duyệt vào đề xuất.
Khoảng 21 giờ ngày 22/9/2016, Nguyễn Anh Tuấn – Đội Cảnh sát hình sự đưa Tài đến Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ gặp Nguyễn Văn Thuận - cán bộ quản giáo để thi hành quyết định tạm giữ. Thuận đến phòng làm việc của Lê Đình Trung là chỉ huy ca trực để báo cáo.
Trung chỉ đạo Thuận tiếp nhận Tài và đưa vào buồng tạm giữ. Đến 21 giờ 10 phút cùng ngày, Tuấn lập biên bản bàn giao người bị tạm giữ đối với Tài cho Thuận cùng ký.
Khoảng 22 giờ ngày 22/9/2016, Phùng Anh Lê gọi điện cho Châu, yêu cầu chỉ đạo cán bộ mang hồ sơ vụ án của Tài đến cho Lê xem.
Khoảng 23 giờ cùng ngày, Ngọc mang hồ sơ vụ việc đến phòng của Lê. Sau khi nghe Ngọc báo cáo, Lê cho rằng chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu. Ngọc đề xuất việc tạm giữ Tài là có căn cứ, Lê không đồng ý và gọi ông N.L.T – Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp đến để thẩm định hồ sơ.
Ông T báo cáo, đưa ra quan điểm cho rằng việc tạm giữ Tài "non", sau đó Phùng Anh Lê chỉ đạo Ngọc phải đưa Tài ra khỏi Nhà tạm giữ, cho viết cam kết và cho Tài về để tránh tự thương, tự sát.
Dù đã được Ngọc báo cáo là muốn cho Tài về thì phải có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ, hoặc quyết định trả tự do nhưng Phùng Anh Lê chỉ đạo Ngọc cứ xuống Nhà tạm giữ để nhận Tài, đồng thời Lê hỏi ai là người chỉ huy ca trực Nhà tạm giữ hôm đó.
Khi biết chỉ huy ca trực là Trung, Lê chỉ đạo Ngọc khi đến Nhà tạm giữ thì gọi điện thoại để Lê nói chuyện với Trung. Tài sau đó được làm cam đoan, cam kết và được cho về.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định Phùng Anh Lê là chủ mưu; Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung là đồng phạm giúp sức.
Theo kết luận điều tra, quá trình điều tra Phùng Anh Lê luôn tìm mọi lý do để chối tội và đổ lỗi cho các bị can khác. Các bị can Châu, Ngọc và Trung ban đầu chưa khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội của mình và các đồng phạm.
Chỉ sau khi bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra các quyết định khởi tố bị can thì mới khai nhận gây cản trở, khó khăn cho hoạt động điều tra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.