Có thầy giỏi mới có trò giỏi

Thứ năm, ngày 24/01/2013 07:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ông Nguyễn Văn Tuấn-Giám đốc Sở GDĐT Nam Định, có thầy giỏi mới có trò giỏi, nếu đào tạo giáo viên không được đầu tư đúng mức thì không thể đòi hỏi có được chương trình hay, cách dạy tốt.
Bình luận 0

Bên lề Hội nghị triển khai chiến lược phát triển giáo dục (ngày 23.1, tại Hà Nội) của ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng kể câu chuyện: “Cùng 6 tuổi, nhưng khi nghe chuyện giáo viên đánh học sinh trong lớp thì cô cháu học ở Úc về rất tự tin nhận xét và có phản biện logic, còn cô cháu học ở Việt Nam chỉ ngồi im.

img
Ảnh minh họa

Cô cháu học ở Úc nói giáo viên ở Việt Nam quá nghiêm khắc và có những hành vi hành xác học sinh. Cháu còn nói nếu ở Úc mà bị giáo viên đánh thì nhất định cháu sẽ gửi thư tố cáo đến Bộ trưởng GDĐT...”. Ông Nghị cho rằng: Không phải cô cháu gái học ở Việt Nam không giỏi mà chính cách dạy học trong nước có vấn đề. Cách dạy hiện nay khiến học sinh thụ động, mất niềm tin.

Một nguyên nhân được coi là mấu chốt dẫn đến sự lệch hướng trong cách thức đào tạo đó là đội ngũ giáo viên Việt Nam chưa thật “chuẩn”. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GDĐT Nam Định, hiện nay, đầu vào các trường sư phạm không phải là những học sinh giỏi mà là những học sinh có điểm trung bình, thậm chí lấy từ sàn, nên sau 4 năm đào tạo khó có thể trở thành giáo viên giỏi sau này được.

Cũng theo ông Tuấn, có thầy giỏi mới có trò giỏi, nếu như đào tạo giáo viên không được đầu tư đúng mức thì không thể đòi hỏi có được chương trình hay, cách dạy tốt... Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng cảnh báo: “Sách giáo khoa của học sinh đang được cải tiến rất nhiều, nhưng sự cải tiến đó không được đưa vào giảng dạy trong các trường sư phạm, dẫn đến việc giáo viên ra trường phải đào tạo lại từ khâu... tiếp cận sách giáo khoa mới”.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga thừa nhận: “Hiện học phí và học bổng không còn sức hút đối với sinh viên giỏi vào các trường sư phạm nữa mà phải là giải quyết việc làm. Sắp tới, Bộ sẽ có những chiến lược cụ thể nâng cao đầu vào, chất lượng đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm cho giáo viên khi ra trường...”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Muốn đổi mới giáo dục khâu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Bản thân người thầy cũng phải thường xuyên đổi mới, đánh giá, cập nhật kiến thức để không tụt hậu so với học sinh.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem